12 cách decor trang trí quán cafe nổi bật & ấn tượng nhất

Vẫn biết chất lượng dịch vụ và hương vị sẽ có vai trò hàng đầu cho thành công của một thương hiệu cafe, nhưng không vì thế mà yếu tố decor lại dễ dàng bị xếp xó. Ấn tượng đầu tiên của khách về phong cách thiết kế và trang trí quán cafe là cực kỳ quan trọng để khai thác trải nghiệm trọn vẹn, thuyết phục họ gắn bó lâu dài.

Sau đây là Top 12 cách trang trí quán cà phê đẹp và phổ biến hàng đầu, đã được nhiều nơi áp dụng và tạo dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường.

12 Cách Decor Quán Cafe Đẹp Đốn Tim Khách Hàng

Phong cách cổ xưa (Retro, Vintage, Antique Style)

Đây là một trong những cách trang trí quán cà phê được rất nhiều người tại Việt Nam yêu thích, hiểu chung chung là phong cách cổ xưa. Tuy nhiên, xét về định nghĩa chính xác và sâu xa trên cả phương diện từ vựng và văn hóa, xu hướng này nên được chia thành 3 phân nhánh Retro, Vintage và Antique.

Những khái niệm trên rất dễ bị dùng lẫn lộn với nhau, nhưng lại mang những nét nghĩa riêng biệt:

  • Retro (retrograde hoặc retroactive): Chỉ những sự việc hoặc trào lưu có tính biểu tượng và xu thế (iconic trends) gắn liền với thế hệ trước, đã từng được một cộng đồng rất lớn yêu thích nhưng nay hao hụt dần.
  • Vintage: Chỉ những sản phẩm, nguyên liệu được làm thủ công, là đặc trưng của một thời kỳ hoặc xu hướng nghệ thuật trước kia (dao động trong khoảng 40-100 năm trước).
  • Antique: Chỉ mọi sự vật với chiều sâu lịch sử cực kỳ xưa cũ (thường vượt mốc 100 năm và cũ hơn trở về trước).
Ví dụ về decor quán cafe vintage. (Ảnh: Haley Black)

Với định nghĩa trên, Retro-Vintage-Antique chính là thứ tự thể hiện mức độ “cổ xưa” tăng dần của phong cách quán cafe mà bạn chọn. Ngoài ra, chúng cũng mang những biểu hiện và đặc thù nhất định để phân biệt xem nhánh nào phù hợp nhất:

  • Nếu chọn Retro, chắc chắn quán cafe của bạn phải làm nổi lên được một tư tưởng, phong cách, hoặc văn hóa có giá trị lịch sử cao, được nhiều người thích trong quá khứ và tới nay vẫn còn dư âm đọng lại. Một số địa điểm tại Hà Nội có thể kể đến như Eleven11 với chủ đề biker.
  • Nếu chọn thiết kế quán cafe phong cách Vintage, bạn cần tập trung vào đồ vật và phụ kiện nhiều hơn, toát lên một nét thẩm mỹ đơn giản, thủ công và xưa cũ ở mức vừa phải (có thể giao thoa chút ít với một số xu hướng nghệ thuật và văn hóa khác).
  • Nếu chọn Antique, mọi việc bạn cần làm là khiến quán cafe hiện lên thật cũ kỹ – nổi bật với hình ảnh rêu phong, bụi bặm, vượt qua mức độ thường thấy ở cả Retro và Vintage.
Hình thức nhuốm đậm không khí trào lưu biker. (Ảnh: Eleven11 Fanpage)

Trong đó, định hướng Retro được coi là khó tái hiện nhất, vì người làm chủ phải thật sự hiểu về một xu hướng văn hóa trong lịch sử để truyền tải đúng cách vào diện mạo quán cafe, từ không khí cho tới phụ kiện. 

Còn lại, Vintage và Antique yêu cầu ít công sức hơn, nhưng lại cho phép bạn sáng tạo nhiều hơn nếu biết cách kết hợp linh hoạt cùng phong cách decor khác khi trang trí quán cafe cổ điển.

Phong cách sân vườn (Botanical/Garden Style)

Tiếp tục là một lối decor quán cafe đang dần trở nên thịnh hành, đón nhận nhiều sự chú ý những năm gần đây tại Việt Nam. Quy mô thiết lập cũng rất đa dạng – từ những mặt bằng đắt giá tái hiện được cả một khu vườn rộng rãi cho tới một góc nhỏ yên tĩnh tràn ngập tiểu cảnh.

