Cách bảo quản hạt cà phê lâu dài hiệu quả (tư vấn bởi chuyên gia)

Với những người làm chủ quán kinh doanh cà phê hoặc quen tự pha tại nhà, việc mua sẵn cà phê theo số lượng lớn không phải điều xa lạ. Ưu điểm lớn nhất của cách làm này là tiết kiệm chi phí nguyên liệu theo giá sỉ.

Tuy vậy, nếu không để ý, chúng ta sẽ dễ dàng vướng phải một vấn đề nhức nhối: Cà phê để lâu quá chưa dùng hết, dẫn đến giảm chất lượng, thậm chí hỏng và không thể sử dụng! 

Cà phê để bao lâu thì hỏng?

Tất cả các loại cà phê đều có hạn sử dụng nhất định, bất kể ở hình thức nào: nguyên hạt, hạt đã xay, hay dạng bột cà phê hòa tan. Theo thống kê trung bình, 1 năm kể từ ngày rang hạt là khoảng thời gian khuyến nghị tối đa để tiêu thụ hết cà phê.

nắm hạt cà phê trong tay barista
(Ảnh: Nathan Dumlao)

Thông thường, các xưởng rang khi đóng gói cà phê (túi kín khí) sẽ bơm vào một chút khí nitro, giúp tăng thời gian bảo quản hạt. Thời điểm bạn mở túi sẽ là lúc hạt cà phê tiếp xúc với không khí và độ ẩm, bắt đầu “kích hoạt” đếm ngược hạn sử dụng của cà phê.

Cấu tạo hạt cà phê gồm rất nhiều chất phức tạp, trong đó có tập hợp của carbohydrate, chất béo và amino acid. Những thành phần này sẽ phân hủy tự nhiên theo thời gian, biến đổi tính chất vật lý và hóa học, từ đó gây ảnh hưởng đến chất lượng và hương vị cà phê.

Do vậy, khi cà phê bị bỏ quên quá lâu, nhẹ thì hạt sẽ dần mất chất, nặng thì bị hỏng hoặc mốc.

Nguyên tắc bảo quản cà phê hiệu quả – lâu dài – đúng cách

Bạn không cần quá lo lắng nếu cà phê vẫn được trữ trong hộp/túi kín khí và chưa từng mở ra. Mặt khác, một khi mở hộp, chúng ta cần biết một số mẹo để ngăn ngừa tỷ lệ cà phê hỏng nhanh.

túi cà phê và hộp đựng cà phê
Lựa chọn đồ trữ cà phê cũng là điều cần lưu ý để bảo quản hạt lâu dài. (Ảnh: Madalyn Cox)

Để cà phê tươi và ngon lâu, bạn cần lưu ý ngay từ khâu chọn sản phẩm: Luôn mua cà phê nguyên hạt, có ngày rang phù hợp với mục đích và thời điểm pha chế. Nếu chọn cà phê dạng xay sẵn, tính chất vật lý và hóa học của hạt đã bị ảnh hưởng ít nhiều, khiến tuổi thọ giảm đi đáng kể.

Tiếp đến là những điều kiện cần thiết để bảo quản cà phê:

  • Nhiệt độ mát mẻ
  • Tránh tiếp xúc ánh sáng, không khí và độ ẩm

Do vậy, luôn ghi nhớ đựng cà phê của bạn trong hộp hoặc túi có chức năng đóng kín, niêm phong hiệu quả, ngăn không khí lọt vào. Các phụ kiện này rất dễ tìm ở nhiều nơi bán, thường có một lớp mút cao su ở miệng hoặc nắp.

Khi đã đảm bảo cách ly hạt với không khí, hãy đặt hộp chứa ở nơi râm mát trong nhà, tránh khu nhiều ánh sáng và nhiệt độ cao (bệ cửa sổ, không gian ngoài trời…), tránh nơi ẩm ướt (vòi nước, bàn bếp…). Tất nhiên, không gian để cà phê cũng cần thông thoáng, sạch sẽ, không ẩm mốc ám mùi.

