Top 5 artist nhạc chill US-UK đảm bảo Gen Z nào cũng thích khi đi cafe

Trong số những hạng mục trải nghiệm tại quán cafe, âm nhạc là yếu tố không nên bị bỏ qua. Trên thực tế, rất nhiều nơi đã tận dụng điều này để tạo nên chất riêng ấn tượng và hiệu quả cho không gian quán.

Mỗi người trong chúng ta đều có lập trường riêng về thói quen, thể loại cũng như nghệ sỹ ưa thích. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng rất nhiều bạn trẻ, đặc biệt là Gen Z, đang ngày một hào hứng và ưa chuộng “nhạc chill” – thể loại chưa bao giờ ngừng hot, liên tục được chia sẻ và bàn tán rộng rãi.

Vậy mỗi chủ quán cafe nên chọn lọc playlist ra sao để thu hút tệp khách hàng Gen Z với sức tiêu thụ cafe tiềm năng nhất nhì hiện nay?

(Ảnh: juja han)

“Nhạc chill” là gì? Vì sao nhiều người thích thể loại nhạc này?

Nhạc chill (chill music hoặc chill-out music) là khái niệm chỉ chung mọi sản phẩm âm nhạc có tính chất dễ nghe, dễ thưởng thức, nổi bật với một số đặc trưng như:

  • Nhịp độ chậm hoặc trung bình, không quá 120 BPM
  • Âm điệu toát lên không khí thoải mái, thư giãn
  • Thường kết hợp hài hòa giữa phối khí điện tử và acoustic

Trên thực tế, “chill-out music” là cụm từ đã xuất hiện từ nhiều năm trước, không bị gán cho một thể loại nhạc cố định nào cả. Từ classical, dance, jazz, hip-hop, pop… – tất cả đều có thể trở thành hiện thân cho tính chất “chill”, tùy vào bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của producer.

Nguồn gốc của chill-out music

Tên gọi “chill-out music” có xuất xứ liên hệ mật thiết với thể loại ambient house – dung hòa giữa nhạc house sôi động và yếu tố nhẹ nhàng, du dương, đôi khi trừu tượng của nhạc ambient.

Ambient house bắt nguồn từ hộp đêm Heaven ở London vào năm 1989. Tại đây, một căn phòng mang tên The White Room sẽ được các DJ chơi nhạc riêng (chính là ambient house) với nhịp điệu chậm và khác biệt hơn, phục vụ khách hàng thích “đổi gió” sang âm điệu thư giãn, thay vì tràn ngập bởi sự hưng phấn và căng thẳng từ các track nhạc sôi động ở sàn nhảy chính bên ngoài.

heaven-night-club
Heaven nightclub ở London. (Ảnh: RockPeaks)

Tháng 2 năm 1990, Jimmy Cauty và Alex Patterson – 2 DJ chơi nhạc trong The White Room của hộp đêm Heaven – đã ra mắt album mang tên “Chill Out”, dần tạo dấu ấn đầu tiên cho ambient house trên thị trường âm nhạc. 

Giai đoạn 1995-2000 đi liền với sự suy giảm danh tiếng và thị hiếu dành cho ambient house do thị trường bão hòa. Tới những năm đầu thập niên 2000, thể loại này mới lại chứng kiến một bước biến chuyển lớn đáng kể.

Khi đó, các DJ của Café Del Mar – quán bar nổi tiếng tại Ibiza – đã kết hợp thêm nhiều yếu tố từ nhạc jazz, classical, Latin… vào ambient house. Họ gọi những bản mix này là “chill-out music”, với chất lượng và âm hưởng độc đáo như thể một cú đánh thức tỉnh cho công chúng yêu nhạc và cả các hãng thu âm nổi tiếng.

Từ đó, “chill-out music” đã thực sự trở thành một thể loại riêng, tách biệt hẳn khỏi gốc gác ambient house trước đó. Mặc dù không nhận được cái nhìn tích cực từ giới phê bình âm nhạc thời bấy giờ, chill-out music vẫn thu hút đông đảo sự chú ý, tràn ngập các chương trình radio, lễ hội âm nhạc và hàng nghìn album trên thị trường.

