5 loại máy pha cà phê tự động phổ biến nhất (cách phân biệt, ưu & nhược điểm)

Để nói hết về các loại dụng cụ và thiết bị pha cà phê từ cổ chí kim, có lẽ chúng ta sẽ phải tốn cả vài tiếng đồng hồ nghiên cứu nghiêm túc. Thế nhưng, may mắn là hôm nay bạn đang đọc được những dòng này, vì TopListCafe sẽ làm điều đó thay bạn, chỉ tốn vài phút ngắn ngủi để đọc mà thôi.

Trước kia, mình đã có bài viết về những phụ kiện pha cà phê thủ công (dạng full immersionpour over). Hôm nay, hãy cùng đến với danh sách tổng hợp và phân loại những kiểu máy pha cà phê tự động được tin dùng nhiều nhất hiện nay nhé!

1. Drip Coffee Maker

Đây là loại máy pha cafe tự động phổ biến nhất hiện nay xét về độ tiện dụng, đa năng, không yêu cầu quá nhiều kiến thức. Cơ chế hoạt động rất đơn giản: Chỉ cần chuẩn bị sẵn nguyên liệu, máy sẽ tự lo toàn bộ phần còn lại.

m,áy pha cà phê drip coffee
Thiết kế thường thấy của máy drip coffee. (Ảnh: KitchenAid)

Cụ thể, trước khi pha, cà phê (xay sẵn) và nước sẽ được cho vào khoang chứa. Bật máy lên, nước sẽ được đun sôi, truyền qua vòi phun trong máy, rải đều lên phần cà phê đang đặt sẵn trên tấm lọc. Nước cốt cà phê sau chiết xuất sẽ chảy nhỏ giọt dần xuống bình.

Cơ chế pha rất giống với pour-over (hay manual drip) thủ công, chiết xuất nhờ thời gian và trọng lực, chỉ khác là thêm sự trợ giúp của máy. Vì vậy, những loại máy pha này được gọi chung với cái tên “drip coffee machine” hay “drip coffee maker”.

Qua thời gian, những thế hệ máy drip coffee cũng được cải tiến nhiều hơn với nhiều tính năng hiện đại như: 

  • Hẹn giờ bật/tắt
  • Chỉnh thời gian ủ chiết xuất cà phê
  • Chức năng bloom (mô phỏng kỹ thuật pourover)
  • Chất liệu cách nhiệt
  • Tích hợp buồng xay cà phê (tùy phân khúc)

Sự phổ biến của máy pha drip coffee càng tăng vọt kể từ khi SCA chính thức tung ra chương trình kiểm nghiệm và chứng nhận máy pha cafe. Nếu đáp ứng tiêu chuẩn Gold Cup của SCA, sản phẩm đó sẽ được cấp chứng chỉ.

Trước khi có thông báo trên từ SCA, hầu hết máy drip coffee không nhận được nhiều lời khen, do thường xuyên dính lỗi vặt và chưa tối ưu thiết kế. Tuy nhiên, sau thời điểm đó, người dùng đã chứng kiến một cuộc cải tổ chất lượng vượt trội hơn rất nhiều, cạnh tranh nghiêm túc để được phê duyệt bởi SCA.

ƯU ĐIỂM:

  • Rất dễ dùng và làm quen
  • Dễ tháo lắp vệ sinh
  • Pha được nhiều cafe
  • Giữ cafe nóng lâu

NHƯỢC ĐIỂM:

  • Cafe dễ đắng nếu để nóng quá lâu mà quên dùng
  • Đắt nếu có chức năng xay hạt
  • Cần bảo trì tẩy cặn chất khoáng mỗi 6 tháng hoặc 1 năm 

2. Percolator

Percolator có thể coi là bản nâng cấp của một chiếc ấm điện siêu tốc quen thuộc – chỉ cần cắm dây và bật, nhưng cấu tạo bên trong được cải tiến một chút để có thể kết hợp pha cà phê.

ấm pha cà phê kiểu percolator
(Ảnh: Serious Eats)

Điểm chung của máy pha percolator là… chúng thật sự không phải lựa chọn tốt để làm cà phê ngon. Đổi lại, đây là một trong những loại máy vừa có giá thành rẻ, lại cực kỳ nhanh gọn nhẹ.

Cách hoạt động của máy như sau: Nước chứa bên dưới, khi đun sôi sẽ trào ngược lên ống dẫn, rồi nhỏ giọt đều xuống khoang đặt cà phê ở giữa bình để chiết xuất.

cấu tạo ấm pha cà phê percolator
Cấu tạo ấm pha percolator.

Quy trình trên diễn ra liên tục, nước cốt cà phê được tái sử dụng, di chuyển tuần hoàn tới khi nào dừng đun thì thôi. Tuy nhiên, chính yếu tố nhiệt độ nước lại khiến chất lượng cà phê pha bởi percolator trở nên “tệ hại”.

Cụ thể, để phản ứng trên diễn ra, nước phải ở trạng thái sôi không ngừng nghỉ, tức 100°C. Đây là mức nhiệt không hề được khuyến nghị để pha cà phê, dễ khiến chiết xuất quá mức, gây vị đắng mạnh và cháy khét.

ƯU ĐIỂM:

  • Dễ dùng, gọn nhẹ
  • Giá rẻ, dễ mua

NHƯỢC ĐIỂM:

  • Rất khó pha cà phê ngon đúng vị

3. Capsule/Pod Coffee Machine

Máy pha cà phê dạng viên nén (capsule/pod) là một ngoại lệ đầy sáng tạo và độc đáo, vừa đáp ứng được sự tiện dụng mà vẫn đảm bảo hương vị ổn định và đa dạng.

máy pha cà phê viên nén
(Ảnh: Micoope)

Cách sử dụng dễ đến mức trẻ con cũng làm được: Đặt viên nén vào khoang chứa, bấm nút và chờ thưởng thức là xong!

