Mùi hương thơm ngậy của cà phê là thứ khiến nhiều người mê hoặc đối với loại đồ uống này. Thế nhưng, đôi khi bạn sẽ không cảm thấy mặn mà với mùi hương mà nó góp phần tạo nên cho cơ thể chúng ta sau khi uống đâu.
Uống quá nhiều cafe trong ngày có thể khiến… nước tiểu của bạn cũng có mùi ngai ngái tương tự. Vậy còn các cơ quan khác thì sao? Cafe sẽ ảnh hưởng thế nào đến mùi hương cơ thể sau khi uống?
Vì sao cà phê gây mùi cơ thể “nồng” hơn?
Caffeine bên trong cà phê là tác nhân chính dẫn đến hiện tượng gia tăng mùi cơ thể của người uống.
Không thể phủ nhận caffeine và tác dụng kích thích thần kinh là nguyên nhân chủ yếu khiến hàng triệu người yêu thích cà phê. Ngày nay, thưởng thức cà phê không đơn thuần là sở thích lúc rảnh rỗi, mà đã trở thành thói quen khó bỏ, thậm chí gây nghiện đối với nhiều người.
Tuy nhiên, tác dụng của caffeine không chỉ dừng lại ở não bộ, mà còn tác động lên nhiều cơ quan và bộ phận khác trên cơ thể, tiếp tục kích thích các dây thần kinh tại đó.
Một trong những cơ quan chịu ảnh hưởng trong danh sách này chính là tuyến mồ hôi của bạn, đặc biệt là ở khu vực nách.
Tuyến mồ hôi ở nách thường tiết ra mồ hôi có tính chất khác biệt hơn, cộng thêm tính chất bí bách là môi trường thuận lợi thu hút vi khuẩn tới trú ngụ, gây ra mùi cơ thể. Khi có thêm tác động của caffeine, mồ hôi của bạn càng tiết nhiều hơn, khiến số lượng vi khuẩn và cả mức độ “rau mùi” tăng lên so với thông thường.
ĐỌC THÊM:
- Vì sao uống cafe dễ khiến bạn buồn đi vệ sinh?
- Uống cafe là chuyện nhỏ, còn “ăn cafe” thì sẽ thế nào?
Cà phê khiến hơi thở có mùi khó chịu: Chuyện thật hay bịa?
Hiện tượng hôi miệng sau khi uống cà phê là hoàn toàn có cơ sở. Tuy caffeine không thực sự là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến điều này, nhưng chắc chắn có đóng vai trò xúc tác trung gian.
Một trong những tác dụng phụ của caffeine lên cơ thể là đẩy nhanh chức năng bài tiết của thận và tốc độ thải lọc nước. Khi gặp hiện tượng mất nước, cơ thể bạn sẽ tự động điều chỉnh, lấy thêm nước từ các cơ quan không thiết yếu để phục vụ chức năng quan trọng hơn.
Tuyến nước bọt trong miệng cũng nằm trong danh sách không thiết yếu này. Nói cách khác, lượng nước dự trữ cho tuyến nước bọt sẽ được lấy đi để phục vụ cơ thể.
Thiếu đi nước bọt, vi khuẩn trong miệng sẽ gia tăng đáng kể mà không được kiểm soát, dẫn tới hiện tượng hôi miệng sau khi uống cafe.
Chưa hết, chất tannin bên trong cà phê cũng khiến tình hình trở nên bất lợi hơn. Chúng tuy có tác dụng tăng cường vị cafe, nhưng lại gắn kết protein với nước bọt. Quá trình gắn kết này ngăn cản nước bọt làm nhiệm vụ chăm sóc và làm sạch khoang miệng, càng dễ tạo ra mùi hôi.
Cách khắc chế mùi cơ thể do cà phê gây ra
Như vậy, việc uống cafe có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới mùi hương cơ thể là có thật. Để thoát khỏi tình huống bất tiện này, dưới đây là những cách hiệu quả nhất giúp bạn lấy lại sự tin tin cho bản thân.
1. Đối phó với mồ hôi cơ thể
Như đã đề cập, khu vực cơ thể bí bách như phần dưới cánh tay sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi tuyến mồ hôi hoạt động mạnh và gây mùi khó chịu.
Trước tiên, hãy loại bỏ ngay phương án lăn nách hoặc nước hoa. Lăn nách chỉ có tác dụng khi bạn thoa lên phần da đang sạch và khô ráo, để các chất khử mùi bám vào từ trước. Còn nước hoa không có tác dụng khử mùi, chỉ càng tạo ra một sự kết hợp mùi hương ác mộng mà thôi.
Nếu chưa kịp lăn nách từ trước, hãy tìm một lọ cồn y tế thông thường (dạng xịt hay lỏng đều được), thấm cồn vào khăn mềm và lau sạch khu vực có mùi. Hoặc bạn có thể mang theo một túi giấy ướt chứa cồn cũng tiện dụng không kém.
Cồn là chất diệt khuẩn cực kỳ hữu hiệu và an toàn khi dùng ngoài da, cũng rất dễ bay hơi và “xóa sạch hiện trường” chỉ sau vài phút. Khi xử lý, bạn nên chọn một không gian riêng tư chút, để mùi cồn không bị lan ra xung quanh gây sự chú ý không cần thiết.
Sử dụng nước trà xanh cũng là một lựa chọn khả thi, tự nhiên và dễ chịu, có tác dụng diệt khuẩn tương tự như cồn.
2. Đối phó với mùi hôi miệng
Nguyên nhân dẫn tới hôi miệng là do thiếu nước bọt vốn có chức năng làm sạch vi khuẩn. Vì vậy, cách đơn giản và nhanh nhất để ngăn chặn mùi hôi là uống thêm nhiều nước.
Khi được bù lại lượng nước đầy đủ, cơ thể bạn sẽ dần điều hòa trở lại trạng thái bình thường, không còn rút nước từ tuyến nước bọt nữa. Ngoài ra, việc uống nước cũng một phần giúp “quét sạch” các vi khuẩn hoặc chất gây mùi bám trong khoang miệng.
Dĩ nhiên, các biện pháp kỹ càng như đánh răng, dùng nước súc miệng chuyên dụng, hoặc ăn kẹo cao su cũng giúp cải thiện tình hình hiệu quả. Dù vậy, bổ sung nước vẫn là phương án tối ưu nhất nếu bạn không muốn tác dụng phụ của cafe kéo dài lâu.
ĐỌC THÊM:
- 10 tác hại do uống cafe quá độ (rủi ro ngộ độc dễ như chơi)
- Đâu là “giờ vàng” đẹp nhất để uống cafe trong ngày?
Không thể phủ nhận sự bất tiện khi có mùi tiết ra trên cơ thể, nhưng cũng rất khó để nhiều người trong chúng ta từ bỏ hoàn toàn thói quen uống cafe. Mong rằng qua những lời giải thích cặn kẽ vừa rồi, TopListCafe sẽ giúp bạn “chữa cháy” hiệu quả hơn khi lỡ rơi vào tình huống khó xử tương tự.