Một số thể loại phân nhánh từ chill-out music

Năm 2009, khái niệm nhạc “chillwave” bất ngờ trở nên phổ biến. Đây chỉ là cụm từ được bịa ngẫu hứng trong bài viết của một tác giả giấu tên trên trang Hipster Runoff – blog chuyên về văn hóa trào phúng và nhạc indie. Còn lại, về bản chất, chillwave có định nghĩa không khác gì thể loại dream pop đã có mặt lúc đó.

*Dream pop là thể loại nhạc nổi tiếng với âm điệu vocal lồng ghép nhịp thở mềm mại của ca sỹ, pha trộn hài hòa với hiệu ứng sonic, reverb, echo mật độ cao trên trên toàn bài, tạo nên trải nghiệm giai điệu “say sưa chìm đắm” cho người nghe. Một số nghệ sỹ phổ biến của dòng nhạc dream pop: Lana Del Rey, Cigarettes After Sex, Lorde…

Lana Del Rey
Lana Del Rey – “nàng thơ” nổi tiếng với những sản phẩm Dream Pop đương đại. (Ảnh: El Español)

Mặc dù “chillwave” chỉ là một từ gọi vui mồm từ tác giả blog, không có ý đồ sâu xa nào, nhưng nhiều trang tin khi đó bỗng đồng loạt bắt trend, bình luận rất nghiêm túc về nó. Không ít thì nhiều, hiện tượng này đã giúp lan tỏa khái niệm chillwave rộng rãi tới công chúng.

Năm 2010, các nền tảng dịch vụ music-streaming dần nở rộ mạnh mẽ, tạo điều kiện cho sự ra đời của nhiều tên gọi và thể loại phân nhánh nhỏ hơn khác bắt nguồn từ chill-out music. Chẳng hạn: Lo-fi Hip-hop hay Chillhop…


ĐỌC THÊM:


5 nghệ sỹ US-UK với màu nhạc chill mê hoặc Gen Z

Trước khi đi vào chi tiết, hãy cùng lướt qua 2 lý do và tiêu chí giải thích vì sao những cái tên này được chọn:

  • Quen thuộc với Gen Z: Tất cả đều là những gương mặt đã có danh tiếng và sức ảnh hưởng nhất định đối với cộng đồng Gen Z yêu thích chill-out music.
  • Hòa hợp với Gen Z: Nội dung lồng ghép trong mỗi sản phẩm đều thuộc những chủ đề gần gũi với giới trẻ, tâm sự về lối sống, tình cảm và trải nghiệm; bởi họ – tuy không thực sự nằm trong độ tuổi Gen Z theo lý thuyết – nhưng vẫn rất trẻ, cùng chung cách nghĩ với thế hệ Z, thêm chút phần trưởng thành và chín chắn.

Trên hết, danh sách Top 5 này cũng chịu tác động một phần từ ý kiến chủ quan của tác giả bài viết. Vì vậy, các bạn hãy cùng tiếp nhận thông tin một cách khách quan và vui vẻ nha.

LANY

Mở đầu danh sách là LANY – nhóm nhạc chưa bao giờ thất bại trong việc chiếm cảm tình khổng lồ từ fan hâm mộ. Thành lập từ năm 2014, đã 8 năm trôi qua nhưng LANY vẫn liên tục khiến khán giả bất ngờ với chất nhạc mới mẻ, trẻ trung của mình.

Sau thành công nổi trội với bản hit “ILYSB” vào năm 2015, tới nay LANY đã có 4 album với nhiều dấu ấn mạnh mẽ, tất cả đều khắc họa tâm sự về tình yêu tuổi trẻ một cách nhẹ nhàng, sinh động và đa màu sắc. 

