Éo le khi kinh doanh F&B: 7 hoàn cảnh bất cứ ai cũng có thể gặp phải

* Bài viết được trích dẫn từ nội dung gốc của anh Brian Dang, đã qua trau chuốt câu từ để giúp độc giả tiếp thu tốt hơn


Brian may mắn gặp được nhiều bạn kinh doanh F&B đủ mọi sản phẩm và nhiều loại hình kinh doanh. Có những bạn rất giỏi, thậm chí giỏi nhiều mảng từ việc tạo ra sản phẩm chất lượng đến marketing và vận hành quán lên chuỗi đều rất hiệu quả – nhưng nhìn chung các bạn vẫn thường mắc phải nhiều vấn đề khá giống nhau. Những hoàn cảnh bất lợi này sẽ giới hạn sự phát triển của chính bản thân các bạn và cả hệ thống hiện tại.

Vì vậy, trong bài viết này, Brian sẽ chia sẻ đến các bạn thực trạng cũng như cách khắc phục cho mỗi hoàn cảnh cụ thể, nhằm giúp bạn có thể tự tin vượt qua khó khăn khi kinh doanh F&B.

1. Khởi nghiệp kinh doanh F&B không được gia đình ủng hộ

Nhiều bạn chọn con đường khởi nghiệp trong khi đang có công việc ổn định và lương cao ở công ty. Quyết định từ bỏ vùng an toàn để xây dựng công việc kinh doanh riêng đôi khi sẽ không nhận được sự ủng hộ từ người thân (cha, mẹ, anh em…) và cả những người xung quanh (đồng nghiệp, bạn bè).

(Ảnh: Tim Gouw)

Những lời nói dè bỉu, bàn lùi của người khác về áp lực quản lý và tài chính khi khởi nghiệp chắc chắn dễ khiến bản thân nản lòng. Thậm chí, không loại trừ khả năng bạn bị tác động tâm lý bởi tiêu chuẩn kép của người khác:

  • Mở quán đông khách vẫn bị chê “Đang làm công ty ngon giờ ra mở quán thức khuya dậy sớm chi cho cực vậy?”
  • Lỡ vấp ngã thất bại thì “Bảo rồi không nghe, vẫn cứng đầu làm giờ lãnh hậu quả!”

Nếu lỡ rơi vào tình trạng này, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, mọi thứ xung quanh đều tiêu cực, dễ từ bỏ giữa đường. Một số bạn khác bền bỉ hơn nhưng cũng không giữ được lâu, dễ chịu thua áp lực và bỏ cuộc ngay ở những tháng kinh doanh đầu tiên.

2. Hùn vốn cùng vợ/chồng hoặc anh chị em có tư duy chênh lệch

Đây là trở ngại rất lớn trong kinh doanh, trực tiếp hạn chế sự phát triển của thương hiệu – cũng là tình huống xảy ra nhiều nhất theo như Brian chứng kiến.

Vợ chồng hoặc anh em tuy làm chung với nhau nhưng có khác biệt lớn về tư duy sẽ dễ dẫn tới bất đồng quan điểm. Vì là người thân nên đã quá hiểu nhau về tính cách, sở trường, năng lực, tất cả tạo thành rào cản khuôn mẫu chủ quan và cứng nhắc trong suy nghĩ, khó có thể thay đổi và thuyết phục hiệu quả.

Đôi khi bạn có ý tưởng mới hay chiến lược marketing tiềm năng, nhưng tư duy của người đồng hành lại không phù hợp để tiếp thu (có thể yếu hơn hoặc giỏi hơn bạn). Họ sẽ liên tục bàn lùi hoặc không có ý ủng hộ quyết định đó. Dần dần, bạn trở nên trì trệ, không hứng thú sáng tạo cái mới vì quá mệt mỏi với việc thuyết phục người kia đồng ý.

3. Hùn vốn kinh doanh cùng bạn bè, đồng nghiệp

Khác với mục trên khi partner là người thân, mức độ gắn kết với bạn bè và đồng nghiệp sẽ mỏng manh hơn đáng kể, rất dễ kết thúc hợp tác chỉ sau một vài vấn đề xung đột thường xảy ra trong kinh doanh:

  • Bất đồng lợi ích (ăn chia lợi nhuận, vai trò cổ phần, vị trí chức vụ…)
  • Bất đồng tư duy phát triển (chiến lược làm ăn, quyết định thực thi…)
  • Mâu thuẫn về vai trò đóng góp của từng cá nhân (chênh lệch về công lao, trách nhiệm)
  • Áp lực từ hoàn cảnh (ảnh hưởng tới tâm lý vững vàng)
(Ảnh: Scott Graham)

4. Cả gia đình kinh doanh cùng nhau

Đừng lầm tưởng tình huống này giống với điều 2 phía trên, bởi thay vì làm với một số ít người thân, bạn và cả gia đình sẽ cùng chung tay điều hành thương hiệu, thậm chí cả họ hàng gần xa cũng có.