Không chỉ có giá trị về mặt thẩm mỹ, sử dụng cây xanh làm nhân tố chủ đạo trong  bài trí nội thất cũng giúp nhiều cho chất lượng đời sống tinh thần. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác dụng tuyệt vời của thực vật giúp thanh lọc không khí, cải thiện cảm xúc, tăng cường sự tập trung, sáng tạo và năng suất làm việc.

quán cà phê sân vườn
(Ảnh: Ruben Ramirez)
Cách tận dụng không gian decor cây cảnh indoor. (Ảnh: Jonathan Borba)

Tuy nhiên, để theo đuổi phong cách trang trí quán cafe sân vườn cũng khá nhức đầu, vì có rất nhiều điều kiện và hạng mục cần chú ý.

Nếu bạn không đủ tiềm lực đầu tư làm sân vườn tự nhiên ngoài trời mà chỉ có thể tận dụng không gian indoor, mọi thứ sẽ vất vả hơn từ việc thiết kế nội thất tới chọn giống cây và đảm bảo môi trường nuôi cây tốt:

  • Ánh sáng: Có không gian ngoài trời thì quá tốt, còn trồng cây trong nhà thì bắt buộc cần lắp đặt hệ thống chiếu sáng chỉn chu. Bạn nên biết rằng cây vẫn có thể chết dù đặt sát cửa kính, hoặc có đèn chiếu nhân tạo nhưng không đạt chuẩn mật độ/cường độ ánh sáng tương thích để giúp cây quang hợp.
  • Độ ẩm: Trong điều kiện phòng kín, ít mở cửa thường xuyên hoặc vào mùa đông hanh khô, độ ẩm trung bình có thể xuống thấp tới 20%. Nếu tỷ lệ này không được cải thiện lên ít nhất 50%, cây trồng – dù không chết – nhưng sẽ nhanh héo và trở nên thiếu thẩm mỹ.
  • Nhiệt độ: Điều kiện nhiệt độ lý tưởng để cây phát triển là 18-23°C, có thể du di một chút nhưng không nên chênh lệch quá nhiều.
  • Cỡ chậu: Mỗi loại cây khi trồng trong chậu đều cần chọn cỡ chậu phù hợp, chứa lượng đất có mật độ đủ dày tương thích với tập tính phát triển rễ sâu hay nông trong lòng đất.
  • Tưới nước: Nếu chưa từng có kinh nghiệm chăm cây chậu, bạn rất dễ tưới thiếu hoặc thừa nước so với mức cần thiết. Nếu có điều kiện, hãy lắp giàn tưới thông minh có thể hẹn giờ tưới định kỳ với lưu lượng vừa đủ.

Phong cách hiện đại (Modern Style)

Trước hết, đừng hiểu rằng “hiện đại” ở đây đồng nghĩa với không gian đầy ắp những thiết bị tối tân như nhà Tony Stark.

Thực chất, phong cách hiện đại bắt nguồn từ bước biến chuyển trong phong trào nghệ thuật của thời kỳ đầu/giữa thế kỷ 20 – tôn vinh sự đơn giản, trừu tượng và hiệu quả trong thiết kế nội thất.

Rất nhiều người thường nhầm lẫn phong cách hiện đại với phong cách đương đại (sẽ được giải thích kỹ hơn ở các phần sau). Đây là 2 trường phái riêng biệt hoàn toàn, mang những đặc trưng nhất định.

(Ảnh: inspirationdesignbooks)

6 quy tắc và yếu tố căn bản của phong cách nội thất hiện đại:

