Livestream bán cafe: Trào lưu lạ mà quen đang bùng nổ tại Trung Quốc

Dưới ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch Covid-19, thị trường thương mại điện tử trở nên hot hơn bao giờ hết, chuyển thể mọi hình thức mua sắm và tương tác lên nền tảng online.

Khác với suy nghĩ ưa chuộng thông thường dành cho các sàn thương mại điện tử dạng “siêu thị online”, tại Trung Quốc, một số lượng khổng lồ người dùng lại thích mua hàng qua livestream hơn. Thống kê năm 2020 đã cho thấy giá trị thị phần thương mại điện tử bằng livestream ở đất nước tỷ dân đã đạt tới 60 tỷ USD, và không có dấu hiệu sụt giảm do đòn bẩy từ dịch Covid.

Vậy trào lưu này có tác động gì đến ngành cafe? Cùng lắng nghe tâm sự từ chính những chủ thương hiệu để hiểu hơn về bước thay đổi 4.0 này nhé.

điện thoại chụp ảnh đồ uống cafe
(Ảnh: PerfectDailyGrind)

Tầm quan trọng và phổ biến của livestream tại Trung Quốc

Yohana Goitom H. là một người đồng sáng lập nên BeginBecoming – trụ sở tại Thượng Hải, với chuyên môn cố vấn chiến lược kinh doanh ngành F&B – và cũng làm chủ một vài quán cafe nhỏ trong cùng thành phố. Cô chia sẻ:

“Marketing bằng livestream có mức độ ưa chuộng cực cao vì tính chất nhanh gọn nhẹ. Khi xem livestream, khán giả như thể đặt mình vào vị trí người quay video, tạm thời trải nghiệm qua góc nhìn của họ. Các nhà sáng tạo nội dung cũng dễ dàng lồng ghép quảng bá sản phẩm và các ưu đãi đi kèm.”

Yohana cũng cho biết đồ uống như cafe đã có mặt và được chào bán rất rộng rãi trên các nền tảng livestream, phổ biến không kém các loại hình hàng hóa chiếm nhiều sự quan tâm như quần áo và mỹ phẩm.

DP Wu – quản lý thương hiệu Torch Coffee với trụ sở gốc ở Mỹ, nay mở thêm chi nhánh ở thành phố Phổ Nhĩ, Trung Quốc – lại có một hướng đi khác khi kết hợp livestream và bán cafe: Truyền tải kiến thức về các loại đồ uống cho khách hàng tiềm năng.

(Ảnh: PerfectDailyGrind)

“Hình thức livestream này thường mang đến cho khán giả những hình ảnh về công đoạn cận cảnh khi làm ra một món cafe, ngoài ra còn giới thiệu các dụng cụ pha chế và mẹo đi kèm.” 

Tuy nhiên, trở lại với Yohana, cô thừa nhận rằng cách thức livestream bán hàng và nhận đơn đặt cafe trực tiếp vẫn chiếm ưu thế hơn cả.

Theo báo cáo từ Statista, nền tảng livestream thu hút đông đảo người sử dụng nhất là Taobao Live và Douyin (TikTok). Được hậu thuẫn bởi ông lớn Alibaba, Taobao thậm chí vượt qua TikTok, chiếm tới 80% thị phần người dùng nội địa Trung Quốc.

“Có thể coi livestream là một bước đệm không thể thiếu trên chặng đường phát triển kinh doanh thương mại điện tử. Do đó, việc cafe dần trở thành mặt hàng được kinh doanh qua livestream cũng là điều dễ hiểu.”

“Không chỉ dùng để hỗ trợ bán hàng, livestream còn đang dần trở thành nghề tay trái của các celeb để tận dụng tệp fan có sẵn cũng như rất nhiều các bạn trẻ thế hệ Gen Z – trong đó có cả những gương mặt barista muốn tăng doanh thu cho thương hiệu,” Yohana giải thích.


ĐỌC THÊM:


Livestream được tận dụng ra sao để bán cafe hiệu quả tại Trung Quốc?

Năm 2019, Starbucks hợp tác với Vi Á (Weiya) để quảng bá thương hiệu và sản phẩm cafe của mình. Nếu các bạn còn nhớ, Vi Á được mệnh danh là nữ hoàng livestream khi có thể bán cả… tên lửa trị giá 5,6 triệu USD trong khi lên hình.

Không ngoài dự đoán, chỉ sau 5 tiếng kể từ khi buổi livestream của Vi Á phát sóng, đã có hơn 160,000 voucher của Starbucks được bán ra. Số lượng người xem đạt mốc 4,4 triệu chỉ sau 25 phút.

“Việc kết hợp cùng các gương mặt nổi tiếng để giới thiệu sản phẩm cafe là bước đi có yếu tố quyết định cao, giúp nhiều khách hàng tiềm năng cảm thấy tò mò và hứng thú để tương tác với thông tin sản phẩm. Các celeb nhiều khi không có kiến thức sâu sắc gì về cafe, nhưng vẫn bán được rất nhiều. Họ thường ăn mặc như một barista hoặc dẫn chương trình cùng một barista khác để hỗ trợ lẫn nhau. Bản chất marketing là vậy.” – trích lời Yohana.

(Ảnh: PerfectDailyGrind)

ĐỌC THÊM:


Các sự kiện và ngày lễ mua sắm cũng là dịp để kích cầu cực lớn cho doanh số. Nhờ những lần giới thiệu thông qua celeb và influencer, cà phê nói chung đã vươn lên thành mặt hàng thực phẩm đứng top 10 ưa chuộng bởi khách hàng Trung Quốc. 

Bên cạnh Vi Á, một gương mặt khác cũng có thành tích bán cafe siêu khủng qua livestream là Lý Giai Kỳ (Li Jiaqi) – “ông hoàng son môi” ở Trung Quốc. Buổi livestream vào ngày 11/11 của anh đã thu hút tới 51 triệu view!

Như đã đề cập, ngoài cách thức livestream với người nổi tiếng, việc sử dụng hình ảnh barista cũng tạo tác động không nhỏ tới hành vi mua sắm của khách hàng. Đây là những nhân vật có tiếng nói và tầm hiểu biết về lĩnh vực thưởng thức cafe. Quy trình và kỹ năng pha chế được thể hiện khi livestream cũng phần nào chứng tỏ chất lượng đồ uống, từ đó thuyết phục khán giả mua hàng dựa trên góc nhìn kiến thức chuyên nghiệp và sâu sắc.

Tham khảo: PerfectDailyGrind