Tin vui là công nghệ dây chuyền đóng gói cà phê nay đã hoàn thiện hơn nhiều lần, loại bỏ lo ngại về việc phải mua hộp kín riêng. Cụ thể, hầu hết các loại túi bìa, túi giấy gói cà phê đã đủ dùng, nhờ những ưu điểm sau:

  • Làm từ giấy tối màu hoặc nhựa tổng hợp: Không để lọt ánh sáng.
  • Chất liệu dày, kín, chắc chắn: Giúp cách ẩm.
  • Van khí một chiều: Khiến không khí chỉ có thể lưu thông từ trong ra ngoài, giúp giảm tối thiểu lượng khí lọt vào tiếp xúc với hạt cà phê.

So với hộp cứng, túi giấy thậm chí còn được đánh giá tốt hơn nhiều, vì nó cho phép bạn nắn bóp túi để đẩy không khí bên trong ra ngoài. Còn lại, hộp hoặc lọ cứng không thể làm vậy, vẫn để lọt một phần không khí bên trong sau khi đóng nắp.

Phần lỗ van khí một chiều trên thân túi cà phê. (Ảnh: MTPak Coffee)

Một số lưu ý bổ sung khi bảo quản cà phê:

  • Không bảo quản hạt cà phê trong tủ lạnh: Trữ hạt ở nhiệt độ lạnh không cho kết quả tốt hơn là bao so với nhiệt độ phòng thông thường. Ngoài ra, không gian tủ lạnh rất dễ ám mùi thức ăn, khiến cà phê bị lệch vị do nhiễm mùi.
  • Không mua quá nhiều cà phê để dùng trong thời gian quá dài: Cà phê ngon nhất là cà phê được pha ở thời điểm còn mới, khoảng vài tuần tính từ thời điểm rang xong. Càng để lâu, cà phê càng kém ngon, kể cả khi chúng chưa thực sự bị hỏng.

Hạn sử dụng khuyến nghị thực tế cho cà phê

Trong hầu hết mọi trường hợp, thời gian bảo quản cà phê thực tế sẽ không đạt đến mức 1 năm như đã đề cập. Con số chính xác còn tùy vào dạng sản phẩm và cách sơ chế – phổ biến nhất là 3 loại: Cà phê nguyên hạt – cà phê xay sẵn – cà phê hòa tan.

Cà phê nguyên hạt

Nếu cà phê nguyên hạt vẫn được đựng trong hộp kín (nguyên seal), bạn có thể trữ và dùng trong 6-9 tháng mà vẫn giữ được hương vị ổn định.

Mặt khác, khi đã mở hộp, thời gian khuyến nghị nên dùng hết là tối đa 6 tháng.

Cà phê xay sẵn

Nếu bạn mua cà phê được xay sẵn từ cửa hàng, kết cấu hạt đã bị phá vỡ, tiếp xúc nhiều với không khí hơn, khiến các tinh chất dầu trong cà phê bị phân rã nhanh.

bột cà phê xay sẵn
(Ảnh: Andrea Tummons)

Vì vậy, bạn cần tiêu thụ nhanh chóng hơn, trước khi chất lượng hương vị giảm xuống rõ rệt. Thời hạn nên dùng là 3-5 tháng.

Cà phê hòa tan

Cà phê hòa tan cũng là một dạng xay sẵn, nhưng ở dạng tinh thể (nhờ trải qua quy trình sấy khô và chế biến tỉ mỉ) chứ không đơn thuần là vụn hạt xay thông thường. Vì vậy, chúng có thể để được tới 2 năm hoặc nhiều hơn, dao động tùy độ cẩn thận và môi trường bảo quản.

Điểm trừ của cà phê hòa tan là không thể tạo ra những nét vị cầu toàn và phức tạp như cà phê hạt.