  • Đường nét thanh thoát: Kiến trúc không gian cần được thiết kế với nhiều đường thẳng rõ rệt, thanh thoát – xuất hiện trên kết cấu đồ vật hoặc đoạn nối các mặt phẳng như sàn và bờ tường, cạnh tủ âm tường, tranh ảnh – từ đó tạo nên điểm nhìn thoáng và dịu mắt.
  • Decor tối giản: Loại bỏ hết những suy nghĩ mua đồ đạc bài trí tỉ mỉ đi, vì phong cách hiện đại là không màu mè, chỉ dùng vừa đủ đúng với nhu cầu cần thiết. Nếu muốn bày tranh ảnh, hãy ưu tiên các tác phẩm hội họa trừu tượng, phản ánh đúng bước biến chuyển của trường phái hiện đại.
  • Màu sắc trung tính: Tránh những tông màu quá rực rỡ hoặc trầm, chỉ nên dừng ở mức độ trung tính và đơn sắc như trắng, xám, đen, be, hoặc nhấn nhá thêm một số tông màu pastel.
  • Không gian đồng nhất, tránh phân mảnh: Phong cách hiện đại khá kỵ việc chia mặt bằng chung thành nhiều phòng cho từng chức năng nhỏ. Ngược lại, bạn chỉ nên ngăn cách các khu vực bằng phụ kiện thay vì xây hẳn tường kín để chia phòng. Ví dụ: Dùng một quầy đảo bếp để báo hiệu khu vực nấu nướng/pha chế, hoặc một dãy sofa để đánh dấu vị trí tiếp khách…
  • Đồ đạc thấp, dài: Sử dụng các đồ dùng sinh hoạt thấp và dài sẽ giúp tái hiện một khung cảnh đồng bộ, vừa mắt hơn, không bị cảm giác “lổn nhổn” bừa bãi. 
  • Kính, bê-tông và thép: Đây là những chất liệu phổ biến giúp làm nổi bật phong cách nội thất hiện đại. Bạn vẫn có thể kết hợp một số phụ kiện khung gỗ, sơn vân gỗ, bọc vải để tăng sự đa dạng.

Phong cách đương đại (Contemporary Style)

Nếu phong cách hiện đại là biểu hiện cho một trường phái nghệ thuật đổi mới thuộc thời kỳ đầu và giữa thế kỷ 20, thì phong cách đương đại xuất phát muộn hơn – từ thập niên 1970 – và vẫn không ngừng phát triển, gắn liền với xu hướng thiết kế đang diễn ra hiện tại.

Như vậy, phong cách đương đại sẽ có độ phủ lớn và chung chung, bao quát mọi thay đổi cập nhật mới của thời đại, không bó buộc vào một triết lý hay trường phái cố định từ trước.

Thậm chí, trào lưu này còn lấy cảm hứng từ nhiều phong cách khác (nhưng chủ yếu là hiện đại) để kết hợp và sáng tạo chi tiết. Chính vì vậy, 2 phong cách này thường dễ bị nhầm lẫn với nhau.

phong cách nội thất đương đại
(Ảnh: Contemporist)

6 yếu tố căn bản của phong cách đương đại trong trang trí nội thất:

  • Độ tinh xảo và tỉ mỉ: Trường phái thiết kế đương đại rất chú trọng mức độ chi tiết của vẻ đẹp – nhất là các phụ kiện chế tạo thủ công – cần tới cả kỹ năng điêu luyện và nguyên liệu cao cấp.
  • Không gian mở và đồng nhất: Cũng khá giống phong cách hiện đại, lối thiết kế đương đại sẽ tôn vinh vẻ đẹp không gian thanh thoát, nhiều khoảng trống tự nhiên.
  • Decor đơn giản: Tránh lạm dụng các phụ kiện có màu sắc quá nổi bật, nên ưu tiên concept trừu tượng.
  • Kiến trúc thô mộc: Những chi tiết “trần” và thô trong cấu trúc nhà ở và thiết kế không gian là đặc trưng thường thấy ở phong cách đương đại – chẳng hạn như trụ thép, dầm gỗ, các mảng tường gạch/bê-tông được để lộ một cách thanh thoát, sạch sẽ và hoàn toàn có chủ ý.
  • Màu sắc trung tính: Chủ đề màu trung tính của nghệ thuật đương đại sẽ khác một chút so với phong cách hiện đại. Vẫn là những tông chủ đạo quen thuộc như trắng, xám, đen, nâu, nhưng sắc thái màu sẽ không tuyệt đối, mà mô phỏng các yếu tố trong tự nhiên – xám dịu của đá, nâu vàng của cát, trắng mờ của mây hay đen nhám của than.
  • Thiết kế đèn tinh vi: Một đặc trưng của phong cách đương đại là hệ thống đèn rất độc đáo và sang xịn, thường có thiết kế “nghệ”, thỏa mãn cả mục đích chiếu sáng và decor. Đây cũng là khác biệt dễ thấy so với phong cách hiện đại, vốn chỉ dùng hệ thống đèn đúng với chức năng chiếu sáng cơ bản.

