Flash Sale! to get a free eCookbook with our top 25 recipes.

Nhân viên nhảy việc sớm: Vấn đề nhức nhối của nhiều chủ quán cafe hiện nay

Những năm gần đây, tỷ lệ nhân sự nhảy việc hay thậm chí “nhảy” luôn cả ngành trong lĩnh vực hospitality (chủ yếu gồm dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn) đã tăng lên đáng kể.

Lý do chính – chắc mọi người cũng đoán được – đến từ ảnh hưởng của đại dịch Covid khiến mọi thứ ngày một tiêu cực hơn. Không chỉ các tập đoàn lớn, ngay cả một quán cafe nhỏ với quy mô dưới 10 nhân viên cũng không khỏi lo lắng với tình trạng này.

Làm cách nào để các chủ quán cafe đối phó hiệu quả với tình trạng trên, giảm thiểu rủi ro vận hành cũng như chi phí duy trì nhân sự ổn định và hiệu quả?

(Ảnh: Seongmi Hong)

Tỷ lệ nhảy việc cao: Bài toán đau đầu của ngành dịch vụ

Covid-19 đúng ra là gánh nặng trên bờ vai gầy, bởi vốn dĩ ngành dịch vụ khách hàng vẫn luôn hứng chịu tỷ lệ nhảy việc và đổi ngành cao hơn so với lĩnh vực khác.

Báo cáo điều tra về ngành dịch vụ nhà hàng của NRA (National Restaurant Association – Mỹ) vào năm 2021 đã cho thấy: 75% chủ doanh nghiệp được hỏi đều thừa nhận khó khăn lớn nhất của họ là tuyển dụng và duy trì nhân sự. Thậm chí, bất chấp sự phục hồi tích cực sau dịch, tỷ lệ nhân sự trong ngành F&B của Mỹ vẫn giảm 8% so với thời điểm giữa dịch.

Một thống kê khác cũng từ NRA đã chỉ ra kết quả đáng báo động: Tỷ lệ nhảy việc/thôi việc ở ngành dịch vụ nhà hàng đã tăng từ 78% lên 107% trong 10 năm vừa qua.

Theo José De León Guzmán – hiện điều hành chuỗi thương hiệu cafe Kofra với 4 chi nhánh tại Anh, có nhiều lý do phức tạp khiến nhân sự dễ dàng từ bỏ công việc hiện tại trong ngành này.

“Mức lương trung bình, cơ cấu tổ chức doanh nghiệp và động lực làm việc là 3 yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến tinh thần và mức độ gắn bó của nhân viên. Một người được trả lương xứng đáng và lĩnh hội chuyên môn bài bản chắc chắn sẽ làm việc lâu dài hơn.”

“Lúc này, kể cả khi họ vẫn muốn nhảy việc, đó thường xuất phát từ nhu cầu chính đáng tự nhiên, mong muốn có thêm cơ hội và thử thách trên con đường phát triển sự nghiệp. Tất cả là một chu kỳ khép kín, người đến người đi,” Guzmán chia sẻ.

Mặt khác, nếu mọi thứ không diễn ra như kỳ vọng, lý do nhân viên rời doanh nghiệp thường sẽ đến từ mức lương bèo bọt, cơ hội thăng tiến ít ỏi, hoặc tình trạng cơ sở vật chất không đảm bảo.

kofra coffee shop
(Ảnh: Kofra Coffee Roasters)

Tibor Hámori – barista trưởng tại Gerbeaud Café (thương hiệu cafe nổi tiếng lâu đời tại Budapest, Hungary) cũng đồng cảm khi nói về nỗi khó khăn tuyển dụng và giữ chân nhân viên ngành cafe/nhà hàng ở thời điểm hiện tại.

“Tình cảnh hiện nay so với 10 năm trước quả thực đã gian nan hơn nhiều cho chủ doanh nghiệp. Thế hệ trẻ có những góc nhìn và nhu cầu khác biệt hơn khi làm việc trong ngành dịch vụ khách hàng nói chung và nghề barista nói riêng.”

“Thu nhập vẫn là yếu tố quan trọng, nhưng điều được để tâm hơn nữa là động lực, trải nghiệm và cơ hội phát triển. Họ dễ dàng rời khỏi vị trí hiện tại nếu kỳ vọng về công việc chưa được đáp ứng.”


ĐỌC THÊM:


Covid-19: Giọt nước làm tràn ly

Không cần đến những thống kê số liệu cầu kỳ, tác động nặng nề của dịch Covid lên kinh tế có thể được thấy ở khắp mọi ngóc ngách cuộc sống.

Năm 2020 chứng kiến cơn ác mộng đỉnh điểm của ngành dịch vụ toàn cầu, khiến rất nhiều thương hiệu dù lớn hay nhỏ cũng phải đóng cửa hàng loạt chi nhánh do không đủ tiềm lực duy trì. Tới nay, đã gần 2 năm kể từ khi cao trào dịch bệnh được chế ngự, dư âm hậu quả của nó vẫn kéo dài âm ỉ.

Các chuỗi nhà hàng hay cafe có thể vớt vát đôi chút bằng phương án takeaway và giao hàng. Tuy nhiên, điều này kéo theo hậu quả xấu hơn khi lực lượng nhân sự toàn ngành bị cắt giảm (do đóng cửa chi nhánh, chuyển sang kinh doanh online hoặc qua app trung gian, không còn nhu cầu vận hành và quản lý trực tiếp).