Mô hình công ty gia đình vốn không phải điều xa lạ, tức cả nhà cùng nhau điều hành thương hiệu. Mọi thứ đều được vận hành và triển khai bằng lời nói do người thân làm cùng nhau nên không xây dựng bộ nguyên tắc cụ thể, hoặc thường sẽ du di cho nhau trong công việc.

Nếu bạn đang sở hữu sản phẩm tốt, công việc kinh doanh này sẽ tương đối ổn, nhưng vẫn là bất khả thi để phát triển xa hơn về lâu dài.

Cơ chế vận hành theo quy mô gia đình chịu nhiều nhược điểm do thiếu quy chuẩn, khó giúp bạn phát triển và mở rộng kỹ năng. Rào cản lớn nhất chính là yếu tố con người, sự nể nang trong công việc và tư duy tổ chức không thực sự rõ ràng (vai trò chồng chéo lên nhau, ai rảnh thì nhảy vào).

5. Đơn độc trong quá trình vận hành và phát triển thương hiệu

Chọn khởi nghiệp kinh doanh F&B nhưng đi một mình, không có bạn đồng hành đôi khi làm chúng ta thấy đơn độc. Mọi quyết định trong kinh doanh đều xuất phát từ duy nhất bản thân bạn, không có sự tranh luận hay đóng góp từ người khác. Điều này khiến bạn không biết mình có đang làm đúng, hoặc có đang đi đúng hướng hay không…

nhân viên pha chế cà phê
(Ảnh: Quan Le)

Ngoài ra, kinh doanh đơn độc cũng rất dễ khiến ta rơi vào trạng thái mong manh, dao động tinh thần. Chẳng hạn:

  • Mất tự tin khi nhìn thấy những người xung quanh khởi nghiệp thành công, dẫn đến tâm lý tự ti khi gặp khó khăn trong kinh doanh, dễ nản, dễ bỏ.
  • Vừa chịu nhiều áp lực, vừa thiếu sự động viên và công nhận từ người khác cũng dễ làm bạn cảm thấy nhàm chán, lạc lõng trong công việc.

ĐỌC THÊM:


6. Tầm nhìn và tư duy bị giới hạn do ôm đồm quá nhiều việc

Để tiết kiệm chi phí trong thời gian đầu mở quán, chúng ta hay có thói quen thích làm hết mọi việc từ nhỏ đến lớn, từ sáng đến khuya. Khi đó, chắc chắn bạn sẽ thiếu đi những trải nghiệm mới quý giá trong khi thị trường F&B vẫn đang phát triển từng ngày, không kịp cập nhật chiến lược kịp thời để phát triển thương hiệu.

Những người làm chủ khi lỡ rơi vào hoàn cảnh này quá lâu sẽ hình thành một đặc điểm không tốt: Ít tin tưởng giao việc cho nhân viên, luôn cảm thấy bất an vì sợ không ai đủ năng lực đảm nhận vai trò mình đang làm, lúc nào cũng thấy sai sót ở những người khác, cầu toàn và kỹ tính với mọi thứ.

Thành thật mà nói, mở quán sợ nhất làm chủ không ra làm chủ, làm công không ra làm công, cứ lưng lửng nửa này nửa kia. Dẫu vậy, hầu hết ai làm chủ cũng trải qua giai đoạn này để có thể hiểu hết mọi ngóc ngách tính chất công việc.

7. Đứng núi này trông núi nọ, làm chủ nhiều ngành nghề

Trường hợp này đa phần rơi vào những ai kinh doanh cùng lúc nhiều lĩnh vực, và F&B chỉ là một ngành được chọn trong danh sách.

Quả thực, sẽ rất khó để làm nên một thương hiệu F&B thành công nếu thời gian của bạn bị phân tán cho nhiều tính chất ngành nghề khác nhau. Theo Brian, đa phần chặng đường này sẽ dừng lại ở một cột mốc nào đó, không thể phát triển tiếp, hoặc sẽ lấy doanh thu từ công việc khác để bù cho kinh doanh F&B.

(Ảnh: Trent Erwin)

Viễn cảnh lý tưởng nhất – nhưng cũng cực kỳ thách thức – là thiết lập được bộ máy nhân sự vận hành ổn định (như các công ty đa quốc gia hiện có hoặc xây dựng hệ sinh thái chung đa ngành phục vụ cho một tệp khách hàng trung thành). Có như vậy, bạn mới quản lý được thời gian và chuyên môn tốt hơn để tập trung vào những yếu tố tối quan trọng trong kinh doanh F&B.


Trên đây là 7 hoàn cảnh mà mỗi người làm chủ dịch vụ F&B rất hay gặp phải. Dù gian nan ra sao, hãy nhớ rằng mọi thứ đều có hướng giải quyết, mấu chốt vẫn là sự tỉnh táo và khả năng xác định mục tiêu rõ ràng. Quan trọng là bạn biết mình đang ở đâu, mình cần gì và phải làm gì để chạm đến vạch đích mơ ước. Chúc các bạn thành công!