Mỗi viên nén chứa một lượng cà phê xay vừa đủ cho một lần pha, và cũng là yếu tố bắt buộc cần có khi sử dụng máy. Nếu thiếu những viên nén này, chiếc máy của bạn coi như… vô dụng.

Một điểm trừ lớn là các máy pha capsule/pod chỉ hoạt động tương thích với viên nén cùng thương hiệu. Như vậy, viên nén của hãng A không thể dùng cho hãng B, và ngược lại. Ngoài ra, giá thành mua viên nén cũng không quá dễ chịu so với những cách pha truyền thống khác.

viên nén cà phê
(Ảnh: Inside Retail Asia)

ƯU ĐIỂM:

  • Độc đáo, gọn gàng, tính thẩm mỹ cao
  • Không yêu cầu phụ kiện lẻ
  • Đáp ứng nhiều kiểu hương vị

NHƯỢC ĐIỂM:

  • Giới hạn tương thích sản phẩm cùng hãng
  • Chi phí cao về lâu dài
  • Hương vị chưa thể tinh tế bằng cà phê tươi

4. Espresso Machine/Espresso Maker

Đây là loại máy chuyên pha cà phê Espresso – phương pháp thuộc hàng tiên phong để tùy chỉnh hương vị và cho chất lượng chiết xuất tối ưu (tính tới thời điểm hiện tại).

Theo ước tính chung, thiết kế máy pha Espresso được đầu tư nhiều chất xám và công sức hoàn thiện nhất so với tất cả các loại máy khác trong lịch sử phát triển cà phê thế giới. Vì vậy, tính năng trên các máy Espresso rất tỉ mỉ, và cũng ngốn nhiều tiền để mua.

Máy pha espresso cỡ nhỏ tại nhà. (Ảnh: NYTimes)

Lý do chính khiến máy pha Espresso đắt tiền đến từ cơ chế nén áp suất: Mỗi máy đều phải sở hữu hệ thống có khả năng tạo áp lực đạt khoảng 9 bar. Đây là áp suất khuyến nghị để chiết lọc nên nước cốt đậm đà từ hạt cà phê.

Phương pháp nén có thể khác nhau đôi chút tùy từng phân khúc máy Espresso. Đơn giản nhất là loại ép bằng tay, sử dụng cần gạt, yêu cầu người dùng tự thao tác thủ công nhiều. Đắt hơn là các loại máy tự động hoặc bán tự động, thay thế nhiều chức năng hiện đại làm thay con người.

ƯU ĐIỂM:

  • Tối ưu hương vị chiết xuất cà phê
  • Tốc độ pha rất nhanh
  • Giá tị cao về cả thẩm mỹ và hiệu năng

NHƯỢC ĐIỂM:

  • Đắt tiền hơn hầu hết mọi loại máy pha khác
  • Người dùng cần có kiến thức để hiểu và làm chủ kỹ thuật pha Espresso
  • Không pha được mẻ lớn
  • Cà phê phải được xay chuẩn chỉnh bằng thiết bị khác trước khi thực hiện

5. Super-automatic/Bean-to-cup Coffee Machine

Đúng như tên gọi, phân khúc máy pha cà phê “siêu tự động” này thuộc phân khúc cao cấp và toàn diện nhất trên thị trường. Một sản phẩm như vậy sẽ giúp bạn làm toàn bộ mọi thứ cần thiết để biến cà phê nguyên hạt thành nước cốt thơm ngon trong thời gian nhanh nhất.

Khác với máy Espresso cơ bản ở phần 4 (chỉ có khả năng pha cà phê, thường phục vụ nhu cầu cá nhân tại nhà), đối với máy super-automatic này, mọi khâu chuẩn bị như xay hạt, đun và giữ nhiệt nước ổn định, căn thời gian chiết xuất, kết hợp sữa theo tỷ lệ chuẩn… đều được máy tự đảm nhận và xử lý.

Không chỉ Espresso, các công thức như Latte, Cappuccino cũng được hỗ trợ pha nhanh chóng với nhiều tính năng tích hợp ngay trên máy, đem lại sự tiện dụng và ổn định cao.

Máy pha espresso dạng bean-to-cup, tự động toàn diện, tích hợp sẵn máy xay hạt. (Ảnh: Serious Eats)

Nói cách khác, công nghệ bên trong những máy Espresso siêu tự động đều đạt top đầu về độ tinh vi và đa dụng. Hệ thống máy xay tích hợp sẵn bên trong, tự động chia cữ pha, loại bỏ bã cà phê và vệ sinh máy sau khi hoàn thành mỗi shot, chưa kể vòi hơi giúp đánh bông và làm nóng sữa.  

Tùy kích cỡ và phân khúc máy (phục vụ nhu cầu cá nhân hay thương mại), một chiếc máy bean-to-cup sẽ dao động từ vài chục triệu tới hàng trăm triệu đồng là chuyện bình thường.

máy pha espresso thương mại
Máy pha espresso thương mại cỡ lớn. (Ảnh: Marta Dzedyshko)

ƯU ĐIỂM:

  • Toàn diện hóa quy trình tự động gần như 100%
  • Chất lượng chiết xuất tối ưu
  • Hỗ trợ pha nhiều công thức cà phê với sữa

NHƯỢC ĐIỂM:

  • Đắt đỏ nhất thị trường máy pha cà phê
  • Mất nhiều công bảo trì phức tạp khi có vấn đề
  • Vẫn chưa đủ hoàn hảo để đánh bại kỹ năng thủ công của con người (nếu muốn thưởng thức cà phê đỉnh cao)