Nếu đam mê thưởng thức cafe và tần suất uống cũng khá nhiều, chắc chắn bạn đã ít nhất một lần thấy lớp váng dầu mỏng nổi trên mặt cốc cafe.
Giật mình lo lắng cafe có vấn đề, hay mặc kệ làm ngơ và uống tiếp – dù bạn thuộc team nào, TopListCafe sẽ đem đến những giải đáp cặn kẽ nhất về lớp váng dầu bí ẩn này. Trên hết, hãy biết rằng đây là một dấu hiệu khá bình thường và không có gì rủi ro cả, vậy nên hãy làm dịu tâm trí và đọc đến cuối bài nha.
Giải thích hiện tượng váng dầu nổi trên mặt cafe
Về cơ bản, lớp váng dầu này bắt nguồn từ chính những tinh chất tự nhiên bên trong hạt cà phê, xuất hiện và nổi lên sau khi trải qua quy trình pha chế (vì dầu nhẹ hơn nước).
Cấu tạo chính xác của lớp dầu bao gồm caffeine và một số thành phần hóa học khác, như chất chống oxy hóa và chất béo không bão hòa. Vì vậy, không khó hiểu khi nhiều người lầm tưởng mặt cốc cà phê có váng mỡ đồ ăn lem vào vậy.
6 lý do khiến váng dầu xuất hiện trong cốc cafe
Dĩ nhiên, nhiều bạn sẽ thắc mắc vì sao có lúc váng dầu nổi lên, có lúc không. Thực chất, hiện tượng này xảy ra phụ thuộc vào 6 nguyên nhân chính, liên quan tới cả chất lượng nguyên liệu cho tới cách thức và quy trình pha chế.
Chất lượng nguyên liệu hạt
Các loại hạt chất lượng cao sẽ có xác suất tạo váng dầu thấp hơn, vì chúng được theo dõi tỉ mỉ trong các khâu chăm sóc và sơ chế.
Dù vậy, đừng đánh đồng hiện tượng váng dầu với kết luận hạt cà phê kém chất lượng. Vẫn còn đó rất nhiều yếu tố khác khiến váng dầu xuất hiện dễ hơn – đọc tiếp danh sách này để khám phá hết nha.
Mức độ rang sơ chế hạt
Tùy từng mức độ rang mà hạt cà phê sẽ sinh ra lượng váng dầu khác nhau. Càng được rang kỹ, hạt cà phê càng dễ tạo ra nhiều thành phần chất béo khi pha chế.
Trên thực tế, loại hạt cà phê nào cũng sản sinh ra chất béo, nhưng hạt rang nhẹ (light roast) sẽ sản sinh ít hơn, đôi khi không đủ đáng kể để tạo thành lớp váng dễ thấy trên mặt cốc.
Cách pha cà phê
Hình thức và quy trình pha cà phê có tác động khá lớn tới sự xuất hiện của váng dầu.
Thông thường, các phương pháp ủ dùng giấy lọc ít khi tạo váng. Ngược lại, những cách pha máy ép nén hoặc ủ ngâm trong thời gian lâu hơn bình thường (như French press) và không qua phụ kiện lọc sẽ dễ để lại váng dầu trên mặt cốc.
ĐỌC THÊM:
- Robusta vs. Arabica: Phân biệt 2 loại hạt cà phê đình đám nhất thế giới
- Nên đánh răng trước hay sau khi uống cà phê: Sự thật khiến ai cũng bất ngờ!
- Cách phân biệt Espresso, Latte, Cappuccino, Macchiato, Mocha, Americano
Loại giấy lọc để pha cafe
Dùng giấy lọc khi pha cafe có thể hạn chế để lại lớp dầu, nhưng chưa chắc có xác suất 100% tránh được hiện tượng này.
Loại giấy lọc hiệu quả nhất cho mục đích này cần có cấu tạo lọc bằng than hoạt tính. Các thành phần hữu cơ như chất béo sinh ra từ hạt cà phê sẽ bị “giữ” lại khi chảy qua lưới lọc, loại bỏ nỗi lo kể trên.
Nhiệt độ nước
Nước dùng khi pha cà phê có nhiệt độ càng cao, khả năng xuất hiện váng dầu càng lớn.
Khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, các tinh chất từ hạt cà phê sẽ được xúc tác dễ hơn để hòa tan và liên kết lẫn nhau. Tuy nhiên, thành phần dầu lại không có khả năng hòa tan tương tự, thay vào đó sẽ nổi lên mặt cốc ngay lập tức.
Thành phần nước
Tính chất của nước dùng để pha chế cafe cũng có ảnh hưởng không nhỏ gây nên hiện tượng váng dầu, đặc biệt khi nguồn nước của bạn chứa nhiều thành phần khoáng chất tự nhiên hơn thông thường.
Chẳng hạn, canxi (Calcium) sẽ liên kết với các acid béo chiết xuất từ hạt cà phê, tạo thành lớp váng dầu nổi lên trên cùng. Trong trường hợp này, lớp váng dầu chỉ trở nên dễ thấy hơn chứ không thực sự được sản sinh nhiều hơn.
ĐỌC THÊM:
- Uống cafe là chuyện nhỏ, còn “ăn cafe” thì sẽ thế nào?
- Vì sao cafe bất ngờ có vị dở tệ: 12 lý do và cách “chữa cháy” hiệu quả
Nhìn chung, váng dầu nổi trên mặt cafe không phải một hiện tượng xấu hay có hại. Thậm chí, có người còn thích như vậy, cho rằng nó sẽ giúp hương vị trở nên thơm ngậy hơn.
Nếu không có nhiều cảm tình với hình thức cốc cafe bị nổi váng dầu, hãy nghiền ngẫm lại những lý do gây ra tình trạng này được đề cập bên trên, từ đó khắc phục hiệu quả trong những lần pha chế sau nhé.