Thưởng thức cà phê là thói quen khó bỏ của nhiều người, một ngày bỏ bê cũng không chịu nổi. Dù vậy, không phải ai cũng có chung sở thích và trải nghiệm về tác dụng của cà phê đối với cơ thể.
Có người thích cà phê thật đặc và nguyên chất. Có người lại thích sự nhẹ nhàng, tinh tế cùng chút nghệ thuật. Họ uống cà phê đơn thuần do hương vị và sự hoa mỹ, chứ không hứng thú với caffeine và tác dụng tỉnh táo của nó.
Từ đó, cà phê decaf được sinh ra để làm hài lòng nhu cầu của một bộ phận khách hàng không nhỏ này.
Cà phê decaf là gì?
Cà phê decaf cũng là cà phê thường, trừ việc caffeine bên trong thành phần của nó đã được tách/khử đi gần hết. Đây cũng chính là ý nghĩa của “decaffeinated” trong tiếng Anh, viết tắt là “decaf”.
Thông thường, một cốc cà phê sẽ chứa hàm lượng caffeine dao động theo nhiều yếu tố, gồm chủng loại hạt và cả quá trình ủ lên men, pha chế… Chẳng hạn, hạt Robusta thường có nhiều caffeine hơn Arabica, hay cà phê Cold Brew sẽ giữ được caffeine nhiều gấp 3-4 lần Espresso.
Khi được chuyển thành cà phê decaf, lượng caffeine gốc sẽ được triệt tiêu khoảng 97%.
Theo tính toán, một tách cà phê thường sẽ chứa trung bình 70-140mg caffeine tùy loại hạt và cách pha chế. Trong khi đó, cà phê decaf với thể tích tương tự chỉ chứa từ 2-4mg caffeine.
Tuy không thể “về mo” tuyệt đối nhưng lượng caffeine đã giảm xuống mức cực thấp, hoàn toàn không thể gây ra tác dụng phụ đáng kể nào.
Nguồn gốc ra đời cà phê decaf
Friedlieb F. Runge – một nhà hóa học người Đức – được coi là một chuyên gia lão làng với những thử nghiệm về caffeine. Ngay từ năm 1820, ông đã thành công trong việc tách caffeine khỏi hạt cà phê.
Từ nền tảng đó, tới năm 1906, Ludwig Roselius – một doanh nhân bán cà phê – đã đăng ký bản quyền đầu tiên về quy trình thương mại để tạo nên cà phê decaf hoàn chỉnh.
Phương pháp được ông sử dụng là đun sôi cà phê cùng một số loại acid chuyên biệt, sau đó dùng hợp chất benzen để khử caffeine. Tuy nhiên, nó đã bị bác bỏ bởi các tiêu chuẩn y tế bởi benzen là một chất có khả năng gây ung thư.
3 cách sản xuất cà phê decaf thời hiện đại
Tất cả những quy trình làm ra cà phê decaf hiện nay đều có chung những đặc điểm sau:
- Thực hiện khi hạt cà phê vừa mới được thu hoạch và tách khỏi quả, chưa rang và sơ chế.
- Mục tiêu chính: Tách caffeine khỏi hạt cà phê nhưng phải đảm bảo giữ lại mọi thành phần hợp chất khác (giúp bảo toàn hương vị cà phê gốc). Đây là tiêu chuẩn cần quan tâm kỹ càng bởi số lượng chất bên trong hạt cà phê rất nhiều phức tạp.
- Tất cả phương pháp đều cần nước để xử lý các công đoạn quan trọng.
Ngày nay, có 3 cách phổ biến được dùng để khử caffeine khỏi hạt:
- Sử dụng dung môi chuyên dụng
- Phương pháp Swiss Water
- Sử dụng CO2 lỏng
1. Sử dụng dung môi
Các hợp chất như Ethyl và Methylene chloride sẽ được sử dụng để khử caffeine theo phản ứng hóa học tự nhiên. Cục quản lý Thực phẩm & Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã công nhận 2 chất này an toàn cho sức khỏe người dùng.
Cách thức này chịu một nhược điểm: Hương vị của hạt cà phê khi pha chế sau đó sẽ khác đôi chút, không đậm đà như kỳ vọng. Dù chênh lệch này không đáng kể nhưng vẫn đủ để nhiều tín đồ khó tính cảm thấy phật ý.
Trên bao bì cà phê decaf, nếu thấy dòng chữ “naturally decaffeinated” (khử caffeine tự nhiên) thì có nghĩa đây là sản phẩm làm ra bởi phương pháp sử dụng dung môi.
2. Quy trình Swiss Water
Phương pháp này được nghĩ ra vào thập niên 1930 tại Thụy Sỹ nên mới có tên gọi như vậy. Swiss Water dựa vào tính chất hòa tan và thẩm thấu của caffeine để khử chúng khỏi hạt cà phê, không dùng bất cứ phụ phẩm hóa học nào.
Ban đầu, hạt cà phê được ngâm trong nước nóng để caffeine phân rã bên trong môi trường dung dịch này. Thế nhưng không chỉ caffeine mà cả đường và các nhân tố khác tạo nên vị cà phê đặc trưng cũng bị phân tách luôn.
Nếu vậy thì hạt cà phê ban đầu chỉ là cái vỏ khô, còn đâu hương vị mà pha nữa? Thật ra, mọi thứ đã được tính toán cả rồi!