Về tổng thể, trường phái đương đại sẽ có tính chất linh hoạt, đa dạng và tinh xảo hơn so với hiện đại. Xét trên mục đích trang trí quán cafe, phong cách đương đại sẽ phù hợp với chủ quán có tiềm lực tốt và đam mê update không gian thường xuyên, liên tục thay đổi theo các trend mới nhất. 


ĐỌC THÊM:


Phong cách tối giản (Minimalist Style)

Những khái niệm liên quan đến lối sống tối giản đang trở nên thịnh hành hơn trong thế giới ngày một nhộn nhịp và hiện đại. Tuy nhiên, đừng để tên gọi của nó đánh lừa, vì để áp dụng được phong cách tối giản vào decor quán cafe lại cần am hiểu rất nhiều quy tắc.

Nhìn chung, trường phái tối giản có rất nhiều điểm giống phong cách hiện đại (đã đề cập bên trên). Những xu hướng căn bản về đường nét, tông màu đơn sắc, đồ đạc đơn giản và sự đồng nhất trong lối bài trí không gian vẫn hiện diện tương tự.

Tuy nhiên, phong cách tối giản không cần phụ thuộc nhiều vào toàn bộ quy tắc liên quan đến trào lưu đổi mới nghệ thuật đầu thế kỷ 20 – vốn là cái nôi sinh ra phong cách hiện đại. Vì vậy, việc theo đuổi trường phái Minimalism để trang trí quán cafe đẹp đơn giản sẽ linh hoạt hơn mà vẫn giữ được tính hiệu quả.

phong cách nội thất tối giản Minimalist
(Ảnh: ArchDaily)

4 lợi ích và ưu điểm của phong cách decor tối giản:

  • Tạo hiệu ứng không gian rộng hơn so với ấn tượng ban đầu.
  • Rất khó trở nên lỗi thời và lạc quẻ khi được thiết kế chuẩn.
  • Tiết kiệm nhiều chi phí vật dụng trang trí quán cafe, loại bỏ sự thừa thãi và rối rắm.
  • Dễ kiếm phụ kiện decor, không giới hạn về chất liệu hay nhóm sản phẩm.

Phong cách công nghiệp (Industrial Style)

Lấy cảm hứng từ các nhà máy được phục dựng sau cuộc Cách mạng Công nghiệp, phong cách này hiện lên với đặc trưng rất nổi bật của các chi tiết kiến trúc thô, hoàn thiện nửa vời và không cần trau chuốt cầu kỳ – như tường gạch hoặc bê-tông không phủ sơn, những đường ống trần trụi, đèn dây tóc (hoặc LED giả dây tóc)… Ngoài ra, phong cách công nghiệp cũng tích hợp một số quy tắc thiết kế nội thất tối giản nữa.

(Ảnh: ArchDaily)
phong cách nội thất Industrial

7 đặc trưng của phong cách công nghiệp:

  • Màu sắc trung tính – nhưng không dùng quá nhiều màu trắng, mà tập trung vào tông xám, đen hoặc nâu be nhiều hơn.
  • Tận dụng nhiều ánh sáng tự nhiên: Khung cửa kính lớn, thậm chí làm tường kính gần như hoàn toàn là điều dễ thấy ở không gian Industrial Style.
  • Không gian mở, trần cao, kiến trúc thô và lộ các mảng tường gạch, bê-tông, khung gỗ sờn cũ, ống thông khí…
  • Đồ dùng chế tác từ nguyên liệu cũ: Những đồ đạc như bàn, ghế, tủ được “chế” lại, hoặc cải tiến đa dạng hơn (thêm bánh xe, ngăn kệ) từ các mảnh dụng cụ khác.
  • Đèn LED vàng giả dây tóc: Phản ánh công nghệ chiếu sáng cổ điển của thế kỷ 19 – có thể thay thế bằng các thiết kế đèn chụp, miễn phát ra ánh sáng vàng ấm đặc trưng như đèn dây tóc.
  • Phụ kiện bọc da hoặc vải linen: 2 chất liệu may mặc này thường có tông màu trung tính tự nhiên rất hợp với dáng vẻ của Industrial Style, giúp làm nổi không khí ấm cúng, thoải mái.
  • Ghế Draftsman cổ điển: Đây là loại ghế vốn dành cho dân sáng tạo, phác thảo thiết kế, kiến trúc sư thời trước – một dấu hiệu cực kỳ điển hình cho không gian phong cách Industrial.

