Kinh nghiệm thuê nhà ở Sài Gòn an toàn & hợp lý (từ một đứa gốc Hà Nội)

Bồi hồi, nhiễu loạn xen lẫn chút YOLO – đó là những mảnh ghép cảm xúc rõ rệt nhất mình trải qua khi quyết định rời xa thủ đô, chuyển vào sống và làm việc tại Sài Gòn. Không liên quan đến cà phê lắm, nhưng chuyên mục này được mình lập ra vốn để xả hơi với đủ loại câu chuyện trên trời dưới biển mà nhỉ 😄

Rồi xong màn giới thiệu mùi mẫn, giờ nhanh gọn vào thẳng vấn đề luôn: Mình sẽ chia sẻ toàn bộ góc nhìn và mẹo tìm thuê nhà ở Sài Gòn nhanh chóng, an toàn, tránh rủi ro mà lại tối ưu được chi phí/ngân sách một cách hiệu quả nhất.

Đặc biệt, nếu bạn có chung xuất phát như mình – kinh nghiệm thuê nhà là một số 0 tròn trĩnh, đến từ Hà Nội hoặc các tỉnh ngoài TP.HCM – thì đừng bỏ lỡ đến cuối bài viết nha!

kinh nghiệm thuê nhà ở Sài Gòn

LƯU Ý – Thông tin mình đưa ra có thể sẽ không phù hợp nếu bạn sở hữu một hoặc nhiều đặc điểm sau đây:

  • Tiền nong không phải vấn đề, sẵn sàng chi tiêu từ 15-20 triệu đồng/tháng cho chi phí nhà ở
  • Có kinh nghiệm tìm và thuê nhà lâu năm (thường là các bạn sinh viên sớm xa nhà để lên thành phố đi học hoặc làm việc, đã tạo được network “cứng” để tìm nơi ở thuận tiện nhất)
  • Xác định sẽ ở cùng nhà anh chị, họ hàng, người quen (khỏi lo nghĩ nhiều luôn ha)

Khác biệt lớn nhất khi thuê nhà tại Sài Gòn

Không biết ấn tượng này với các bạn tỉnh thành khác sẽ thế nào, nhưng mình – tuy sống ở Hà Nội suốt hơn 2 chục năm cuộc đời, cũng đã quen mùi giá cả ở một thành phố lớn – cũng khá sốc khi tìm hiểu về phí thuê nhà ở Sài Gòn.

Khi còn đang chân ướt chân ráo lân la các group Facebook và Zalo khảo sát giá thuê, mình may mắn gặp được một bạn sales có tâm. Chắc đã lĩnh hội đủ EXP lên tầm thách đấu, nhanh nhạy “ngửi” được âu lo của khách hàng nên bạn thẳng thắn tiết lộ đặc thù của thị trường: “Nhìn chung, giá thuê nhà Sài Gòn thường sẽ cao khoảng gấp rưỡi so với Hà Nội!”

Cũng không sai khi nói vậy. Với 9-10 triệu/tháng tại Hà Nội, bạn hoàn toàn có thể tìm được một căn chung cư gần trung tâm, diện tích khoảng 50m2, đầy đủ nội thất, thiết bị và hình thức hiện đại, đẹp mắt – may mắn thì thêm cả bể bơi, gym trong tòa nhà.

căn hộ chung cư cho thuê
Từ 9-10 triệu/tháng là đủ cho một căn hộ tiện nghi với thiết kế đẹp mắt gần trung tâm Hà Nội. (Ảnh minh họa: Trip Advisor)

Thế nhưng, cùng tầm giá đó vào Sài Gòn chỉ tìm được các căn hộ dịch vụ (không thuộc những tòa chung cư cao tầng) với thiết kế tổng quan và hạng mục nội thất không được trau chuốt bằng. Nếu muốn đáp ứng nhu cầu tìm căn hộ như ví dụ tại Hà Nội, chi phí tương đương ở Sài Gòn sẽ lên tầm 12-15 triệu/tháng, thậm chí nhỉnh hơn tùy độ hot khu vực.

