Cà phê muối: Đặc sản gốc Huế & cách làm tại nhà siêu dễ

Chào mừng các bạn trở lại với chuyên mục các công thức pha cà phê đặc biệt trên thế giới. Trước đây, TopListCafe đã giới thiệu tới mọi người về cafe phô mai, cafe mật ong, gần nhất là cafe trứng. Lần này, hãy dành thời gian chiêm ngưỡng một món cafe siêu độc lạ nữa: Cà phê muối.

Nếu bạn nghe xong thấy hơi “kỳ kỳ”, hãy biết rằng rất nhiều người cũng có chung suy nghĩ tương tự, bao gồm cả chúng mình. Quả thực, ít ai có thể nghĩ đến gia vị món ăn như muối lại đóng vai trò chủ chốt để pha chế với cà phê – loại hạt có sắc thái hương vị hoàn toàn không liên quan gì.

Vậy hoàn cảnh sáng tạo nên cafe muối như thế nào? Cách làm cà phê muối ra sao cho chuẩn vị nhất?

Cà phê muối là gì?

Cà phê muối là cà phê được pha cùng một lượng muối nhất định, vừa đủ để tăng cường sắc thái hương vị tổng thể trong cốc. Ngoài ra, thành phần muối cũng giúp trung hòa vị đắng của cafe, càng khiến trải nghiệm thưởng thức trở nên trọn vẹn hơn. 

cà phê muối Huế

Nghe có vẻ đơn giản, nhưng hương vị của cafe muối thật sự đã khiến nhiều người bị nghiện. Bên cạnh sự độc đáo, cafe muối còn trở nên hấp dẫn vì độ healthy, bởi người uống không cần đối phó với vị đắng bằng cách thêm đường hay sữa – những nguyên liệu có thể gây hại cho cơ thể khi được tiêu thụ quá nhiều.

Muối pha với cà phê sẽ cho hương vị tổng thể ra sao?

Vai trò của muối đối với cà phê

Như đã đề cập, muối được sử dụng để giảm bớt vị đắng của cà phê. Thậm chí, đối với những cốc cafe bị lệch và nhạt vị do để lâu quên uống ngay, thêm một chút muối vào cũng có thể giúp đáng kể trong việc khôi phục hương vị gốc.

Dựa trên những kết luận này, có thể nói sự hòa trộn giữa muối và cà phê là phù hợp (ở một mức độ nhất định), áp dụng được cho khá nhiều công thức pha chế đa dạng.

Ừm, okay… Vậy hương vị chung của đồ uống khi đó sẽ ra sao nhỉ? Vẫn là cafe nhưng cảm giác “mặn” hơn chăng? Thật ra, đó không phải cách muối và cà phê hoạt động khi kết hợp phản ứng với nhau đâu!

Vai trò thực sự của muối trong cafe không phải để tăng độ mặn hay thay đổi hương vị của cà phê sau pha chế, mà chính xác là kích thích các nụ vị giác (cơ quan thụ cảm vị giác) trên lưỡi. 

Khi đó, não bộ của bạn sẽ nhận một tín hiệu hương vị mới lạ, bị đánh lạc hướng khỏi sắc thái đắng chát có sẵn của cafe.

Vì sao muối biết “khử” vị đắng của cà phê?

Đúng vậy, tại sao muối khi ăn bình thường dù chỉ một ít cũng thấy mặn – nhưng muối cho vào cafe thì không mặn thêm, mà lại tự động triệt tiêu vị đắng?

Để giải thích hiện tượng này, hãy cùng lướt qua chút kiến thức cơ bản về cách lưỡi chúng ta phân biệt và cảm nhận hương vị. 

cho muối vào cà phê
(Nguồn ảnh: VinePair)

Cụ thể, hàng nghìn nụ vị giác trên lưỡi có vai trò nhận biết 5 sắc thái cơ bản của mùi vị: ngọt, mặn, chua, cay, đắng. Trong đó, cơ chế cảm nhận 4 vị ngọt, mặn, chua, cay của lưỡi là giống hệt nhau, và khi kết hợp với muối, 4 sắc thái này đều sẽ gia tăng cường độ hương vị.

Tuy nhiên, chỉ duy nhất vị đắng lại được lưỡi cảm nhận theo cách riêng biệt hoàn toàn!

Để nhận biết vị đắng, lưỡi chúng ta sẽ tiết ra chất canxi ion hóa (calcium ion – Ca2+) khi tiếp xúc với đồ ăn/uống. Tính chất của muối không cộng hưởng với phản ứng này, mà trái lại, còn gây ức chế quá trình đó. Do vậy, cảm giác vị đắng trên đầu lưỡi sẽ phần nào được triệt tiêu đi bởi muối.