Dấu hiệu của cà phê giảm chất lượng, quá hạn hoặc hỏng

  • Mùi: Rất mỏng, nhạt nhòa, không lan tỏa, thiếu nét đặc trưng dễ thấy của hương cà phê, hoặc đôi khi chua kiểu ẩm mốc
  • Vị: Lỏng lẻo, chua gắt, không có độ phức tạp hay nhiều tầng lớp (xét ở trường hợp pha đúng kỹ thuật, không mắc lỗi)
  • Lớp crema: Rất mỏng hoặc thậm chí không tạo thành rõ lớp bọt, chỉ sủi li ti trên mặt cốc
  • Tình trạng túi đựng: Nếu bỏ cà phê trong túi kín khí, mà sau một thời gian bạn không thấy bên trong túi phồng lên (do khí CO2 trong hạt cà phê thoát ra), điều đó đồng nghĩa cà phê của bạn đã để lâu hơn bình thường, không còn tươi ở mức lý tưởng

ĐỌC THÊM:


Làm gì khi lỡ uống cà phê hết hạn?

Cà phê hết hạn chưa chắc đã bị hỏng, bởi còn tùy vào độ cẩn thận của người dùng và môi trường bảo quản. Vậy nên, có những trường hợp cà phê dù để rất lâu nhưng chỉ bị giảm hương vị, chứ không biến chất hoặc lên nấm mốc.

Nếu cà phê chưa bị mốc, hãy yên tâm vì có lỡ uống cũng không sao (chỉ là vị không ngon thôi).

Bạn có thể xoay xở bằng cách pha với tỷ lệ cà phê nhiều hơn, hoặc thêm sữa để át chế vị gắt của cà phê để lâu. Nhưng đó chỉ là phương án tạm thời, còn khuyến cáo tối ưu vẫn là tái sử dụng chúng cho mục đích khác, không dùng để uống.

4 cách tái chế cà phê hết hạn

Vậy làm gì với cà phê hết hạn khi lỡ bỏ quên quá lâu và không thể pha uống nữa? Bật mí nhé: Đem vứt bỏ là phương án không hề tối ưu một chút nào. Tùy vào tình trạng của hạt mà sẽ còn nhiều cách khác để bạn tận dụng số cà phê thừa đó.

Làm bánh

Nếu cà phê chưa bị hỏng mà chỉ đơn giản là giảm chất lượng hương vị do để quá lâu, bạn hoàn toàn có thể tận dụng để làm nguyên liệu cho các loại bánh như brownie, tiramisu… Khi được chế biến đúng cách, chúng vẫn có thể đem lại những điểm nhấn tạo vị cà phê hiệu quả sau khi ra lò.

bánh brownie cà phê

Chăm sóc cây

Cà phê xay nhuyễn có thể được trộn cùng đất để tăng dinh dưỡng cho cây, đóng vai trò như một loại phân bón an toàn. Đặc biệt, nếu được bón trên nền đất tự nhiên, cà phê còn giúp thu hút giun – vốn là loài động vật có ảnh hưởng tích cực đến môi trường đất trồng.

Đuổi muỗi

Không chỉ ruồi muỗi, các loài động vật gây hại khác như ốc sên hoặc sâu bọ cũng được ngăn ngừa hiệu quả, bởi chúng không thích nghi được với mùi hương và một số chất bên trong cà phê.

Mọi thứ cần làm chỉ là rải hạt cà phê quanh khu vực nhiều ruồi muỗi, hoặc áp dụng bón vụn cà phê xay vào đất như khi trồng cây là xong.

Tẩy da chết

Nếu cà phê chưa hỏng, hãy trộn cà phê đã xay thành hỗn hợp với dầu dừa hoặc mật ong để có ngay một loại kem tẩy da chết lành tính, an toàn cho da, làm sạch và bổ sung dưỡng chất không thua gì những loại dược mỹ phẩm đắt tiền.