4 bước tìm & chọn thuê nhà Sài Gòn hợp lý, an toàn, chuẩn nhu cầu

Bước 1: Xác định khu vực/địa điểm muốn thuê nhà

Đừng quá vội vàng lao vào tìm nhà luôn mà chưa hoàn thành bước cơ bản quan trọng nhất: Chọn khu vực thuê nhà. Địa điểm lý tưởng để bạn sinh sống sẽ cần đảm bảo đầy đủ, hoặc hầu hết các tiêu chí sau:

a. Di chuyển thuận tiện cho nhu cầu chính yếu hàng ngày

Dù bạn còn đi học hay đã đi làm, những nhu cầu này chắc chắn sẽ tiêu tốn phần lớn quỹ thời gian và công sức di chuyển hàng ngày. Vì vậy, hãy ưu tiên khu vực ở gần trường học hoặc nơi làm việc để đời sống của bạn dễ thở hơn nhiều lần.

Đôi khi, bạn có thể rơi vào trường hợp xấu dẫn đến việc không thể thuê nhà ở gần (chi phí cao do sát trung tâm, hết nhà trống, chất lượng nhà không hợp nhu cầu…). Khi đó, hãy cân nhắc 2 phương án như sau:

  • Nếu còn nhiều thời gian trước khi bắt buộc dọn tới ở: Kiên trì tìm thêm các thông tin nhà mới
  • Nếu thời gian quá gấp gáp: Hãy chủ động thuê nhà xa hơn chút để có nhiều lựa chọn hơn, tránh lỡ lịch trình gây phát sinh nhiều chi phí không cần thiết

Những đặc điểm nên có để tiện cho nhu cầu di chuyển hàng ngày:

  • Nhà ở trong bán kính tối đa 5km tính từ nơi làm việc/trường học
  • Nhà nằm gần các trục đường lớn, thẳng, dễ đi, càng ít lần rẽ càng tốt
  • Tránh thuê nhà ở bên kia sông (lưu lượng người di chuyển qua cầu thường đông ở hầu hết mọi khung giờ, dù bạn chỉ đi 1km mà qua cầu thì vẫn dễ gặp cảnh kẹt xe/tắc đường, gây tốn thời gian di chuyển, cảm xúc tiêu cực khó chịu…)
đường phố Sài Gòn
Mạng lưới đường phố dạng bàn cờ ở Sài Gòn sẽ là “cực hình” với những ai có cảm quan định hướng chưa tốt – nên chọn ở các trục đường thẳng, dài, ít lần rẽ. (Ảnh: Saigon Times)

b. Dịch vụ lân cận đa dạng, dân cư ôn hòa

Nếu có thể, hãy tìm hiểu trước về tính chất dịch vụ công cộng và dân cư gần nhà (nhờ bạn bè, người quen, hoặc tra cứu trên Internet) – giúp lường trước những rủi ro hoặc bất tiện không đáng có trong cuộc sống hàng ngày.

Về dịch vụ, các quận trung tâm nội thành luôn hội tụ đủ yếu tố lý tưởng nhất. Tuy nhiên, giá thuê nhà ở những khu vực hot như vậy thường bị đẩy lên khá cao. 

Để cân đối tiền nong, bạn có thể xem xét chọn nơi có tính chất bù trừ tùy nhu cầu:

  • Nếu muốn thuận lợi cho thói quen mua sắm, ăn uống và giải trí, hãy chọn ở gần một khu trung tâm thương mại hoặc tổ hợp dịch vụ là đủ.
  • Nếu lo nghĩ xa hơn cho mục đích chi tiêu và nhu cầu thiết yếu thường nhật, hãy chọn khu vực gần nhiều cửa hàng nhỏ lẻ, đáp ứng đầy đủ dịch vụ nhu yếu phẩm, y tế, sửa chữa…
  • Mặt khác, nếu khả năng tài chính cứng cáp để thuê nhà ở vị trí đủ “gánh” được hết những nhu cầu trên thì… càng tốt.

Về tính chất dân cư, đây là khía cạnh quan trọng nhưng thường bị xem nhẹ, đa phần do thiếu khả năng khảo sát kỹ càng (không có thời gian, không hỏi được ai quen biết,…).

Không chỉ là an ninh và văn hóa khu vực, tính chất dân cư còn liên quan tới cả yếu tố ngành nghề, độ tuổi, thậm chí định kiến, tôn giáo. Chỉ những người tiếp xúc đủ gần và lâu, hoặc chí ít là dân địa phương mới có thể nắm rõ.

Giữa một khu vực yên tĩnh, hàng xóm hiền hòa, thân thiện và một con phố nức tiếng với nhiều xung đột tranh chấp, vấn nạn “đèn đỏ”, cầm đồ, thu nợ, và những red flag khác không tiện kể ra – chắc hẳn ai cũng tự biết câu trả lời sẽ nghiêng về bên nào rồi nhỉ.

