5 mẹo để nhân viên quán cafe gắn bó lâu dài và ổn định

Tìm kiếm nhân viên làm việc cho quán cafe không quá khó, nhưng để đội ngũ gắn bó lâu dài ổn định lại là vấn đề tốn rất nhiều công sức. Nguyên nhân và giải pháp cần thiết cho bối cảnh này ra sao? Dưới đây là tổng hợp 5 cách giữ chân nhân viên hiệu quả khi làm việc tại quán cafe.

Vì sao cần thuyết phục nhân viên quán cafe gắn bó ổn định?

Tiết kiệm thời gian và công sức 

Mỗi lần nhân viên cũ nghỉ việc và tuyển dụng người mới là một lần chủ quán phải lo toàn bộ từ khâu tìm người, tuyển dụng, phỏng vấn và đào tạo chuyên môn, sau cùng là theo dõi đánh giá để có kết luận chính thức.

Tưởng chừng đơn giản, nhưng bấy nhiêu quy trình đó sẽ tiêu tốn rất nhiều công sức và thời gian, đôi khi còn không đem lại kết quả như ý, dẫn tới căng thẳng và những vấn đề phát sinh không đáng có.

nhân viên pha chế cà phê
Quy trình đào tạo nhân viên mới thành thạo chuyên môn pha chế sẽ tốn nhiều thời gian hơn bạn tưởng. (Ảnh: Quan Le)

Giảm thiểu rủi ro vận hành

Thiếu vắng một nhân viên sẽ ít nhiều khiến cho đội ngũ hiện tại phải gánh vác thêm một phần khối lượng công việc. Ngoài ra, nếu công việc của nhân viên đó có tính chất chuyên môn cao hơn bình thường (như pha chế), hoặc bối cảnh xin nghỉ rơi vào đúng dịp lễ quan trọng, chắc chắn công suất hoạt động của thương hiệu sẽ bị ảnh hưởng.

5 cách giữ chân nhân viên hiệu quả cho chủ quán cafe áp dụng

Tăng lương và lợi ích

Đi thẳng vào vấn đề, đầu tiên vẫn là tiền đâu 😂 Dĩ nhiên, bạn không cần quá lao lực mà chỉ cần trả lương của nhân viên ở đạt mức khá trở lên so với mặt bằng chung của ngành dịch vụ cafe.

Nếu chưa sẵn sàng đề bạt mức lương cao hơn, bạn có thể tạm áp dụng một số phúc lợi khác cho nhân viên. Chẳng hạn: Ưu đãi khi bản thân nhân viên hoặc gia đình, bạn bè của họ tới dùng đồ uống tại quán. Hoặc bạn cũng có thể tổ chức những sự kiện nội bộ khác để tăng tinh thần làm việc và làm chất keo gắn bó tập thể.

Thưởng phạt rõ ràng

Đặt ra nội quy để làm việc nhân viên tuân thủ là một cách giúp đảm bảo hiệu suất kinh doanh ổn định. Tuy nhiên, nhiều nơi lại chỉ dùng nội quy để phạt và răn đe, mà quên mất rằng nhân viên cũng cần được khen thưởng khi hoàn thành tốt công việc.

Vì vậy, việc đặt ra những giới hạn rõ ràng của chế độ thưởng theo kết quả tương xứng là điều cần thiết, giúp nhân viên có thêm động lực, đồng thời tin tưởng và gắn bó hơn với bạn vì nhận được quyền lợi tốt và quản lý công tâm.

(Ảnh: Brooke Cagle)

Những hạng mục như thưởng lương ngày công trong dịp lễ theo đúng luật lao động, hoặc quà cá nhân cho dịp sinh nhật cũng có thể được tính chung trong quy định này.

Tôn trọng nhân viên

Đừng bao giờ giữ suy nghĩ chủ-tớ khi vận hành doanh nghiệp. Thay vào đó, mọi nhân viên cần có tiếng nói bình đẳng và được trao quyền chủ động góp ý xây dựng quan điểm chính đáng trong công việc (có thể qua trao đổi trực tiếp hoặc thực hiện phiếu khảo sát định kỳ).

Trên cương vị người làm chủ, bạn cũng cần tác động, phản hồi một cách hợp lý để nhân viên biết ý kiến của họ thực sự được lắng nghe và cân nhắc. Mọi thứ sẽ trở nên vô ích nếu không có tương tác hai chiều. 

Ngoài ra, thái độ hòa nhã và thói quen nói lời cảm ơn cũng khiến bạn trở nên thân thiện hơn trong mắt nhân viên. Khi đó, tinh thần làm việc sẽ được nâng cao và mỗi nhân viên sẽ cảm thấy thoải mái hơn trong môi trường hiện tại. Kết quả này đã được nghiên cứu kỹ càng bởi James R. Detert và Ethan Burris, đăng tải trên Harvard Business Review.

Trao cơ hội phát triển

Nếu nhân viên của bạn có khả năng nhạy bén, tiếp thu nhanh và hoàn thành việc được giao vượt qua kết quả kỳ vọng, đừng “tham lam” giữ chặt họ ở một vị trí. Ngược lại, hãy chủ động xem xét và đề xuất các cơ hội mở rộng kỹ năng chuyên môn trong công việc – tất nhiên sẽ đi kèm với trách nhiệm và quyền lợi cao hơn.

Vẫn biết rằng việc này hơi khó sắp xếp tỉ mỉ đối với các quán cafe nhỏ, nhưng đây vẫn nên là hạng mục cần chú ý trong chặng đường kinh doanh lâu dài.

