Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc để thừa cafe: Một hôm cao hứng lỡ tay nên bạn pha quá nhiều, hoặc làm đồ uống xong mải học và làm việc quá nên để quên, tới khi nhớ ra thì cafe đã đổi vị hoặc lạnh ngắt rồi.
Phần lớn mọi người khi lâm vào tình cảnh này đều không tiếc tay đổ toàn bộ số cafe thừa đó đi. Tuy nhiên, chắc chắn bạn sẽ thay đổi suy nghĩ sau khi đọc bài viết này và hiểu thêm những lợi ích từ việc tái chế cafe thừa không uống hết.
Tất nhiên, hãy luôn đảm bảo cafe bạn dùng là loại nguyên chất rang mộc, không chứa các phụ phẩm hỗn tạp đã nhé!
Cafe thừa không uống hết: 5 công dụng tái chế tuyệt vời
1. Làm gia vị nấu ăn
Hiểu một cách đơn giản thì cafe là nước lọc hòa với bột cafe – một sự kết hợp tương tự bất kỳ loại nước hương liệu nào khác dùng trong nấu nướng. Trong đó, nhiều công thức làm bít tết (steak) đã được sáng tạo, bao gồm quy trình ướp thịt bằng cafe dạng lỏng.
Compote – một món tráng miệng nổi tiếng từ châu Âu (làm từ trái cây nấu trong nước đường và gia vị) cũng đã được sáng tạo công thức chứa cafe làm thành phần tạo điểm nhấn độc đáo. Ngoài ra, cafe còn được dùng để thêm nếm cho nước sốt dùng để chấm thịt nướng khi áp dụng đúng cách.
2. Làm nguyên liệu nướng bánh
Thay thế nước bằng cafe cho nguyên liệu làm bánh cũng hoàn toàn ổn. Nhất là khi bạn có ý định làm brownie, người ăn sẽ phải ồ lên vì nét nhấn nhá độc đáo từ dư vị cafe đó.
Hoặc bạn cũng có thể thêm cafe vào công thức làm kem phủ (icing) trên bề mặt bánh. Chất lượng và độ bền của lớp kem cafe vẫn ổn định như thường, vẫn để được trong tủ lạnh để dùng tiếp cho dịp sau.
3. Làm đá lạnh vị cafe
Đá viên từ tủ lạnh là thành phần không thể thiếu cho những cốc sinh tố sảng khoái. Thế nhưng, chúng thường gánh chịu một nhược điểm cố hữu: Dễ làm lệch vị khi để lâu, khiến đá tan ra và làm loãng đồ uống.
Phương án hữu hiệu mà đơn giản nhất là tận dụng đá viên đông lạnh từ chính thành phần tương tự. Chẳng hạn, đá viên vị sữa cho vào một cốc sinh tố hoa quả, hay đá viên cafe để dành cho một cốc cafe khác.
4. Tưới cây
Tương tự như công dụng của bã cafe bón cây, nước cafe cũng có thể được dùng để tưới trực tiếp vào đất.
Đây là món khoái khẩu cho các loài lan hoặc đỗ quyên, bởi cafe có chứa một phần acid phù hợp với tập tính tăng trưởng của các họ hoa này. Dù vậy, tần suất tưới cafe chỉ nên đạt mức 1-2 lần/tuần thôi nhé.
Đôi khi, thành phần đất của bạn đã có đủ acid lý tưởng cho cây trồng rồi, tưới cafe sẽ gây hại nhiều hơn lợi. Vì vậy, đừng quá chủ quan mà hãy luôn theo dõi sát sao dấu hiệu của cây.
Nếu có biểu hiện lá héo bất thường dù môi trường vẫn thuận lợi, hãy dừng ngay việc tưới cafe lại. Cuối cùng, chỉ nên dùng cafe đen nguyên chất để tưới. Cafe có lẫn kem, sữa và đường sẽ làm đất dễ bị nấm mốc và thu hút nhiều loài côn trùng tới phá hoại.
5. Trang trí đồ vật
Bị dính vết cafe lên vải sáng màu cũng có tính “đau tim” y như dính rượu vang lên sơmi trắng vậy. Nhưng sẽ thế nào trong trường hợp bạn… cố tình muốn thế nhỉ?
Nếu là một người có máu tìm tòi nên những cách tái chế đồ vật cho mục đích trang trí, đừng bỏ qua phần cafe thừa chưa uống hết. Hãy tận dụng cafe như một loại màu nhuộm tự nhiên để vẽ lên các chất liệu thấm hút.
Kể cả khi bạn không có nhiều năng khiếu nghệ sỹ hoặc đã trở thành các ông bố bà mẹ, dùng cafe thừa như một cách dạy con mình tập vẽ màu nước cũng khá thú vị. Làm vậy vừa khỏi tốn công mua hẳn bộ màu “full box” rồi sợ cả thèm chóng chán, hoặc đỡ lo về độ độc hại của hóa chất màu nước khi trẻ con vui đùa quá trớn. Thứ duy nhất bạn cần chuẩn bị chỉ là tập giấy và vài chiếc bút lông là xong.
ĐỌC THÊM:
Trên đây là 5 mẹo tận dụng cafe thừa không uống hết theo cách sáng tạo mà tiết kiệm không ngờ. Trong tương lai nếu bạn dần lập thói quen tự pha và thưởng thức cafe tại nhà, đừng quên ghé thăm TopListCafe để nạp thêm nhiều tips hay ho nữa nhé.