Bước 2: Chọn kênh thông tin tìm nhà ở phù hợp

Với sự phát triển của Internet cùng các nền tảng mạng xã hội, công cuộc tìm kiếm nhà ở đã trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều lần. Sau đây là 6 kênh thông tin giới thiệu nhà thuê phổ biến nhất, cùng những ưu nhược điểm tương ứng.

Website dịch vụ nhà thuê

Đây là website do các thương hiệu kinh doanh căn hộ dịch vụ lập nên để tiện quảng bá và phục vụ khách hàng. Danh sách nhà trên website có thể do chính thương hiệu thi công sản xuất hoặc liên kết nhượng quyền.

Ưu điểm:

  • Nhà có độ hoàn thiện tốt về thiết kế và nội thất chung, sạch sẽ (vì để nhà được liệt kê lên website phải trải qua khâu kiểm duyệt kỹ càng, tránh gây ảnh hưởng tới hình ảnh thương hiệu)
  • Có đội ngũ tư vấn hỗ trợ nhiệt tình, đảm bảo giấy tờ và quy trình chuẩn chỉnh

Nhược điểm:

  • Ít lựa chọn nhà ở hơn so với các kênh khác (tùy quy mô và độ phủ của thương hiệu)
  • Giá nhỉnh hơn một chút (do thêm chi phí vận hành, kiểm tra, tư vấn cũng như uy tín)

Website môi giới trung gian

Website môi giới nhà ở có mô hình hoạt động như một mạng lưới rao bán tự do, hỗ trợ người cho thuê nhà và khách tìm nhà kết nối lẫn nhau hoặc tra cứu thông tin. 

website cho thuê nhà ở Sài Gòn

Tại đây, những chủ nhà có nhu cầu tìm khách thuê hoặc nhân viên môi giới bất động sản có thể tự do đăng bài giới thiệu nhà ở, kèm theo hình ảnh và thông tin cần thiết.

Ưu điểm:

  • Cực kỳ nhiều lựa chọn nhà ở với nhiều phân khúc và mức giá đa dạng
  • Thuận tiện tra cứu theo các danh mục cụ thể
  • Thông tin rõ ràng, công khai (tránh hiện tượng “inbox để hỏi giá”)

Nhược điểm:

  • Thường không có đội ngũ kiểm duyệt, tư vấn, hỗ trợ trung gian – khách tìm nhà phải tự túc “đi chợ”
  • Có rủi ro lừa đảo (nhẹ thì ảnh chụp và nhà thật khác nhau gây mất thời gian chọn lựa; nặng thì cả tin lỡ cọc tiền rồi mất do bị block, hoặc điều khoản hợp đồng mập mờ, chất lượng nhà quá tệ so với kỳ vọng, không dám ở và chịu mất cọc)

Facebook Group

Danh tiếng Facebook tuy có dấu hiệu sụt giảm nhưng vẫn là nền tảng có số lượng người dùng khổng lồ tại Việt Nam, với chức năng hội nhóm Group hoạt động cực kỳ sôi nổi. 

Chỉ cần tìm theo một vài từ khóa như “thuê nhà TPHCM” hoặc “thuê nhà” kết hợp tên quận cần ở, bạn sẽ nhanh chóng tìm ra các Group hàng trăm nghìn thành viên với tần suất tương tác khủng, liên tục có thông tin giới thiệu nhà hàng ngày.

Ưu điểm:

  • Siêu nhiều lựa chọn với tần suất update dày đặc từng giờ từng ngày (không chỉ post mà cả mục comment cũng là mỏ vàng để tìm thêm thông tin nhà mới)
  • Các thành viên có thể comment hỗ trợ cảnh báo lừa đảo, hoặc chỉ ra dấu hiệu dịch vụ mờ ám, tiêu cực

Nhược điểm:

  • Khó phân loại và tra cứu thông tin nhanh theo phân khúc hoặc vị trí nhà (Facebook Group vẫn còn nhiều nhược điểm trong thiết kế và tính năng phân loại danh mục bài đăng)
  • Nhiều bạn sales khác nhau nhưng hay đăng trùng thông tin nhà
  • “Inbox để biết giá” (siêu khó chịu!!!😡)
  • Khả năng kiểm duyệt chất lượng và độ xác thực thông tin vẫn hơi hạn chế (tùy độ nhiệt tình của admin và đạo đức của người đăng bài)

TikTok

Tuy độ phủ sóng không bằng danh sách Group trên Facebook, nhưng TikTok cũng là sân chơi có mặt kha khá các thương hiệu dịch vụ cho thuê nhà hoặc đội ngũ môi giới nhà ở.

