Kinh doanh quán cafe ngày nay nếu chỉ là đồ uống đơn thuần đôi khi sẽ khó tạo ra tiềm năng doanh thu lớn, chưa kể tỷ lệ níu chân khách cũng bị ảnh hưởng nếu cùng khu vực xuất hiện nhiều đối thủ tương tự. Đó là lý do việc kết hợp thêm một mô hình dịch vụ khác để vận hành song song sẽ giúp làm mới hình ảnh cho thương hiệu, tạo ấn tượng tốt, đồng thời mở rộng tệp khách hàng.
Dưới đây là 5 hình thức kinh doanh kết hợp cùng quán cafe đã được chứng minh có hiệu quả tốt, và vẫn đang tạo ra tiềm năng lợi nhuận lớn nếu biết cách áp dụng khôn ngoan.
1. Tô tượng/tô tranh
Đây có lẽ là một trong những mô hình phổ biến và dễ thực hiện nhất, lại không yêu cầu quá nhiều chi phí đầu tư cộng dồn. Các hoạt động tô vẽ lên tượng hoặc tranh theo khung hình có sẵn mà không tốn công tự sáng tạo ra sẽ rất phù hợp để tạo không khí thư giãn, giải trí, giết thời gian nhẹ nhàng. Trên hết, việc khách hàng có quyền giữ sản phẩm mang về theo mong muốn sẽ càng tăng tính kết nối và ghi nhớ hơn.
Cách chọn lọc mẫu tượng/tranh theo nhiều thể loại và hình thức, khớp với từng nhóm tuổi hoặc tính chất sở thích tương đồng của tệp khách hiện có hoặc muốn tiếp cận cũng là điều cần lưu ý. Đây là yếu tố mà ít chủ quán để ý tới, khiến cho dịch vụ tô tượng/tranh của nhiều quán cafe phần lớn có sự giống nhau, khó để lại ấn tượng nổi bật.
Thay vì chỉ chọn các mẫu đại trà phổ thông, chỉ cần một chút công sức tìm kiếm nguồn tượng/tranh theo một chủ đề mới lạ nào đó (nhân vật phim hot, trường phái nghệ thuật độc lạ hơn…) là đủ để các chủ quán tạo ra một chất riêng khó quên cho thương hiệu của mình.
2. Sách truyện
Hình thức cafe sách cũng không còn xa lạ trên thị trường, đã có lịch sử xuất hiện khá lâu. Ưu điểm là chi phí và công sức chuẩn bị chưa quá phức tạp, đồng thời quán sẽ ngay lập tức truyền tải và kết nối với tệp khách tương thích – những người tìm kiếm một không gian thư thái, dễ tập trung, vừa có thể đọc sách/truyện tại quán hoặc làm việc cá nhân khác.
Một điều kiện cần thiết để mô hình cafe sách hoạt động hiệu quả là việc đầu tư nguồn sách truyện dàn trải nhiều thể loại, đáp ứng cả chất lượng và số lượng. Thương hiệu cần ghi điểm không chỉ qua hình thức, mà còn cả vai trò là một nơi cung cấp nhiều tư liệu cần thiết, dễ dàng phù hợp với nhiều tính chất hoặc độ tuổi khách hàng. Nếu chỉ sở hữu một số lượng sách truyện ít ỏi, có lẽ thương hiệu sẽ chỉ hấp dẫn được tệp khách có nhu cầu đem laptop hoặc sách vở tới tìm không gian làm việc, mà bỏ qua những người thực sự muốn khám phá thêm kiến thức ngẫu hứng từ kho tư liệu được cung cấp.
3. Workspace/workshop
Trong thời thế hiện nay, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp cho phép hình thức làm việc từ xa, các quán cafe được thiết kế theo xu hướng workspace đang dần chiếm được cảm tình lớn của nhiều người.