Phong cách Mid-Century

Phong cách nội thất Mid-Century xuất phát từ trào lưu thiết kế nổi lên vào giữa thế kỷ 20 (khoảng thập niên 1950-1960) tại Mỹ.

Mid-Century Modern Style trở nên thịnh hành ngay sau trường phái hiện đại và trước trường phái đương đại, nên thừa hưởng khá nhiều đặc trưng tương tự, nhưng vẫn có những nét khác biệt riêng rẽ – nhất là cách giao thoa giữa nhiều chất liệu hoặc tư tưởng thiết kế.

phong cách nội thất Mid Century
(Ảnh: ArchitecturalDigest)

5 đặc điểm thường thấy ở phong cách Mid-Century:

  • Phụ kiện decor đơn giản, nhiều khoảng trống hợp lý vừa mắt, tận dụng nhiều hình khối cơ bản – điển hình là tranh sắt treo tường có họa tiết mặt trời.
  • Bàn ghế có chân mảnh, hình dáng vuốt thon ở đầu tiếp đất; hoặc biểu tượng nội thất đặc trưng của Mid-Century như bàn hình quả thận, ghế Eames.
  • Đồ dùng kết hợp cả chất liệu tự nhiên và nhân tạo: Các chất liệu hiện đại (nhựa, sợi thủy tinh) và tự nhiên (gỗ, kính, đá, kim loại) được ứng dụng hài hòa lẫn nhau để tạo ấn tượng tương phản trong cách bài trí nội thất. 
  • Không gian dung hòa indoor và outdoor: Phong cách Mid-Century thường nói lên sự hòa hợp trong thiết kế, toát lên khía cạnh indoor giao thoa outdoor nhờ tường kính lớn hoặc trang trí cây xanh trong nhà.
  • Màu sắc tương phản linh hoạt: Vẫn lấy màu trung tính làm nền, nhưng Mid-Century Style chuộng thêm các sắc thái retro và gắn liền với thiên nhiên như xanh cỏ úa, vàng/nâu đất, cam tươi, lục lam, đỏ mận để làm điểm nhấn – có thể áp dụng với tranh ảnh, thảm hoặc bàn ghế.
không gian decor La Mensa Tông Đản
La Mensa Tông Đản với không gian có khá nhiều điểm tương đồng với phong cách Mid-Century.

ĐỌC THÊM: Review chi tiết La Mensa (Tông Đản)


Phong cách Địa Trung Hải (Mediterranean Style)

Phong cách nội thất Địa Trung Hải mang đậm cảm hứng nhẹ nhàng, đơn giản mà thanh lịch, lãng mạn tới từ các nước Nam Âu bao quanh bờ biển Địa Trung Hải – nổi bật với các tông màu sáng và ấm, áp dụng phổ biến các chất liệu tự nhiên như gốm, gỗ, vải và sắt.

Thực chất, có tới tổng cộng hơn 20 quốc gia với lãnh thổ giáp vùng biển này. Tuy nhiên, phong cách Địa Trung Hải chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ văn hóa và tư tưởng thiết kế của Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italy, Morocco, và Israel.

phong cách nội thất Địa Trung Hải
(Ảnh: Foyr Neo)
(Ảnh: Period Home)

7 yếu tố đặc trưng của phong cách Địa Trung Hải:

  • Thiết kế giao thoa cho cả không gian indoor và outdoor, tận dụng nhiều ô cửa lớn và ánh sáng tự nhiên.
  • Nhiều cổng vòm ở khung cửa sổ, cửa ra vào hoặc lối thông giữa các gian nhà.
  • Không gian mở và thông thoáng, decor đơn giản vừa đủ. 
  • Đồ đạc làm từ chất liệu tự nhiên như gỗ, mây, gốm, đất nung, kết hợp thảm/gối bằng vải bông hoặc linen.
  • Trần cao với nhiều dầm gỗ lớn, tường đá xước nhám, sàn đá lát hoặc gỗ cứng.
  • Màu sắc trung tính, đặc biệt chuộng 3 tông trắng sữa, lục lam và vàng ấm – phản ánh không khí gắn liền với đời sống ven biển – có thể xen kẽ một số tông phụ khác như be, nâu đỏ, xanh olive. 
  • Nhiều không gian tập thể ấm cúng làm điểm nhấn nổi bật (đối với nhà ở): khu sinh hoạt chung, bếp lửa, bàn ăn lớn…

Đặc biệt, phong cách Địa Trung Hải rất kỵ lối bài trí phụ kiện decor tỉ mỉ, mà chỉ tập trung hướng tới vẻ đẹp tiềm ẩn, sâu sắc, không xa hoa bóng lộn. Do vậy, đây cũng là một lựa chọn khá “hợp ví” dành cho các chủ quán cafe.