Ưu điểm:

  • Độ xác thực thông tin cao (nội dung đăng tải thường là video thực tế quay toàn cảnh căn hộ, dễ hình dung và gây dựng lòng tin tốt)
  • Tần suất update nhanh chóng
  • Tham khảo nhận xét và đánh giá liên quan từ comment (thêm thông tin hữu ích và khách quan hơn, đôi khi còn kịp thời né nếu chủ nhà thuê từng dính “phốt” trước đó)

Nhược điểm:

  • Khó chủ động tra cứu và tìm kiếm kênh (trừ khi bạn biết sẵn tên thương hiệu để search hoặc may mắn thấy trên For You Page)
  • “Liên hệ/inbox để biết giá” (tương tự trên Facebook)

Zalo Group

Zalo chưa hẳn là một mạng xã hội chính chuyên với đủ chức năng tương tác như Facebook, mà thiên về mục đích liên lạc là chính. Phương thức tiếp cận Zalo Group để tìm thông tin thuê nhà hầu hết do điều hướng từ các nền tảng khác như Facebook/TikTok, chứ không xây dựng một cách tự nhiên.

Không chỉ trong lĩnh vực BĐS, giới sales và môi giới ở nhiều ngành nghề khác cũng ưa chuộng Zalo vì sự tiện lợi trong cách tạo lập và kết nối tài khoản (chỉ cần đăng nhập bằng SĐT), thêm yếu tố “nhà làm” quen thuộc nhiều người ở nhiều độ tuổi do gắn mác ứng dụng Việt Nam.

Ưu điểm:

  • Thông tin đa dạng, nhanh chóng, do chính admin group cập nhật và đăng bài
  • Phân loại group lẻ theo từng khu vực và mức giá cụ thể – tiện tra cứu hơn quy mô group chung quá lớn trên Facebook
  • Có đội ngũ tư vấn và hỗ trợ dễ dàng

Nhược điểm:

  • Thông tin một chiều, không tiếp thu được comment từ các thành viên nhóm (do chỉ có admin được quyền đăng bài trong group)

Liên hệ họ hàng/người quen

Ưu điểm:

  • Nhà thuê có giá ưu đãi phải chăng (tùy mức độ thân thiết)
  • Chất lượng nhà đảm bảo (tùy mức độ tin tưởng và kinh nghiệm kiểm tra trước khi ký hợp đồng)

Nhược điểm:

  • Rất ít lựa chọn nhà (trừ khi người quen làm nghề sales BĐS)
  • Do mối người quen nên khi xảy ra mâu thuẫn (nếu ở chung chủ) hoặc gặp vấn đề nhà cửa trong khi ở sẽ sinh tâm lý ngại ngùng, khó xử

Bước 3: Xác định loại hình nhà thuê mong muốn 

Không chỉ tại TP.HCM, các loại hình căn hộ và nhà cho thuê dưới đây cũng có mặt quen thuộc ở gần như mọi thành phố khác. 

Trong phần này, mình sẽ nêu ra những đặc điểm tương ứng của từng loại dựa trên khía cạnh thuê lâu dài – không mang tính chất tạm thời ngắn hạn như khách sạn, homestay, Airbnb…

Phòng studio

Studio này không mang ý nghĩa “trường quay” xịn xò đâu nha nên các bạn đừng hiểu nhầm 😂

Nhà thuê dạng phòng studio thường có diện tích nhỏ, kết hợp mục đích của cả phòng khách, phòng ngủ, phòng làm việc và bếp trong một không gian mở – không có tường chia các gian riêng biệt, hoặc chỉ ngăn cách một phần bằng các phụ kiện như tủ, rèm, tấm phên.

Đây cũng là hình thức phòng xếp đầu bảng về độ phổ biến trên các kênh thông tin giới thiệu nhà cho thuê.

phòng studio cho thuê ở Sài Gòn
Thiết kế phòng studio cơ bản thường thấy. (Ảnh: Domus Home)

Ưu điểm:

  • Giá dễ chịu hàng đầu so với những loại hình khác
  • Nhiều lựa chọn, dễ tìm kiếm ở đa số mọi khu vực
  • Phù hợp với người độc thân, thói quen sống đơn giản, ít đồ đạc, dễ thu xếp và dọn dẹp

Nhược điểm:

  • Diện tích nhỏ (thường <30m2), đôi khi bất tiện khi mua thêm đồ hoặc thay đổi vị trí nội thất 
  • Dễ bí hoặc ám mùi do thiếu cửa sổ hoặc thiết kế thông gió chưa lý tưởng

Phòng duplex

Duplex là loại hình nhà ở có thiết kế thông tầng, tận dụng tối ưu diện tích ở nhờ thêm một tầng lửng phía trên, tổng diện tích sử dụng có thể vượt trội đáng kể so với phòng studio thông thường.