Khi áp dụng cho bối cảnh pha chế cafe và vị đắng đặc trưng của loại hạt này, rõ ràng muối là một gia vị đầy sáng tạo khi được sử dụng tinh tế và đúng cách.

Nguồn gốc lịch sử ra đời cà phê muối

Trên thế giới

Cà phê muối đã xuất hiện từ khá lâu trên thế giới. Tuy nhiên, các tài liệu ghi chép cho thấy khá nhiều bối cảnh nguồn gốc khác nhau về cà phê muối. Vì vậy, khá khó để xác định đâu là nơi tiên phong khai sinh ra món cafe này.

Chẳng hạn, đối với người dân các nước thuộc khu vực Bắc Scandinavia, Siberia, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary, cafe muối đã trở thành một phần văn hóa lâu đời của họ. Một số vùng miền giáp biển còn sáng tạo cách làm cafe muối từ nước lợ (phần nước chuyển giao từ cửa sông ra biển) đun sạch và pha trực tiếp.

Vì nước lợ đã có vị mặn nhất định ban đầu, nền họ không cần tự thêm muối bên ngoài khi pha cafe nữa. Độ mặn của nước lợ cũng không gắt gao, vừa đủ thích hợp để điều chỉnh.

Một tài liệu khác lại nhắc đến bối cảnh Thế Chiến II, khi các hạm đội viễn dương của Mỹ trực chiến liên tục, họ nghĩ ra cách khử/tách muối trong nước biển để chế thành nước ngọt dùng cho ăn uống. Dù vậy, hạn chế về công nghệ khi đó vẫn khiến nước biển không thể được khử hoàn toàn 100% muối, khiến họ buộc phải chấp nhận nước dùng vẫn có chút độ mặn. 

Khi các thủy thủ sử dụng nước đó để pha cafe, họ nhận thấy sự khác biệt khá mới mẻ trong hương vị tổng thể. Đó là cách họ biết đến cà phê muối.

thủy quân Mỹ uống cà phê muối trên tàu trong Thế Chiến 2
Thủy quân Mỹ uống cà phê muối trên tàu trong Thế Chiến 2. (Nguồn ảnh: Military.com)

Tại Việt Nam

Huế là nơi cập bến đầu tiên của công thức làm cà phê muối tại Việt Nam. Được biết, cách đây hơn 10 năm, một quán cafe sân vườn tại phố Nguyễn Lương Bằng (Huế) đã có những đổi mới riêng trong quy trình pha chế cà phê muối của mình. 

Không rõ chủ nhân quán cafe tiếp xúc và làm quen với cà phê muối bằng cách nào, cải tiến công thức gốc ra sao. Chỉ biết rằng dần dần tiếng lành đồn xa, tay nghề của quán ngày một đình đám, khiến cà phê muối Huế trở thành một nét đặc sản không thể không nhắc đến ở thành phố này.

Bên cạnh Huế, còn có cà phê muối Đà Nẵng cũng khá nổi tiếng. Nếu là một fan cứng của cafe và có dịp du lịch qua các vùng duyên hải miền Trung và Nam Trung Bộ, đừng quên ghé qua thưởng thức xem hương vị cà phê muối của 2 thành phố này có gì khác biệt không nhé.


ĐỌC THÊM:


Cách làm cà phê muối chuẩn vị xứ Huế  

Chuẩn bị nguyên liệu & dụng cụ

  • Cà phê (đã xay): 25-30g
  • Sữa đặc: 1 thìa nhỏ 
  • Muối tinh: 7-10 hạt
  • Nước sôi: 100ml
  • Phin cafe
  • Cốc, ly, thìa…
  • Đá viên (nếu bạn muốn uống lạnh)

Sự góp mặt của sữa đặc chính là điểm khác biệt của công thức làm cà phê muối ở Huế so với cách làm gốc trên thế giới, tạo nên mùi hương thơm ngậy, hấp dẫn hơn đáng kể.  