Một lượng lớn nhân viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực F&B đã quyết định tạm thời nhảy sang một ngành mới hoàn toàn để đáp ứng thu nhập và chi tiêu trong thời kỳ Covid. Dù vậy, khi đã hết dịch, không phải ai trong số họ cũng đủ lạc quan để trở về chuyên môn cũ. Từ đó, rất nhiều nhân công ngành dịch vụ nhà hàng và cafe đã rời bỏ ngành một cách dứt điểm.

Đại dịch Covid-19 đã tạo nên một cú sốc u ám cho ngành dịch vụ toàn cầu. (Ảnh: European Coffee Trip)

Trước thực trạng đáng buồn này, Tibor lại bày tỏ một góc nhìn tươi tắn và xán lạn hơn:

“Đại dịch vừa qua cũng giúp chúng ta nhận ra vai trò quan trọng của đội ngũ nhân sự khi kinh doanh dịch vụ. Nhiều nhân viên của Gerbeaud Café đã làm việc hàng chục năm mà không nhảy việc. Vì vậy, học cách trân trọng và tạo dựng lòng tin đôi bên sẽ giúp cả nhân viên và doanh nghiệp dễ thông cảm lẫn nhau hơn trong những thời khắc khó khăn.” 

Nhân viên gắn bó ngắn hạn: Hậu quả khó lường cho chủ quán cafe

Tỷ lệ tuyển thành công nhân sự để lấp vị trí trống đang là câu hỏi thực sự hóc búa của ngành dịch vụ F&B. Không chỉ khó khăn trong việc tìm kiếm nhân lực mới, việc tính toán chi phí và thời gian đào tạo (nếu chưa đủ trình độ) và đảm bảo mức độ gắn bó ổn định của nhân viên cũng khó nhằn không kém.

Chỉ cần một mắt xích trong khâu vận hành bị xem nhẹ, cửa hàng của bạn sẽ dễ rơi vào cảnh người ra người vào liên tục trong một thời gian ngắn, như một vòng lặp ngớ ngẩn và tốn kém.

Tệ hơn, nếu người nghỉ việc là nhân viên có tay nghề và thâm niên, rất có thể chất lượng sản phẩm và dịch vụ cũng đi xuống theo, do người ở lại chưa đủ kỹ năng và chuyên môn để quản lý đầu ra sản phẩm. Viễn cảnh này sẽ gây ra hiệu ứng domino, ảnh hưởng tới cả danh tiếng và hình ảnh và chất lượng của thương hiệu.

Dưới cương vị barista trưởng của quán cafe có tên tuổi kéo dài hơn 1 thế kỷ, Tibor mang trọng trách kiểm soát chất lượng đầu ra cho mỗi cốc cafe. Mùa dịch Covid đã đánh dấu lần đầu tiên Gerbeaud Café phải tạm đóng cửa trong suốt 162 năm hoạt động. Khi được phép mở trở lại, họ đã chủ động cắt giảm menu và cả số lượng nhân sự full-time để tránh bất trắc, đảm bảo đồ uống vẫn giữ phong độ kết quả như kỳ vọng.

Khung cảnh bên ngoài Gerbaud Café trứ danh tại Hungary.

Hiện tại, Gerbaud Café đã quay về đúng với công suất phục vụ và menu nguyên gốc, tuyển thêm một vài nhân viên mới. Dĩ nhiên, điều này đồng nghĩa với việc Tibor phải chủ động đào tạo chuyên môn, giúp họ trở thành những barista cứng tay, đáp ứng tiêu chuẩn đúng với danh tiếng cửa hàng.

Phương án phòng ngừa nhân sự nhảy việc ở quán cafe

Cũng giống như mọi ngành nghề và hình thức doanh nghiệp khác, một quán cafe cần có quy trình đối phó hiệu quả khi có nhân sự rời vị trí hiện tại.

“Điều quan trọng cần có ở một doanh nghiệp là cơ cấu hoạt động hoàn chỉnh, có phương án dự trù trước để kịp thời đáp ứng nhu cầu tuyển dụng mới. Khi đó, quy trình vận hành sẽ không bị đứt đoạn và làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ,” trích lời José.

José cũng nhấn mạnh việc tạo dựng cơ hội thăng tiến và làm mới trải nghiệm công việc cho nhân viên, nhằm cải thiện tinh thần và giúp họ gắn bó dài lâu hơn với thương hiệu. Đồng thời, anh cho biết mỗi thương hiệu cần xác định được giá trị và nguyên tắc chung để duy trì hình ảnh trong mắt chính nhân viên của mình.

“Điều tiên quyết để giữ chân nhân viên hiệu quả là khiến họ cảm thấy tự hào về nơi làm việc. Điều này sẽ thành công nếu cấp quản lý đưa doanh nghiệp đi đúng hướng, đúng giá trị so với mục tiêu đặt ra. Chẳng hạn, nếu bạn đặt chất lượng cafe lên hàng đầu, hãy cho nhân viên hiểu thông qua quy trình kiểm duyệt tay nghề pha chế và đồ uống nghiêm khắc, không bỏ sót một lỗi nhỏ nào.”


TopListCafe đã tổng hợp chi tiết 5 mẹo để nhân viên quán cafe gắn bó lâu dài và ổn định và nhiều thông tin cần thiết xoay quanh vấn đề này. Mong rằng các chủ quán có thể tham khảo để tiếp tục đưa thương hiệu phát triển lớn mạnh, làm ra nhiều cốc cafe thơm ngon và chất lượng hơn nữa.