Tiền nào của nấy, đồ ăn ngon thì giá thường đắt đỏ. Thế nhưng, ở một vài trường hợp cá biệt, món làm ra chưa chắc đã hợp khẩu vị nhưng nguyên liệu chỉ mới nghe tên cũng đủ khiến người ta rát ví.
Đó chính là ví dụ điển hình của trào lưu cà phê dát vàng – một trong những sở thích lạ lùng của giới thượng lưu – do Salt Bae nghĩ ra.
Salt Bae và những món ẩm thực màu mè
Salt Bae tên thật là Nusret Gökçe, xuất thân từ Thổ Nhĩ Kỳ, làm công việc đầu bếp và quản lý nhà hàng, chuyên các món về thịt và trình diễn nấu ăn. Anh nổi tiếng vào khoảng năm 2017 nhờ video ghi lại cảnh rắc muối lên beefsteak với điệu bộ hài hước nổi lên đình đám trên Internet. Đó cũng là lý do khiến nickname Salt Bae ra đời.
Chuỗi nhà hàng Nusr-Et do Salt Bae thành lập và quản lý từ đó cũng nổi danh ầm ầm, hiện đã có hàng loạt chi nhánh ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Mỹ, Anh, Ả Rập… Tại đó, ngoài phục vụ các món ăn cao cấp, họ còn thêm nhiều dịch vụ chế biến ngay tại bàn, với thao tác trình diễn lạ mắt (tất nhiên là thêm phụ phí) hoặc phương pháp chuẩn bị món độc lạ.
Dù vậy, cách thức này được nhiều người đánh giá là màu mè, chủ yếu cho khách thích thú sống ảo là chính, không thực sự giúp món ăn trở nên ngon hay xứng với giá tiền.
Đồ ăn uống dát vàng: Tâm điểm gây tranh cãi của Salt Bae
Sự chú ý của dư luận tiếp tục đổ vào chuỗi thương hiệu Nusr-Et khi Salt Bae quyết định ra mắt “Golden Menu” – vẫn gồm các món sẵn có, nhưng được phủ thêm một lớp vàng thực phẩm (edible gold) nếu khách có nhu cầu. Tất nhiên, mức giá cũng tăng theo chóng mặt.
Hóa đơn cho riêng một phần beefsteak dát vàng có thể lên tới 1000 Bảng Anh, tương đương 30 triệu VND. Giá tiền dao động tùy địa điểm và quốc gia đặt chi nhánh, nhưng chắc chắn chưa bao giờ ở mức rẻ.
Mặc dù một quản lý nhà hàng của Salt Bae đã thẳng thừng thừa nhận “không có gì thay đổi về hương vị khi dát vàng”, nhưng nhiều khách hàng thượng lưu vẫn tò mò muốn thưởng thức.
Tương tự như beefsteak, cà phê cũng có thể được thêm một lớp vàng, miễn là bạn đủ tiền. Một cốc Cappuccino phủ vàng tại chi nhánh Knightsbridge (Anh) có giá tận 50 Bảng anh, tức 1,5 triệu VND.
Ngoại hình ly cafe không quá đặc sắc, chỉ thêm lá vàng mỏng được đặt lên miệng cốc. Theo trải nghiệm của một số thực khách, lá vàng rất dễ tan và dính lên bất kỳ thứ gì được chạm vào. Nhiều người thậm chí cảm thấy khó chịu vì chúng liên tục bám vào ngón tay, răng hoặc khóe môi, khó vệ sinh và khiến họ bối rối. Với những ai nhạy cảm, họ còn cảm thấy vụn vàng lợn cợn trong miệng.
Nhìn chung, cảm nhận của nhiều thực khách về trải nghiệm Golden Menu tại nhà hàng của Salt Bae là không thật sự đáng tiền.
Dù vậy, nhiều thương hiệu nhà hàng cao cấp khác cũng nhanh chóng học theo Salt Bae, thêm vào menu các lựa chọn dát vàng cho món ăn và đồ uống. Với cafe phủ vàng, trung bình mức giá sẽ cao gấp 10 lần so với lựa chọn thường có cùng công thức.
ĐỌC THÊM:
- Cà phê Thổ Nhĩ Kỳ – Turkish Coffee: Kỳ lạ ly cafe vô tận pha trên cát nóng
- Choáng ngợp với loạt quán cafe động vật siêu hiếm ở Nhật Bản: Cú mèo, sóc chuột, dê, thỏ…
- Frappuccino – món cafe “tỷ đô” của Starbucks – được tạo ra thế nào?
Giải đáp: Vàng có ăn được không?
Con người không thể ăn được kim loại vàng thông thường, nhưng vàng thực phẩm (edible gold) thì có thể.
Vàng thực phẩm được coi là một loại phụ gia dùng cho đồ ăn hoặc uống, phải được tạo ra trong môi trường và tiêu chuẩn đặc biệt, để đảm bảo chất lượng và an toàn cho người dùng.
Thuộc tính vàng phải đạt độ thuần nguyên chất ở mức 23-24 karat, sau đó trải qua quá trình dát mỏng hoặc nghiền thành bột. Việc tiêu thụ và ăn uống vàng thực phẩm không đem lại mặt lợi ích hay tiêu cực nào về dinh dưỡng hay sức khỏe, chỉ đơn giản là một cách trang trí thêm vẻ xa hoa.