LANY
(Ảnh: Billboard)

Chuyện tình của những nhân vật chính nhắc đến trong từng bài hát của LANY có thể tổng hợp thành một tiểu thuyết cũng nên. Từ lời yêu nồng nhiệt của một anh chàng luôn coi nửa kia là cả thế giới, tới một bad boy ngầm nhưng không dám thừa nhận bản chất, rồi đến kẻ thất bại trong việc níu giữ hy vọng cuối cùng của mối quan hệ…

Với tuyển tập khắc họa đa dạng sắc thái tình yêu tuổi trẻ như vậy, không khó hiểu khi nội dung từng bài hát rất ăn nhập với suy nghĩ của Gen Z – những tấm chiếu mới đa phần còn loay hoay trước cả ngưỡng cửa cuộc sống và tình cảm lứa đôi.

Về chất nhạc, LANY sở hữu một phong cách riêng với nhiều ưu điểm rất “chill”:

  • Giai điệu đồng đều, thoải mái
  • Âm hưởng chung tạo cảm hứng thư giãn vui tươi, bất kể nội dung vui hay buồn
  • Phối khí đơn giản mà hiệu quả, chủ yếu là nhịp trống nhẹ nhàng, đệm cùng piano hoặc âm guitar điện được làm dịu bởi hiệu ứng distortion
  • Vocal lồng hiệu ứng reverb siêu nhẹ và tinh tế, nghe rất mềm mại tình cảm – đậm nét signature của LANY, khó lẫn với bất kỳ ai khác

Những đặc trưng trên được thể hiện rất rõ trong giai đoạn hoạt động của LANY từ năm 2018 trở lại đây, cụ thể là album “Malibu Nights” và “Mama’s Boy”. Bật mí thêm: Các phiên bản “stripped” (tiết giảm nhịp trống và bass, chỉ giữ lại âm điệu acoustic cơ bản cho cả phối khí và vocal) của LANY thường hay hơn bản thu âm gốc khá nhiều. 

Ngoài ra, giọng vocal chính của LANY rất tròn vành rõ chữ theo nghĩa đen, cực kỳ hợp với những ai thích nghe hiểu trọn vẹn lời bài hát hoặc thậm chí nhép theo để học phát âm (tất nhiên sẽ cần một chút vốn từ tiếng Anh làm nền tảng).

Top 5 bài hát đáng nghe nhất của LANY:

Lauv

Tiếp tục là một tên tuổi vốn chẳng còn xa lạ chút nào với Gen Z bất kể ở Việt Nam hay thị trường nhạc US-UK. Chất nhạc của Lauv khá giống LANY, cũng mang nhiều ưu điểm về giai điệu bắt tai, nhẹ nhàng, chất chứa nhiều tâm tư tình cảm đôi lứa – không khó hiểu khi 2 anh chàng vocal chính đã có một màn collab siêu thành công với bản hit “Mean It” vào năm 2019.

Lauv
(Ảnh: Billboard)

Tuy nhiên, Lauv cũng tự tạo ra cho mình những điểm khác biệt riêng:

  • Tiết tấu nhanh hơn một chút, gần giống các bài Pop thị trường
  • Chất giọng vocal cao, lắt léo uyển chuyển
  • Tận dụng nhiều âm trống, bass và distorted sound
  • Rất biết cách xây dựng cao trào hoặc tạo bước ngoặt trong nhịp điệu bài hát để nhấn mạnh cảm xúc

Top 5 bài hát đáng nghe nhất của Lauv:

Jeremy Zucker

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, Jeremy Zucker được đánh giá khá cao về tần suất ra mắt sản phẩm mới, nhưng tổng quan sự nghiệp ca hát lại không quá sáng chói trong mắt công chúng cũng như trên bảng xếp hạng US-UK.

Dù chưa lấy được cảm tình từ giới phê bình âm nhạc, Jeremy Zucker vẫn kịp có cho mình những bản hit trong lòng giới trẻ – nổi bật nhất là những single như “comethru”, “all the kids are depressed” và “you are good to me”.

