Đau đầu vì khách “cắm rễ” lâu tại quán cafe: 2 lợi ích có thể bạn chưa biết

Câu chuyện khách hàng nán lại lâu, nhiều khi là cả ngày dài làm việc, đã trở thành một trong những chủ đề tranh luận sôi nổi nhất của các chủ quán cafe. Người cho rằng doanh thu sẽ bị ảnh hưởng nếu tình trạng trên kéo dài quá lâu, người khác lại thấy đây là dấu hiệu tích cực để khai thác và tối ưu lợi thế dịch vụ.

Đâu mới thực sự là quan điểm phù hợp nhất với đặc thù của ngành kinh doanh quán cafe? Dưới đây là tổng hợp những kết luận khách quan nhất từ nhiều góc nhìn, nhằm giúp mỗi chủ quán đưa ra những quyết định đúng đắn trên chặng đường phát triển thương hiệu.

Cách xử lý tình huống khi khách “cắm rễ” tại quán cafe

Khách dùng nhiều thiết bị tại quán

Không ít thì nhiều, việc sử dụng các thiết bị điện chắc chắn sẽ tiêu tốn chi phí vận hành. Tuy nhiên, công suất sạc dành cho laptop và điện thoại không thực sự đáng kể như bạn nghĩ. Hơn nữa, mỗi khách cũng có thể tự dùng pin sẵn có chứ không cắm sạc liên tục ngay từ khi bước vào quán.

khách làm việc ở quán cafe
(Ảnh: Thirdman)

Đối với các thiết bị khác như đèn và điều hòa, sẽ không sao nếu quán chỉ có 1 tầng. Trong trường hợp quán gồm nhiều tầng, hãy dự trù kỹ càng ngay từ khâu thi công và thiết kế không gian, giúp hạn chế mọi yếu tố bất lợi và tốn kém.

Chẳng hạn, bạn có thể làm tường kính lấy ánh sáng tự nhiên bù cho đèn, thiết kế không gian thoáng và mở để giảm nhu cầu lắp nhiều thiết bị riêng biệt cho từng phòng. Hoặc khi vắng khách, hãy bật điều hòa mức nhỏ, dùng quạt để phân tán hơi mát hiệu quả hơn thay vì bật toàn bộ điều hòa full công suất như khi đông người.

Khách ngồi quá lâu mà chỉ gọi 1 đồ uống

Có thể khách vô tình quên, có thể họ không muốn gọi thêm – tình thế nào cũng vẫn có cách xử sự tinh tế để gợi ý order tiếp mà không gây phật ý khách.

Đơn giản nhất là đào tạo nhân viên thường xuyên rót thêm nước lọc khi thấy khách đã dùng hết đồ uống, sau đó lựa lúc phù hợp để hỏi nhỏ “Anh/chị có muốn dùng thêm gì không ạ?”

Lưu ý: Bạn chỉ nên đưa ra gợi ý khi khách đã nán lại ít nhất khoảng 2-3 tiếng – thời gian vừa đủ hợp lý để họ cảm thấy khát/mệt và muốn tiếp thêm năng lượng.

Kể cả khi khách chưa chủ động gọi, hãy cứ rót nước lọc đều đặn cho khách. Việc này vừa không tốn nhiều chi phí mà lại tạo thiện cảm tốt, để khi gợi ý dùng đồ uống mới sẽ thuận tai hơn, khách nghe xong cũng dễ bị thuyết phục và không có cảm giác “đuổi khéo”.


ĐỌC THÊM:


Lợi ích sâu xa khi có khách ngồi lâu tại quán cafe

Trở thành “chim mồi” của quán

Đừng vội khó chịu nếu bắt gặp những vị khách ngồi lâu. Nếu họ đều hành xử văn minh hòa nhã và không ngồi chật kín toàn bộ quán, hãy coi đây là một lợi thế cho hình ảnh thương hiệu của bạn.

khách ngồi làm việc lâu tại quán cafe
(Ảnh: Veronica)

Việc khách nán lại lâu, nhất là trong những khung giờ vắng (giữa trưa hoặc chập tối), có thể trở thành “chim mồi” thuyết phục thêm nhiều người khác chọn ghé thăm quán của bạn, đặc biệt là khách vãng lai.

Thử đặt mình vào vị trí một người chưa thông thạo địa điểm ăn uống địa phương, liệu bạn sẽ chọn một tiệm cafe vắng hoe, hay một cửa hàng khác với nhiều bóng dáng khách đang ngồi đông đủ?

Rủ thêm bạn bè thành khách quen

Trong nhiều trường hợp, bạn nên cảm thấy vui mừng khi khách hàng không chỉ thích ngồi lâu mà còn lặp lại liên tục thói quen đó về sau.

Đây là dấu hiệu điển hình của một khách hàng trung thành, khi thương hiệu của bạn đã trở thành điểm đến ưu tiên hàng đầu trong tâm trí họ. Từ đó, xác suất để vị khách này chọn nơi đây làm chốn họp mặt (bạn bè, đối tác…) là rất lớn, đặc biệt phổ biến với tính chất công việc freelancer.

Nếu phong độ phục vụ tốt và ổn định, nhiều khả năng bạn sẽ có thêm một tệp khách hàng mới từ chính network của vị khách trên. Chỉ cần làm vài phép tính đơn giản so sánh mối tương quan giữa số lượng khách mới phát sinh, thời gian ngồi tại quán và tổng lợi nhuận trong tầm nhìn dài hạn – dám cá rằng bạn sẽ không bao giờ càm ràm về việc khách ngồi lâu nữa.