Starbucks hầu tòa: Bán nước hoa quả nhưng không dùng nguyên liệu hoa quả?

Cách đây vài ngày, Starbucks đã được tòa án New York gửi đơn triệu tập để làm rõ cáo buộc về chất lượng dòng sản phẩm Refresher của hãng.

Refresher là tên hạng mục đồ uống giải khát chuyên về hoa quả từ Starbucks. Tuy nhiên, bằng chứng đã chỉ ra rằng không hề có nguyên liệu hoa quả thực được thêm vào khâu chế biến.

đồ uống hoa quả Starbucks Refresher
Một số hình ảnh đồ uống Starbucks Refresher.

Starbucks cũng đệ đơn phản bác lại 9 trong số 11 cáo buộc nằm trong hồ sơ của tòa, nhưng đã bị từ chối duyệt. Đồng thời, đại diện thẩm phán John Cronan cũng làm rõ nhận định “khách hàng mua đồ uống giải khát hoa quả vì họ tin chúng có chứa nguyên liệu làm từ chính loại quả tương ứng”.

Theo ý kiến người tiêu dùng, những đồ thuộc dòng Refresher như Mango Dragonfruit, Mango Dragonfruit Lemonade, Pineapple Passionfruit, Pineapple Passionfruit Lemonade, Strawberry Açai và Strawberry Açai Lemonade không hề có chứa xoài hay chanh leo như tên gọi của chúng.

Bên khởi kiện gồm Joan Kominis (sống tại New York) và Jason McAllister (California) cho biết: Những nguyên liệu chính được tìm thấy gồm nước lọc, đường và tinh chất nước nho. Đây là chứng cứ để họ kết luận Starbucks đang vi phạm điều luật bảo vệ người tiêu dùng.

Về phía Starbucks, đại diện công ty nêu quan điểm rằng tên đồ uống chỉ miêu tả đặc điểm hương vị cuối cùng, chứ không khẳng định bắt buộc sẽ có nguyên liệu làm từ loại quả tương ứng. Do đó, họ phủ nhận cáo buộc, cho rằng đây không phải hành vi lừa đảo.

Ngoài ra, Starbucks cũng tự tin không có khách hàng nào dễ dàng hiểu nhầm đến vậy, hoặc nếu khách thắc mắc, nhân viên pha chế sẽ sẵn sàng giải thích tường tận.

Tuy nhiên, thẩm phán Cronan vẫn không thực sự bị thuyết phục bởi lời bào chữa này. Theo ông, chẳng có lý do gì mà tên hoa quả như “xoài” hay “chanh leo” lại chỉ được hiểu như nét hương vị, mà không phải là nguyên liệu đích thực trong đồ uống. 

Dù vậy, Cronan vẫn đồng ý bác bỏ hạng mục “lừa đảo khách hàng” trong danh sách cáo buộc nhắm đến Starbucks, bởi chưa có đủ bằng chứng liên quan cho thấy công ty chủ đích làm vậy. 

Sau khi nhận kết quả, Starbucks cũng không thể vui vẻ được, thẳng thắn cho rằng đây là một kết luận thiếu chính xác và thỏa đáng, sẽ tiếp tục kháng cáo. Ngược lại, đại diện luật sư phía nguyên đơn – Robert Abiri – cho biết ông khá hài lòng với nhận định của tòa.

Được biết, vụ kiện này thực ra đã bắt đầu từ tháng 8/2022, tới nay mới có kết luận chính thức, gây phát sinh chi phí tổn thất lên tới 5 triệu USD.