Tương lai u ám của ngành cà phê toàn cầu do tác động của biến đổi khí hậu

Dự đoán mới nhất về hậu quả của môi trường xuống cấp trên Trái Đất chắc chắn sẽ khiến các tín đồ yêu cafe phải giật mình: Tổng diện tích nuôi trồng cafe trên toàn cầu hiện nay có thể giảm tới 50% nếu tình hình biến đổi khí hậu không được cải thiện!

Brazil, quốc gia đứng đầu bảng thế giới về sản lượng cà phê hàng năm, sẽ hứng chịu thiệt hại cực kỳ nặng nề – dự kiến mất khoảng 79% đất canh tác cà phê. 

Đây là kết luận đến từ các nhà khoa học Thụy Sỹ khi nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu lên các loại cây trồng như cà phê, hạt điều, bơ. Cả 3 giống cây này đều đóng góp một phần không nhỏ vào thị trường xuất khẩu tới từ các nước thuộc vùng nhiệt đới.

cành cây cà phê
Sản lượng cà phê toàn cầu đang đối mặt với nhiều nguy cơ trầm trọng. (Ảnh: Daniel Reche)

Trong đó, cà phê dẫn đầu về tiềm năng kinh tế với tổng doanh thu toàn cầu dự kiến đạt 460 tỷ USD trong năm 2022. Hạt điều và bơ đứng ở vị thế khiêm tốn hơn khá nhiều: Lần lượt 6 tỷ và 13 tỷ USD.

Về điều kiện nuôi trồng, cà phê đòi hỏi rất nhiều tính chất phức tạp, đặc biệt là khâu chọn lọc đất trồng lý tưởng, sau là cách chăm sóc trong suốt quá trình phát triển. Vì vậy, khi tình trạng biến đổi khí hậu không được ngăn chặn hiệu quả, dẫn tới mực nước biển tiếp tục dâng cao, diện tích đất trồng phù hợp cho cà phê sẽ sụt giảm đến mức chóng mặt. 

Trước đây cũng đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra tầm quan trọng của những loại cây lương thực như lúa mì, ngô, khoai tây… và viễn cảnh sụt giảm sản lượng tương tự trong tương lai về một Trái Đất ngập mặn. 

Ở một diễn biến khác, mặc cho hiệu ứng nhà kính khiến Trái Đất nóng lên đang là dấu hiệu báo động cho thị trường cafe ở Brazil, đây lại trở thành một “lợi ích” bất đắc dĩ cho một số vùng canh tác tại Trung Quốc, Mỹ hay Argentina – nơi mà ảnh hưởng khí hậu biến đổi sẽ không quá đáng ngại.

Dù vậy, lý thuyết trên chắc chắn không phải lý do để chúng ta ăn mừng, vì một tương lai u ám đang cập bến gần kề nếu thế giới tiếp tục thờ ơ với hậu quả tàn phá môi trường. 

Giá xăng hiện nay tăng lên đã đủ khiến nhiều người chóng mặt, thử tưởng tượng một cốc cafe cũng đắt lên gấp 2, gấp 3 thì sao nhỉ? Có lẽ khi đó nhân loại sẽ coi cafe như một món đồ uống cao cấp hoàn toàn, sánh tầm với những chai rượu ủ lâu năm không biết chừng.

Tương lai ảm đạm: 60% chủng hạt cà phê trên bờ tận diệt

Không chỉ khiến cho diện tích đất canh tác cà phê sụt giảm, biến đổi khí hậu còn làm tăng cao xác suất nhiễm bệnh cho cây trồng.

Một trong những triệu chứng khiến nhiều chủ đồn điền cà phê đau đầu nhất là bệnh “gỉ sắt”, từng hoành hành rất mạnh ở châu Phi, châu Á, lan sang Nam Mỹ thời đầu thế kỷ 20, tới nay vẫn còn liên lụy ở một số vùng trên thế giới. Nguyên nhân đến từ một loại nấm, khi đó lá của cây nhiễm bệnh sẽ xuất hiện các vệt y hệt như gỉ sắt.

Lá cà phê bị bệnh gỉ sắt. (Ảnh: Communicaffe International)

Năm 2011-2012, các vụ mùa cà phê tại Trung Mỹ chịu ảnh hưởng cục kỳ nặng nề từ bệnh lá gỉ sắt, khiến 1,7 triệu người thất nghiệp và hao hụt 3,2 tỷ USD giá trị sản xuất.