Quy trình & công thức làm cà phê muối

  • Bước 1: Tráng rửa phin cafe bằng nước sôi, vừa vệ sinh sạch sẽ, vừa tạo độ ấm sẵn có cho khung phin, giúp bột cà phê nở đều hơn và cho kết quả tốt hơn.
  • Bước 2: Cho cùng lúc bột cà phê và muối vào phin. Đảo nhiều lần để trộn đều tất cả. Nén chặt hỗn hợp trước khi sang bước tiếp theo.
  • Bước 3: Đổ từ từ khoảng 100ml nước sôi vào phin – có thể chia làm từng đợt đổ 40ml và 60ml cách nhau khoảng 2 phút. Chỉnh nắp cài rồi chờ cafe được lọc chắt nước.
  • Bước 4: Thêm chút sữa đặc vào cốc rồi khuấy đều (thêm đá lạnh nếu bạn muốn). Vậy là đã bạn hoàn thành pha chế một cốc cafe muối cho riêng mình.
cách làm cà phê muối

Lưu ý để cà phê muối có chất lượng trọn vẹn nhất

Kiểm tra kỹ nguyên liệu và dụng cụ

Ngay từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, hãy đảm bảo bạn chọn mua hạt cà phê nguyên chất, nguồn gốc rõ ràng, có thông tin kiểm định đi kèm. Tuyệt đối tránh các loại cà phê không rõ xuất xứ, có dấu hiệu pha trộn tạp chất.

Các dụng cụ như phin cafe, cốc đựng, thìa… cũng phải được vệ sinh sạch sẽ, tránh vi khuẩn hoặc cặn bẩn gây mùi, hoặc tệ hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Nguồn nước pha chế cũng nên được bố trí qua hệ thống lọc kỹ càng, không dùng nước để lâu ngày hoặc không được lọc kỹ. Kể cả khi được đun sôi, nguồn nước kém chất lượng sẽ không bao giờ mang lại kết quả hương vị như ý cho tách cafe của bạn.

Kỹ thuật trộn muối cùng cà phê

Trên thực tế, có 2 cách để thêm muối vào cà phê khi pha chế: 

  1. Trộn muối vào bột cà phê trước/trong khi cho vào phin. 
  2. Cho muối vào nước cốt cà phê sau khi đã lọc xong từ phin, rồi khuấy đều.

Cả 2 phương pháp đều có tác dụng tương tự nhau, tùy vào cách pha cà phê muối hợp sở thích mỗi người. 

trộn muối vào cà phê
Hoặc trộn muối vào cà phê ngay khi xay (trái) hoặc thêm vào sau khi chắt xong nước cốt cà phê (phải). (Nguồn ảnh: Perfect Daily Grind)

Tuy nhiên, cách làm số 2 có một nhược điểm nho nhỏ: Người uống sẽ cảm thấy vị mặn của muối rõ hơn một chút so với cách làm số 1.

Về cơ bản, vai trò của muối khi kết hợp với cà phê là triệt tiêu vị đắng, và “ẩn mình” hết sức có thể, tránh tạo ra vị mặn riêng biệt vào hương vị tổng thể của cốc. Nói cách khác, cà phê muối là công thức được sinh ra để giảm độ đắng, chứ không đồng nghĩa với “cà phê mặn.”

Nếu làm theo cách số 1 – trộn đều muối vào cà phê ở dạng bột xay ngay trong phin – kết quả hòa tan của muối và cà phê sẽ xảy ra hài hòa hơn khi có nước sôi xúc tác, tạo ra phản ứng khử vị đắng một cách tối ưu mà không sinh thêm vị mặn. Thậm chí, nhiều người còn dùng thêm cối giã hoặc máy xay để khiến 2 thành phần này hòa trộn đến độ lý tưởng. 

Dù vậy, bạn chỉ kiểm soát được 100% các công đoạn chuẩn bị này nếu chính bạn tự tay pha chế cà phê muối. Còn lại, khi thưởng thức ở một quán cafe, barista thường sẽ chọn cách số 2, để khách hàng tự quyết định lượng muối sau cùng khi trộn với cafe pha sẵn.


ĐỌC THÊM:


Trên đây là toàn bộ những gì bạn cần biết về cà phê muối, định nghĩa và nguồn gốc ra đời, cũng như chi tiết cách làm cà phê muối tại nhà. Hiện tại, cà phê muối cũng đã được khá nhiều các quán cafe ở cả Hà Nội và Sài Gòn học tập để kèm vào trong menu. Tuy vậy, bạn vẫn nên thử một lần trải nghiệm hương vị cà phê muối gốc Huế để cảm nhận được hết văn hóa lâu đời của đặc sản này.

Chúc các bạn có những giây phút thưởng thức cafe thú vị. Và đừng quên ghé qua xem thêm nhiều công thức cafe đa dạng khác được giới thiệu bởi TopListCafe nhé.