Phong cách mộc mạc (Rustic & Farmhouse Style)

Phong cách Rustic là cách bài trí và tối ưu không gian nhà ở với chất liệu gần như hoàn toàn tự nhiên, tôn vinh vẻ đẹp mộc mạc từ gỗ, đá, cây xanh, hoặc những nét trầm lắng của thời gian tác động lên tạo vật. 

Đây cũng là một khái niệm khá rộng, có thể bao hàm nhiều phạm trù nhỏ hơn trong lĩnh vực thiết kế nội thất – trong đó có phong cách Farmhouse với cực kỳ nhiều điểm chung.

Nguồn gốc phong cách Rustic bắt nguồn từ thế kỷ 19, khi một bộ phận người dân Mỹ muốn tự mình khai phá những vùng đất mới ở khu ngoại ô, tránh xa trung tâm thành phố sầm uất. 

Rất nhiều người trong số họ gần như không mang theo đồ đạc nhà cửa gì đáng kể, vì điều kiện và công nghệ không cho phép. Do vậy, khi dựng nhà ở, họ đã tận dụng mọi nguyên liệu có thể tìm được trong tự nhiên một cách khôn ngoan, tạo nên một tổ ấm đơn giản mà ấm cúng, là hiện thân đầu tiên của xu hướng Rustic Style sau này.

phong cách decor Farmhouse
Một ví dụ kết hợp giữa Rustic và Industrial.

6 đặc trưng của phong cách nội thất Rustic và hơi hướng Farmhouse:

  • Chất liệu thô tự nhiên: Sử dụng những đồ đạc có nguồn gốc nguyên liệu từ thiên nhiên (đá, gỗ, gốm) là điều tất yếu, đặc biệt ưu tiên tác động của thời gian như vết nứt, sờn, nhám, cổ kính trên bề mặt đồ vật.
  • Một chút hoang dã: Những chi tiết như gạc hươu treo trên tường, thảm lông, ghế bọc da thú sẽ tạo điểm nhấn rất rõ rệt.
  • Ưu tiên đồ thủ công, hạn chế nét hiện đại: Những chất liệu nhân tạo mới mẻ như sắt thép, nhựa hoặc đồ chế tác hiện đại là điều khá kỵ trong phong cách Rustic (dù đôi khi vẫn có những biến thể lai tạp một phần). 
  • Màu sắc mộc mạc: Các sắc thái như nâu, be, xám, xanh lục là tông chủ đạo làm nền cho lối decor Rustic, giúp tạo cảm xúc thư thái, nhẹ nhàng.
  • Cây xanh: Một vườn cây hoặc các chậu tiểu cảnh quanh nhà là chi tiết khó bỏ qua nếu bạn muốn theo đuổi phong cách Farmhouse. Hãy ưu tiên các loại cây leo, lá rủ để bổ sung nét mềm mại cho không gian, hoặc bện vòng lá làm phụ kiện decor quanh nhà.
  • Lò sưởi và mùi hương: Đây là 2 đặc trưng văn hóa lâu đời tại Mỹ để tạo sự ấm cúng và thoải mái cho không gian sống, càng được nhấn nhá rõ rệt hơn với phong cách Rustic. Nếu không có điều kiện làm lò sưởi, hãy dùng nến thơm để bù đắp cho yếu tố này.
quang cảnh chung của Oromia Coffee Tây Hồ
Oromia Coffee Tây Hồ với phong cách Rustic dễ thấy.

ĐỌC THÊM:


Phong cách Hygge/Scandinavia

Hygge là phong cách thiết kế nội thất bắt nguồn chủ yếu từ Hy Lạp, rộng ra là vùng Scandinavia (Bắc Âu), tái hiện một không gian thư thái, yên bình, nâng niu những cảm xúc tích cực trong đời sống hàng ngày. 