Trong 2 chủng hạt Arabica và Robusta phổ biến nhất hiện nay, Robusta có sức đề kháng đủ cao để ngăn chặn quá trình lây bệnh cho cây. Thông qua phương pháp thí nghiệm lai tạo cây giống, các nhà khoa học đã tạo ra thành công chủng Arabica lai, cải thiện chất lượng kháng bệnh so với trước.

Tuy nhiên, bấy nhiêu đó là chưa đủ để đối phó với biến đổi khí hậu và rủi ro mất đất canh tác. Arabica luôn “kén chọn” môi trường nuôi trồng, còn Robusta tuy khỏe trước bệnh gỉ sắt nhưng vẫn lép vế trước một số bệnh phức tạp khác. 

Trước tình thế này, các nhà khoa học dần để ý tới tiềm năng tận dụng sản lượng của các rừng cà phê tự nhiên – có thể hiểu nôm na là “cà phê dại”, tự sinh tự diệt trong môi trường tự nhiên, không gặp bất cứ tác động nào từ điều kiện nuôi trồng nhân tạo. 

Hiện cà phê tự nhiên vẫn đã và đang được khai thác cho mục đích thương mại, bù đắp cho sự thiếu hụt sản lượng ở một số địa phương. Các chủng cây này có đặc tính khá đa dạng về điều kiện nuôi trồng và cả khả năng chống sâu bệnh.

Dù vậy, các giống cà phê tự nhiên này thường chỉ tập trung ở một vài khu vực địa lý nhất định trên thế giới. Nếu những vùng này gặp ảnh hưởng tiêu cực bất ngờ về khí hậu hay sâu bệnh, chắc chắn cả rừng cà phê sẽ nhanh chóng bị “san phẳng” hàng loạt.

rừng cà phê tự nhiên
Người dân Ethiopia khai thác quả cà phê tự nhiên. (Ảnh: Efico)

Chưa hết, hành động thiếu suy nghĩ của con người cũng là tác nhân góp phần vào tương lai u ám này. Đã có nhiều tin tức ghi nhận về kế hoạch đốn hạ rừng và khai thác đất trồng cà phê tự nhiên để định cư hoặc lấy gỗ. 

Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều giống cà phê tự nhiên đã biến mất khỏi bản đồ Trái Đất từ nhiều thập kỷ, tất cả xuất phát từ những mục đích tư lợi kể trên.

Đối với những giống cây may mắn còn tồn tại, chúng ta vẫn cần hết sức cẩn trọng bởi hạt cà phê không dễ bảo quản như nhiều loại hạt cây khác. Các hình thức như phòng trữ đông hay vườn sinh học cũng khó có thể trở thành phương án lâu dài lý tưởng.

Từ những dữ liệu trên, nghiên cứu thực hiện bởi Kew Royal Botanic Gardens (Anh) đã kết luận: Có tới hơn 60% chủng loại cà phê trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng!


ĐỌC THÊM:


Hy vọng le lói cho ngành nuôi trồng cà phê 

Bất chấp viễn cảnh tăm tối đang khiến nhiều tín đồ cafe ám ảnh, các nhà khoa học đang cố gắng hết sức để tạo ra những giống cây trồng khỏe hơn, có khả năng chống chọi tốt với cả sâu bệnh lẫn điều kiện khí hậu phức tạp, đồng thời duy trì được hương vị chuẩn như kỳ vọng.

Dĩ nhiên, rất khó để tìm ra lời giải cho bài toán kết hợp được mọi yếu tố lý tưởng trên vào một chủng cà phê. May mắn thay, nhóm nghiên cứu tại Kew Royal Botanic Gardens do Tiến sỹ Aaron Davis lãnh đạo đã công bố một phát hiện đột phá vào năm 2021: Coffea Stenophylla.

Coffea Stenophylla là một giống cây cà phê tự nhiên được tìm thấy lần đầu ở Sierra Leone vào năm 1834, rồi nhân giống và nuôi trồng ở nhiều khu vực trực thuộc Tây Phi. Đến đầu thế kỷ 20, Coffea Stenophylla trở nên lép vế trước sản lượng vượt trội của chủng hạt Robusta, nhanh chóng bị thay thế và lãng quên tại các đồn điền, chủ yếu chỉ còn các cá thể phát triển tự nhiên trong rừng tại Guinea, Sierra Leone và Bờ Biển Ngà. 