Jeremy Zucker
(Ảnh: popspoken)

Màu sắc âm nhạc đặc trưng của Jeremy Zucker:

  • Tính chất phối khí thường toát lên vẻ mộng mơ, lời nhạc như đang tâm sự chân thành, dễ nghe dễ hiểu
  • Vocal đơn giản nhẹ nhàng, giọng mũi mượt mà là điểm mạnh thường thấy
  • Nội dung thường nhuốm màu buồn nhẹ hoặc đôi chút nổi loạn tuổi trẻ, chủ yếu xoay quanh các vấn đề tình cảm và tâm lý

Top 5 bài hát đáng nghe nhất của Jeremy Zucker:

Sasha Sloan

Nếu bạn không thực sự hợp gu với chất nhạc “chầm zn” khác lạ của Billie Eilish, hãy thử một lần làm bạn với playlist của Sasha Sloan – cô nàng gốc Nga với giọng hát mềm ngọt như rót mật vào tai.

Giống Jeremy Zucker, dù sản phẩm không lấn át rõ rệt trên các bảng xếp hạng mainstream nhưng đối với một bộ phận lớn giới trẻ, Sasha Sloan vẫn là cái tên không thể không nhắc tới. 

Thể hiện sở thích với âm nhạc từ lúc mới lên 5, Sloan đã sớm tự lập khi khăn gói tới Mỹ vào năm 19 tuổi, làm phục vụ ở một quán cafe để kiếm tiền nuôi dưỡng đam mê.

Năm 2015, Sasha Sloan bắt đầu hoạt động âm nhạc nghiêm túc – vừa tự sản xuất, vừa tham gia viết nhạc cho loạt tên tuổi nổi tiếng như Idina Menzel, Steve Aoki, Camila Cabello. Tuy nhiên, 2017-2018 mới là giai đoạn chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của Sasha Sloan khi góp giọng và ra mắt loạt track bùng nổ: “This Town” (prod. by Kygo), “Runaway”, “Older”.

Sasha Sloan
(Ảnh: LYFSTYL)

“Older” khi đó trở thành một cú hit, bởi nó kể lại từng mảng ký ức của Sloan khi chứng kiến bố mẹ ly dị, gia đình tan vỡ. Khác với tông màu than thở buồn bã thường thấy, đoạn chorus của “Older” lại khắc họa một góc nhìn trưởng thành, chín chắn của Sloan khi chấp nhận thực tế, thấu hiểu hoàn cảnh của người lớn nói chung và bố mẹ mình nói riêng.

Tự nhận là một “sad girl”, dù vẫn ở độ tuổi rất trẻ nhưng Sloan không hay kể những câu chuyện trải nghiệm sống màu hồng. Có lẽ chính điều đó đã khiến nhiều Gen Z cảm thấy đồng cảm, nhất là những ai đang cảm thấy ngột ngạt khó thở bởi áp lực cuộc sống. Album đầu tay chính thức mang tên “Only Child” (2020) thực sự mang nhiều dấu ấn cá nhân rõ rệt của Sloan về cả phong cách và ý nghĩa sâu xa được truyền tải.

Đặc trưng màu sắc âm nhạc của Sasha Sloan:

  • Thường mang âm hưởng da diết buồn bã, đôi khi ngoại lệ là ballad trữ tình tươi sáng hơn chút
  • Tiết tấu chậm, phối khí êm đềm theo hướng acoustic (chủ yếu guitar và piano, chỉ đệm drum hoặc bass nhẹ nhàng) 
  • Nội dung lyrics được đầu tư kỹ càng, lời kể chân thật, gần gũi trong chuyện tình cảm và vốn sống theo từng giai đoạn trưởng thành
  • Chất giọng da diết, có chút độ khàn (có lẽ do edit) nhưng vẫn luyến láy mềm mại sâu lắng, đặc biệt phát âm rất chuẩn và rõ chữ

Top 5 bài hát đáng nghe nhất của Sasha Sloan:

Keshi

Cái tên cuối cùng sẽ mang nhiều nét độc đáo và bất ngờ hơn cả, bởi anh chàng này mang dòng máu gốc Việt – một sự thật ít người biết về Keshi.