Trọng tâm của Hygge hướng tới sự đơn giản, nhẹ nhàng, êm đềm và ấm cúng, đặc tả văn hóa và lối sống ưa thích của người dân Hy Lạp.

(Ảnh: ArtStation)
(Ảnh: ArtStation)
phong cách decor Hygge

5 đặc điểm rõ rệt tạo nên phong cách Hygge:

  • Tông màu ấm và trung tính: Các mảng tường trắng kem sữa cùng tranh ảnh treo tường, đồ decor màu vàng ấm là combo quen thuộc của Hygge.
  • Gối ôm, chăn mỏng, thảm mềm: Những phụ kiện đặc trưng giúp xây dựng ấn tượng thân thiện và ấm áp cho không gian chung.
  • Đèn dây, nến, lò sưởi: Cứ thấy ánh sáng nhẹ và ấm từ nến, chuỗi đèn dây trang trí tường quán cafe hoặc treo trên thềm cửa sổ là liên tưởng ngay tới Hygge.
  • Mùi hương: Những sắc thái mùi có nguồn gốc từ các gia vị thiên nhiên như quế, cam, gừng, vanilla.
  • Một góc thư giãn nhỏ: Chủ nhà phong cách Hygge rất thích tạo một hoặc nhiều góc nhỏ để thả hồn đọc sách, nhâm nhi cafe hoặc làm bất cứ thứ gì mình thích. Những góc này sẽ được decor nhấn nhá hơn chút với tủ sách, ghế sofa hoặc dựng sát cửa sổ view đẹp.

Đây là một trong những phong cách quán cafe cực kỳ dễ thấy tại nước ta, có thể không mô phỏng sát 100% nhưng rất nhiều nơi chọn áp dụng xu hướng này cho không gian của mình.

Phong cách Bohemian

Phong cách Bohemian (hay Boho) là một trường phái thiết kế nội thất gắn liền với các tông màu tươi tắn cùng họa tiết đa dạng, toát lên xu thế phóng khoáng vì Bohemian có thể lấy cảm hứng từ mọi ý tưởng và trào lưu trên thế giới.

Tuy nhiên, đừng lầm tưởng rằng phong cách Bohemian là một nồi lẩu thập cẩm, vì nó vẫn có những đặc trưng cố định về cách kết hợp chi tiết và phụ kiện decor khi áp dụng trong thiết kế không gian.

Nhìn chung, Bohemian có tính chất ngược với phong cách tối giản, bởi bạn có thể sáng tạo tùy thích và “nhồi nhét” một cách thông minh để làm nổi cá tính riêng của mình.

phong cách decor nhà ở Bohemian

7 đặc trưng của phong cách Bohemian:

  • Màu sắc phong phú: Bohemian không có quy chuẩn về tông màu chủ đạo cố định nào cả, nhưng sẽ ưu tiên các tông sáng, tươi tắn đặc thù của các loại đá quý (xanh lục bảo, đỏ hồng ngọc, tím thạch anh,…)
  • Kệ tủ bày đồ trang trí hay lưu niệm từ nhiều nơi trên thế giới (toát lên nét linh hoạt của Bohemian vốn kết hợp các nền văn hóa và gu thẩm mỹ khác nhau).
  • Phụ kiện dệt từ vải, lụa, bạt, nhung, len với họa tiết ngẫu hứng và sặc sỡ, để decor tường quán cafe hoặc làm khăn trải – thường được làm thủ công, có nét hội họa từ văn hóa Ba Tư cũ.
  • Decor với tượng điêu khắc, tranh, thảm, macrame và đồ gốm – ưa chuộng hình thức “2nd-hand” một chút để tạo nét vintage, không nên quá mới và bóng lộn.
  • Cây cảnh (giống cây lưỡi hổ, huyết dụ, thường xuân, hoặc đơn giản là tiểu cảnh) giúp tạo điểm nhấn trong màu sắc và không khí.
  • Bàn ghế thấp, dài, làm từ chất liệu tự nhiên (gỗ, mây, liễu gai), đặt nhiều đệm và gối, phối nhiều màu sắc và họa tiết khác nhau để tạo không gian vui tươi, thân thiện.
  • Ánh sáng vàng ấm từ nến, đèn chùm, đèn lồng hoặc đèn bàn nhỏ.