Nếu cho rằng những quán phổ thông chỉ cần rộng rãi, nhiều ánh sáng, yên tĩnh cũng có thể đáp ứng mục đích làm việc và cạnh tranh trực tiếp với các workspace cafe thì sẽ hơi sai lầm. Một không gian workspace chuyên nghiệp sẽ có thiết kế chỉn chu hơn rất nhiều, từ màu sắc, nội thất, phụ kiện, và nổi bật nhất là cách phân chia theo từng phân khu chức năng, phổ biến nhất có thể kể đến:
- Khu vực mở, hoạt động như một không gian cafe thông thường
- Khu vực riêng tư khép kín (hình thức kén làm việc, văn phòng thuê riêng, không gian khép kín cho sự kiện…)\
Chính từ việc đáp ứng nhiều mục đích tổ chức đa dạng các hoạt động mang tính chất chuyên nghiệp cao nên workspace cafe cũng thường được chọn làm địa điểm cho các event workshop, kết nối, diễn thuyết ở quy mô vừa và nhỏ. Qua đó, chủ quán có thể hợp tác với đại diện tổ chức sự kiện theo rất nhiều hình thức khác nhau – từ bán vé trọn gói bao gồm đồ uống, hoặc sáng tạo thêm các chương trình kích cầu khác để mở rộng tệp khách tiềm năng trong tương lai.
4. Nhạc sống (live music)
Mô hình kết hợp trình diễn live music tại quán cafe xuất hiện khá nhiều tại TP.HCM, nay cũng đang trở nên phổ biến hơn ở Hà Nội. Tổ chức dịch vụ live music sẽ yêu cầu sắp xếp không gian hợp lý một chút, cộng thêm kế hoạch cân bằng doanh thu theo tần suất diễn.
Mức độ nổi tiếng của nghệ sỹ được mời hợp tác cũng phân hóa đa dạng, có thể là một ban nhạc tự thân mới nổi, cần tiếp cận để gây ấn tượng nhiều hơn với khán giả, hoặc những gương mặt đã có ít nhiều kinh nghiệm và tiếng tăm trong lòng đại chúng. Dù vậy, hình thức này luôn phù hợp để thu hút sự chú ý và tò mò từ nhiều tệp khách mới, đồng thời đem lại tiềm năng lớn để phát triển danh tiếng thương hiệu khi biết cách chọn lọc đúng người biểu diễn.
Một số quán cafe có mức độ đầu tư lớn về diện tích hoạt động và menu đồ ăn đa dạng (như bistro) cũng hưởng lợi rất nhiều khi tổ chức những buổi diễn vào giờ cao điểm. Đặc biệt, số lượng khách sử dụng dịch vụ sẽ không đơn thuần là nhóm lẻ ít người, mà có thể là cả một gia đình tới thưởng thức ăn uống và nghe nhạc. Trên một số cộng đồng kết nối online dành cho các chủ thương hiệu cafe, những hình ảnh thống kê tổng doanh thu đạt 50-80 triệu/ngày đang cho thấy sức hút khổng lồ khi thu hút thành công tệp khách gia đình như trên.
5. Board game
Cũng không phải nói quá khi cho rằng board game là một trong những loại hình dịch vụ có có khởi điểm sớm nhất được ứng dụng vào quán cafe. Đặc thù của board game là những trò chơi cần nhiều người tham gia, nên cách kết hợp như vậy sẽ giúp kích cầu lượng khách tự nhiên.
Dù vậy, phong trào board game đã qua thời thịnh hành, đang dần có xu hướng thoái trào trong những năm trở lại đây. Sự phổ biến của các nền tảng thương mại điện tử giúp khách hàng dễ dàng tự mua phụ kiện board game về tổ chức tại nhà thường sẽ mang tính thuyết phục cao hơn so với công sức và số tiền phải bỏ ra để sắp xếp một buổi tới cafe board game. Do đó, để tối ưu hóa lợi nhuận, các chủ quán phải học cách làm mới thêm trải nghiệm, lồng ghép dịch vụ board game vào những hình thức khác.