Giọng ca sinh năm 1994 – tên thật: Casey Luong – vốn sinh ra và lớn lên tại Texas (Mỹ), lên 13 tuổi đã dần thể hiện đam mê với âm nhạc khi tự học guitar, một phần đến từ lý do khá hài hước nhưng cũng hợp lý khỏi bàn: Biết chơi đàn để… tán gái dễ hơn.

Lên đại học, Keshi chia sẻ những sản phẩm âm nhạc cá nhân trên SoundCloud, tất cả vốn kiến thức đều học trên YouTube, từ sản xuất, viết lời, thu âm và chỉnh sửa. Dần dần, giọng hát mơ mộng cùng giai điệu lo-fi êm đềm đã nhận được nhiều sự hưởng ứng, dẫn đến những hợp đồng nghiêm túc và quyết định bỏ nghề nghiệp ổn định để theo đuổi đam mê âm nhạc của Keshi.

Keshi
(Ảnh: Live Nation Asia)

Nickname “Keshi” là tên gọi mà bố mẹ bạn gái Mai đặt cho, vẫn luôn được dùng trong mọi cuộc giao tiếp hàng ngày giữa họ (có vẻ là cách nói đùa thay thế  âm “s” và “sh” từ “Casey” sang “Keshi” trong tiếng Anh). Casey và Mai là bạn thanh mai trúc mã từ thuở lớp 5-6, tới năm 2020 đã chính thức đính hôn.

Chất nhạc đặc trưng của Keshi:

  • Vocal tươi sáng mơ mộng nhưng melody ám màu buồn da diết
  • Nội dung tràn ngập chủ đề tình yêu nhưng mang màu sắc ảm đạm – trái ngược với thực tế về mối quan hệ siêu tốt đẹp với bạn gái
  • Phối khí đa dạng chủ yếu từ giai điệu guitar acoustic, nhịp bass lo-fi chậm đều, đệm snare drum thanh mảnh, cùng một số âm điệu “nhà làm” lạ tai theo xu hướng Bedroom Pop

Top 5 bài hát đáng nghe nhất của Keshi:

(+1 Bonus) John K 

Lý do John K không góp mặt trong Top 5 chính thức bên trên là bởi năm nay anh đã chạm ngưỡng 32 tuổi (sn. 1990) – hơi xa so với độ tuổi trung bình của Gen Z – và cũng không hoạt động âm nhạc quá sôi nổi.

Dù vậy, ngoại hình lãng tử và chất nhạc của John K vẫn mang màu sắc rất trẻ trung và năng động. Lâu lâu anh chỉ “són” ra một hai bài thôi nhưng rất dễ trở nên viral với thế hệ fan trẻ tuổi.

Nhìn chung, có khá nhiều điểm chung giữa John K và Lauv, bao hàm cả chất giọng và phong cách phối khí. Tuy nhiên, nhìn kỹ hơn thì John K ưa chuộng tempo ổn định, giai điệu vui tươi bắt tai, tiết tấu đều đặn, ít tạo điểm nhấn lắt léo hoặc đột ngột trong bài.

John K
(Ảnh: Rolling Stone)

Top 5 bài hát đáng nghe nhất của John K:


Trên đây là danh sách 5 (+1) nghệ sỹ US-UK với chất nhạc chủ đạo rất ăn nhập với sở thích Gen Z hiện nay. Mong rằng mọi người sẽ có thể cùng chia sẻ playlist và bỏ túi thêm được nhiều sản phẩm âm nhạc hợp gu. Hoặc nếu bạn đang làm chủ một quán cafe, đừng ngại tận dụng những điều trên để làm mới không gian và trải nghiệm dịch vụ của mình nha 😉