Tự đánh giá quy trình quản lý

Trong nhiều trường hợp, sự ngắn ngủi trong thời gian gắn bó của nhân viên lại liên quan đến cách thức quản lý hơn là thiếu sót trong môi trường làm việc.

Dù trong trường hợp bạn tự đứng quán hay thuê người khác quản lý thay, hãy đảm bảo cửa hàng của bạn có một quy trình quản lý rõ ràng, và nhân sự đảm đương vị trí này nên có chứng chỉ/bằng cấp liên quan để thực sự hiểu được công việc quản lý.

(Ảnh: Louis Hansel)

Trên hết, đừng để những góc nhìn cá nhân hoặc cái tôi quá cao lấn át cái đầu lạnh. Chẳng hạn, bạn từng làm sếp của một công ty công nghệ không có nghĩa bạn sẽ quản lý tốt một thương hiệu cafe, vì tính chất ngành, dịch vụ và nhân viên sẽ chênh lệch khá nhiều.


ĐỌC THÊM:


4 lý do phổ biến khiến nhân viên quán cafe khó gắn bó lâu dài

Đặc thù cố hữu của công việc

Trừ các chức vụ phức tạp và cần nhiều kỹ năng khác nhau như chủ thương hiệu hoặc quản lý được phân quyền, những vị trí đơn giản hơn như pha chế và phục vụ sẽ đơn giản và rập khuôn hơn. Do vậy, nhân viên làm việc có thể nhanh chán và xin đổi việc nhanh hơn bạn tưởng do không còn hứng thú với vai trò được giao.

Mức lương cơ bản thấp

Hiện tại, thống kê tại Việt Nam cho thấy mức lương trung bình của nhân viên phục vụ và pha chế quán cafe dao động từ 4.500.000 – 5.000.000đ/tháng cho vị trí full-time, có thể lên khoảng 7.000.000 đồng với nơi yêu cầu cao hơn về kinh nghiệm, ngoại hình hoặc kỹ năng phụ. (Lưu ý: Con số này không áp dụng sát sao cho những quán tập trung phục vụ đồ uống có cồn.)

Đối với vị trí part-time theo ca kíp, nhiều nơi sẽ áp dụng trả lương theo giờ, trung bình 20.000 – 25.000đ/giờ.

Dĩ nhiên đây không phải những con số hấp dẫn để một người sẵn sàng khẳng định sẽ gắn bó lâu dài với công việc hiện tại.

Dù sao thì vấn đề này cũng không thể đổ lỗi lên các chủ quán, vì còn có mối liên hệ mật thiết đến nền sự tương quan kỹ năng, nền kinh tế thị trường cũng như văn hóa của từng đất nước, nhỏ hơn là tiềm lực nội bộ của quán cafe.

Không hợp ngành dịch vụ

Không thể phủ nhận ngành dịch vụ đi kèm với rất nhiều áp lực khi bạn phải học cách hạ cái tôi thấp hơn, đảm bảo khách hàng cảm thấy trọn vẹn với trải nghiệm tại quán. Tuy nhiên, không phải ai sinh ra cũng được trời phú cho bản tính phù hợp với yêu cầu trên.

không gian quán cafe
Công việc phục vụ cũng đòi hỏi phạm vi tính cách và kỹ năng nhất định. (Ảnh: Rod Long)

Do vậy, rất dễ hiểu khi nhiều bạn nhân viên quán cafe sẵn sàng xin thôi việc chỉ sau 1-2 ngày vì không hợp công việc phục vụ khách hàng. Có thể bạn ấy xui xẻo gặp đúng hôm toàn khách khó ở, có thể do bạn kỳ vọng quá cao để rồi thất vọng cũng quá lớn, hoặc kỹ năng mềm chưa đủ tốt để thích nghi hiệu quả với đủ thể loại khách trong ngày – lý do nào cũng rất khó để giải quyết được một sớm một chiều. 

Không kiểm soát được lịch cá nhân

Phần lớn nhân viên làm việc tại các quán cafe là các bạn trẻ, thậm chí nhiều bạn vẫn còn đang đi học nhưng muốn có thêm thu nhập cá nhân. Thậm chí các chủ quán cũng thích nhận các bạn nhân viên trẻ vì sự năng động, hòa hợp với xu thế thị trường và trên hết là dễ thỏa thuận lương hơn.

Tuy nhiên, chính đặc trưng về độ tuổi cũng là điểm yếu khiến nhiều bạn bấp bênh trong việc kiểm soát thời gian của bản thân. Do đó, các bạn rất dễ nghỉ việc vì chưa biết cách cân bằng giờ giấc sinh hoạt, đi học hoặc lo liệu những vấn đề cá nhân khác.


ĐỌC THÊM: Bài Học Khắc Nghiệt Khi Làm Phục Vụ Ở Mỹ – Cái Giá Của Sự Trưởng Thành


Với những phân tích và đánh giá này, mong rằng mỗi chủ quán cafe sẽ tự đúc kết ra được cách áp dụng phù hợp để giúp nhân viên gắn bó lâu dài hơn, giảm thiểu tối đa rủi ro về chi phí vận hành và các vấn đề phát sinh khác.

Nếu muốn tìm hiểu thêm về 6 điều làm nên một quán cafe tinh tế giữ chân khách lâu dài, đừng ngại nghía qua bài viết này của TopListCafe nhé!