Sau đó, nạn phá rừng diễn ra thường xuyên khiến xác suất tìm lại Coffea Stenophylla ngày một khó khăn. Mãi tới tận năm 2020, Tiến sỹ Aaron Davis mới thành công trong việc tái phát hiện Coffea Stenophylla và mang về mẫu 10g hạt để thẩm định chất lượng.

coffea stenophylla tìm thấy ở Bờ Biển Ngà
Coffea stenophylla tìm thấy bởi Tiến sỹ Aaron ở Bờ Biển Ngà. (Ảnh: Aaron Davis)

Từ thế kỷ 19, danh tiếng hương vị của Coffea Stenophylla đã lan rộng, được đánh giá rất cao so với mặt bằng chung. Hơn nữa, chủng cà phê này còn chịu hạn hán giỏi và đối phó tốt với bệnh lá gỉ sắt.

Trở lại mẫu hạt mà Tiến sỹ Aaron đem về Anh, ông đã nhờ 5 chuyên gia thẩm định cafe nhận xét chất lượng – kết quả thực sự ấn tượng, vượt kỳ vọng của toàn bộ nhóm. 

Tiếp đến, một cuộc khảo sát tương tự về chất lượng của chủng hạt Stenophylla được diễn ra tại Pháp, tổ chức bởi Delpine Mieulet – đồng nghiệp của Tiến sỹ Aaron. Lần này, có tổng cộng 18 chuyên gia được mời đến, tham gia vào hình thức “blind test”, tức nếm thử hương vị trước mà không biết gì về thông tin nguyên liệu đồ uống.

Nhóm đánh giá đều thống nhất nhiều ưu điểm của Coffea Stenophylla: Vị đậm đà, ngọt tự nhiên, độ chua trung bình cao – rất giống với những chủng Arabica cao cấp. Bất ngờ hơn, 47% các thành viên tham gia đánh giá thậm chí còn khẳng định Coffea Stenophylla có nét khác biệt hẳn so với Arabica, là tiền đề để khai thác như một ngách hương vị cafe độc đáo mới!

Một phiên thẩm định hương vị cafe Stenophylla. (Ảnh: Aaron Davis)

ĐỌC THÊM:


Cho tới nay, chưa một giống cafe nào làm được như Stenophylla: Chính thức sánh ngang với Arabica về hương vị. Điều này khiến giới chuyên gia cafe rất hứng thú, vì Stenophylla và Arabica không hề có họ hàng gần với nhau. Cụ thể, chúng không có cùng hình thức, bắt nguồn từ 2 vùng địa lý cách xa đối lập nhau tại châu Phi, với thời tiết và khí hậu phân hóa rõ rệt.

  • Arabica: Xuất xứ ở Ethiopia và Nam Sudan, chỉ thích khí hậu cao nguyên mát mẻ, độ cao lý tưởng trên 1500m, ưa nhiều ánh sáng, vỏ quả chín màu đỏ.
  • Stenophylla: Xuất xứ tại Guinea, Sierra Leone và Bờ Biển Ngà, nơi có khí hậu nóng, ít mưa hơn, độ cao thấp so với mực nước biển, vỏ quả chín màu đen.

Robusta có nhiều điểm tương đồng với Stenophylla về sức chịu đựng và điều kiện nuôi trồng, nhưng hương vị lại có chút “khiêm tốn” và kén người dùng hơn. Do vậy, có thể nói Stenophylla là một biến thể thỏa mãn được nhiều ưu điểm kết hợp giữa Robusta và Arabica: Vừa sống dai sống khỏe, vừa thơm ngon dễ uống.

Nhược điểm duy nhất của Stenophylla là sản lượng trung bình chưa bằng Arabica, nhưng vẫn không phải một vấn đề quá lớn để khắc phục.

Hiện nay, các nhà khoa học đang cân nhắc lai tạo Stenophylla với Arabica, hoặc Stenophylla với Robusta, tạo ra các chủng cà phê mới, hội tụ những đặc tính có lợi nhất. Tiến sỹ Aaron cũng nhận định Stenophylla như một niềm hy vọng quý giá cho tương lai của ngành thương mại cà phê toàn cầu vậy.

Tham khảo: TheConversation