Tuy nhiên, khái niệm duplex được nhắc đến trong các thông tin cho thuê nhà đôi khi chưa thật sự chuẩn, bởi tầng trên của nhiều căn “duplex” thực ra chỉ là một mặt sàn gác xép nhỏ. Như vậy chắc bạn cũng hiểu đây là cách marketing nói quá của những chủ đầu tư cho thuê căn hộ dịch vụ.

căn hộ duplex cho thuê ở Sài Gòn
Thiết kế căn hộ “duplex” (theo kiểu nói quá) thường được giới thiệu.

Mặt khác, nếu bạn tìm kiếm một căn hộ duplex tầng kép chuẩn đúng nghĩa như trong những tòa chung cư rộng rãi, mức giá đi kèm chắc chắn sẽ khác biệt và không dễ thở lắm đâu…

Ưu điểm:

  • Giá cả phải chăng
  • Tận dụng thêm nhiều diện tích sử dụng nhờ thêm một mặt sàn gác
  • Kha khá lựa chọn đa dạng ở nhiều khu vực (dù vẫn lép vế so với phòng studio)

Nhược điểm:

  • Dễ bí nếu thiếu cửa sổ hoặc không có thiết kế thoáng khí
  • Không gian trên gác thường không đủ cao để đứng thẳng hoặc cử động linh hoạt, chỉ hợp dùng làm gian ngủ nghỉ
  • Gác dễ ám mùi (do nấu ăn bốc lên), dễ lạnh (do quá sát điều hòa)

Nhà ở ghép (nguyên căn hoặc chung cư cao cấp)

Thay vì chọn ở riêng độc lập, khá nhiều bạn lại thích phương án ở ghép với người khác trong một nhà nguyên căn hoặc chung cư chất lượng cao.

Các căn hộ này thường có đầy đủ gian phòng tiện nghi cần thiết, và ít nhất 2 phòng ngủ trở lên. Khi đó, những thành viên trong nhà sẽ toàn quyền sử dụng một phòng ngủ cho riêng mình. Còn lại, các tiện ích và chức năng khác như phòng khách, bếp… sẽ được dùng chung.

Ưu điểm:

  • Chất lượng tiện nghi và nội thất ở mức cao
  • Diện tích rộng, đầy đủ các phòng chức năng nhà ở

Nhược điểm:

  • Dễ mâu thuẫn giữa các thành viên cùng nhà (thói quen dùng đồ chung, giờ giấc, vệ sinh…)
  • Có thể rắc rối trong quy trình xác nhận và cọc thuê phòng (thường xảy ra khi một khách thuê nguyên căn trước rồi tự ý cho người khác thuê phòng lẻ sau)
  • Kém thoải mái hơn so với hình thức ở riêng độc lập

Lưu ý:

  • Các loại căn hộ dạng dorm (đặc trưng là phòng ngủ giường tầng) cũng thuộc phạm trù ở ghép, nhưng sẽ khiến bạn “hy sinh” thêm nhiều không gian cá nhân hơn.
  • Đối với tất cả loại hình nhà ở kể trên, bạn có thể chọn chỉ thuê mặt bằng nhà trống (chỉ có tiện ích cơ bản như điện nước), sau tự trang bị nội thất của riêng mình. Cách làm này sẽ khiến giá thuê nhà giảm đáng kể và tối ưu chi phí – nhưng chỉ phù hợp nếu bạn đã có sẵn đồ đạc và xác định ở lâu dài, không có ý định thay đổi chỗ ở ngắn hạn.

Bước 4: Kiểm tra nhà, thỏa thuận & ký hợp đồng

a. Kiểm tra nhà ở

Kinh nghiệm “xương máu” rút ra từ rất nhiều người: Đừng bao giờ xuôi lòng chỉ vì ảnh chụp trông thật, giá cả phải chăng mà đã vội vàng cọc tiền và ký hợp đồng!