Phong cách đặc trưng theo vùng & quốc gia

Nếu không muốn theo những phong cách decor trên (thường bắt nguồn từ trào lưu lịch sử hoặc trường phái nghệ thuật lớn), bạn có thể mô phỏng không gian theo đặc trưng văn hóa của một khu vực vùng miền nhất định – nhất là những thành phố hoặc quốc gia có nhiều điểm nhấn độc đáo trong thiết kế nội thất.

Dưới đây là một vài ví dụ tham khảo kiến trúc từ các địa danh nổi bật trên thế giới để trang trí quán cafe:

Santorini (Hy Lạp)

quán cafe phong cách Santorini
(Ảnh: Alonesia)
(Ảnh: GetLost)

Rome (Italy)

quán cafe ở Rome, Italy
(Ảnh: The Cultrure Trip)

London (Anh)

quán cafe ở London
(Ảnh: Brickwood London)

Paris (Pháp)

quán cafe ở Paris, Pháp
(Ảnh: Parade.com)

Mexico

nhà hàng phong cách Mexico
(Ảnh: Eater Chicago)

Lưu ý: Những hình ảnh và ví dụ trên có thể chỉ phản ánh một phần đặc trưng decor của địa danh gốc được nhắc đến.


ĐỌC THÊM:


3 Quy Tắc Cần Nhớ Khi Chọn Phong Cách Decor Quán Cafe

Phù hợp mục tiêu và chủ đề thương hiệu 

Mọi quyết định liên quan đến khâu thiết kế quán cafe đều có mối liên hệ mật thiết đến mục tiêu và mô hình kinh doanh – cụ thể là thị trường ngách và tính chất khách hàng tiềm năng. 

Không chỉ giúp gây ấn tượng với khách và thuyết phục họ gắn bó lâu dài, thiết kế quán cafe còn phản ánh chủ đề thương hiệu, tăng cường trải nghiệm và in đậm hình ảnh đó trong tâm trí mọi người.

Kiểm soát ánh sáng phù hợp

Trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kỹ năng làm chủ ánh sáng là điều quan trọng nhất để tạo nên một bức hình đẹp. Mắt người cũng tương tự: Bạn không thể khiến quán cafe của mình trở nên lung linh trong mắt khách hàng nếu không biết tính toán hệ thống ánh sáng phù hợp.

Những trường phái thiết kế nội thất được giới thiệu bên trên cũng có nhắc qua về đặc trưng tông màu ánh sáng cho từng phong cách – nhưng vậy là chưa đủ. Để gây ấn tượng tốt nhất, mỗi chủ quán phải tự biết cách điều chỉnh cả cường độ và mật độ đèn, hoặc kết hợp thông minh giữa ánh sáng nhân tạo và tự nhiên.

Tối ưu góc sống ảo

Thế giới đang xoay chuyển rất nhanh với sự thống trị của Internet, từ đó nhu cầu chia sẻ và kết nối cá nhân cũng ngày một tăng cao. Hơn nữa, mong muốn của người dùng dịch vụ ngày nay không đơn thuần là đồ ăn/uống ngon, mà còn phải thêm trải nghiệm đa dạng để cảm thấy thỏa mãn trọn vẹn.

Vì vậy, việc tạo các góc decor nổi bật để sống ảo quanh quán là nước đi thông minh, vừa làm nổi không gian, vừa kích thích hiệu ứng “marketing 0 đồng” tự nhiên từ khách hàng khi họ đăng tải lên mạng xã hội.


ĐỌC THÊM:


Trên đây là tổng hợp 12 cách trang trí quán cafe đẹp và phổ biến nhất hiện nay, chắc hẳn sẽ giúp ích phần nào cho các chủ quán có thêm ý tưởng thiết kế hoặc sửa sang không gian. 

Tất nhiên, mỗi người trong chúng ta hoàn toàn có thể tự tin thử nghiệm, kết hợp chi tiết từ vài phong cách khác nhau theo ý muốn của mình để tạo nên một “chất” riêng độc đáo không đụng hàng cho thương hiệu.

Dù là decor quán cafe vintage thuần túy, hay kết hợp thêm phong cách Rustic để tăng hiệu ứng hoài cổ và hòa mình với thiên nhiên – tất cả chỉ bị giới hạn bởi óc sáng tạo của bạn mà thôi.

Tham khảo: Masterclass, The Spruce