Trên hết, việc tới trực tiếp để xem thử không gian nhà ở là công đoạn siêu cần thiết trước khi quyết định tin tưởng và xuống tiền. Nếu thời gian quá gấp gáp không kịp tới trực tiếp mà muốn chốt nhà luôn, hãy sắp xếp một cuộc video call để kiểm tra nhà online, tránh rủi ro ảnh ảo do app chỉnh.

Một số hạng mục nên ưu tiên kiểm tra khi tới xem nhà:

  • Tổng diện tích (biết áng chừng là ổn vì ít người có chuyên môn đo đạc chính xác)
  • An ninh cửa nẻo (khóa cửa, chấn song, độ chắc chắn…)
  • Hệ thống điện gia dụng (đèn, quạt, máy lạnh, bình nước nóng, ổ cắm điện…)
  • Số lượng và chất lượng nội thất trong nhà (so với thông tin giới thiệu)
  • Toilet (hệ thống dẫn nước/thoát nước, chất lượng nước, mức độ vệ sinh khi bàn giao…)
  • Bất cứ thứ gì sót lại từ khách thuê cũ gây ảnh hưởng tới chất lượng sống (nếu là nhà mới xây thì kiểm tra độ hoàn thiện tổng thể)

b. Thỏa thuận & xác nhận điều khoản hợp đồng

Công đoạn kiểm tra nhà đôi khi sẽ giúp bạn nhận ra những mập mờ trong chi tiết dịch vụ, hoặc phát hiện hỏng hóc kịp thời để yêu cầu sửa chữa và thỏa thuận lại với chủ nhà.

Nếu tình trạng nhà ổn định, đúng như mong muốn và hứa hẹn từ trước, bạn có thể xem xét để ký hợp đồng tại chỗ. Thông thường, nếu tự tin ký hợp đồng ít nhất 1 năm, bạn có thể được giảm giá thuê tới 500.000đ/tháng.

Mặt khác, khi tình trạng nhà có phần không được như ý về chất lượng thi công và độ bền nội thất, hãy tùy hiện trạng mà từ chối thuê hoặc thỏa thuận lại giá phù hợp (nếu khác biệt ở mức chấp nhận được).

Các bước cần lưu ý khi đọc và ký hợp đồng:

  • Xác nhận kỹ danh tính đại diện bên A – tức bên chủ cho thuê: Đảm bảo đây là cá nhân hoặc tổ chức/công ty xác thực. Nếu người làm hợp đồng tại đó chỉ là trung gian, không phải đích thân đại diện bên A ghi trên giấy tờ, bạn có thể đề nghị xem bằng chứng liên quan về bên A.
  • Kiểm tra điều khoản thu phí cọc và thuê nhà: Các chế độ nhận và giữ cọc, thời hạn hợp đồng thuê nhà, phí dịch vụ, điện nước hàng tháng…
  • Kiểm tra danh sách hạng mục đồ đạc và nội thất: Đối chiếu xem nhà có trang bị đủ nội thất như cam kết trong hợp đồng (với tình trạng sử dụng tốt và ổn định). Làm rõ phương án giải quyết khi có sự cố về đồ dùng (đại diện chủ nhà thường có trách nhiệm hỗ trợ 100% khi đồ dùng hỏng hóc do hao mòn tuổi thọ tự nhiên).
  • Kiểm tra điều khoản chấm dứt hợp đồng trước thời hạn: Đảm bảo mỗi bên đều có trách nhiệm đền bù tương xứng khi chấm dứt hợp đồng sớm hơn thời gian quy định.
    • Chủ nhà thường phải hoàn đủ tiền cọc và phí thuê tính trừ tới hết thời điểm khách rời nhà.
    • Khách thường sẽ cần thông báo trước khoảng 1 tháng, chấp nhận mất cọc ban đầu, thanh toán nốt các khoản tính tới thời điểm chấm dứt hợp đồng.

Trên đây là toàn bộ những kinh nghiệm thuê nhà ở Sài Gòn của mình. Tuy danh sách này được đúc kết trong thời gian khá ngắn (chỉ gần 1 tháng) nhưng với mức độ kỹ tính của bản thân, mình tự tin rằng nó sẽ giúp nhiều bạn tiết kiệm thêm thời gian và trở nên cứng cáp hơn khi bước vào cuộc sống tự lập, đặc biệt là tại một thành phố lớn top đầu nước ta.

Chúc các bạn sẽ tìm được chốn thân thương như ý và đúng kỳ vọng. Nếu có thêm bất kỳ thắc mắc nào, hãy để lại comment bên dưới bài viết nha.