Sau bước trên, phần dung dịch 1 (chứa nước, caffeine, đường và chất vị cà phê) được đổ qua một màng lọc làm từ than củi.
Do tính chất hóa học của than củi, các phân tử caffeine sẽ bị giữ lại ở màng lọc, trong khi các thành phần khác đi qua dễ dàng. Từ đó, chúng ta có dung dịch 2 chỉ chứa nước, đường và chất vị cà phê.
Phần dung dịch 2 này tiếp tục được dùng để reset, quay trở lại bước làm nóng và ngâm một lứa hạt cà phê thô mới.
Lúc này, vì môi trường dung dịch đã bão hòa bởi đường và chất vị cà phê từ lứa hạt 1, nên chỉ có caffeine của lứa hạt 2 được phân tách. Do vậy, lứa hạt 2 sẽ giữ nguyên được chuẩn vị cà phê ban đầu.
Phức tạp và rườm rà là thế, nhưng phương pháp này cực kỳ an toàn do không dùng chất hóa học, lại bảo đảm vị cà phê giữ lại gần như trọn vẹn 100%.
3. Tận dụng CO2 lỏng
Đây là phương pháp hiện đại nhất, được dùng thường xuyên ở quy mô công nghiệp và thương mại, bởi giá thành thực hiện rẻ hơn nhưng năng suất vẫn được bảo đảm.
Hạt cà phê thô sẽ được cho vào một thùng thép kín, tạm niêm phong tách biệt hoàn toàn với môi trường bên ngoài. Sau đó, CO2 dạng lỏng sẽ được thêm vào để bắt đầu quy trình.
Tính chất hóa học của CO2 lỏng chỉ cho phép liên kết với caffeine, không chạm tới thành phần khác. Áp suất trong khoang sẽ được chỉnh ở mức 1000 pound/inch vuông (tương được 70kg/cm2) để tăng hiệu quả khử caffeine.
Sau khi tách caffeine thành công, không gian thùng chứa sẽ được điều áp trở lại. CO2 lỏng trở thành dạng khí và tự động bốc hơi khỏi hạt cà phê.
Phần khí CO2 sẽ được hút trở lại và tái sử dụng cho lần sau, cũng là lý do vì sao phương pháp này có giá thành rẻ hơn đáng kể trong khi vẫn giữ nguyên hiệu quả.
Tác dụng của cà phê decaf đối với sức khỏe
Tuy hàm lượng caffeine được giảm đi đáng kể nhưng các thành phần chất dinh dưỡng và chống lão hóa vẫn được giữ nguyên, hoặc chênh lệch rất ít.
Do đó, cà phê decaf vẫn là lựa chọn không tồi xét trên lợi ích về sức khỏe, liên quan tới các bệnh về tim mạch, ung thư hoặc tiểu đường.
Giảm tiểu đường loại 2, tăng cường sức khỏe gan, tăng tuổi thọ
Cả cà phê thường và cà phê decaf đều có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc tiểu đường loại 2. Nếu có thói quen uống 1 cốc/ngày, xác suất mắc sẽ giảm trung bình 7%.
Điều này cho thấy caffeine không phải yếu tố quyết định duy nhất cho những tác dụng tích cực của cà phê đối với sức khỏe con người.
Tuy chưa có nhiều nghiên cứu đi sâu cụ thể nhưng một tài liệu cũng đã chỉ ra rằng cà phê decaf có thể giúp bảo vệ gan tốt hơn khỏi các rủi ro và tác nhân gây hại. Điều này cũng tương tự đối với việc phòng tránh khả năng đột quỵ và tăng tuổi thọ.
Chống lão hóa, giảm thoái hóa thần kinh
Nhờ lượng chất chống oxy hóa dồi dào mà cà phê được coi như vị thuốc tự nhiên để đối phó lão hóa rất hiệu quả – bất kể cà phê thường hay decaf.
Ngoài ra, tác dụng phòng tránh bệnh về thần kinh cũng được tăng lên nhờ chlorogenic acid trong cà phê decaf. Hợp chất này giúp bảo vệ tế bào não, giảm tỷ lệ mắc Alzheimer hoặc Parkinson sớm so với những người khác.
Hạn chế rối loạn tiêu hóa, phòng tránh ung thư trực tràng
Nếu không kiểm soát tốt liều lượng, cà phê có thành phần caffeine cao có thể gây ợ nóng và trào ngược dạ dày. Nhưng cà phê decaf với lượng caffeine được khử triệt để lại tránh được viễn cảnh đó rất hiệu quả.
Đồng thời, chất cafestol từ hạt cà phê sẽ hỗ trợ cơ thể chống lại độc tố aflatoxin thường gây hại cho gan. Cafestol cũng kích thích sản sinh glutathione – một chất oxy hóa giúp tăng cường chức năng thải độc của gan.
Ngoài ra, thói quen uống cà phê decaf thường xuyên cũng góp phần giảm rủi ro mắc ung thư trực tràng nữa.
ĐỌC THÊM:
- Specialty coffee là gì? (Khái niệm, lịch sử & ý nghĩa)
- Uống cafe là chuyện nhỏ, còn “ăn cafe” thì sẽ thế nào?
Uống cà phê thường có tốt hơn cà phê decaf?
Sự khác biệt rõ rệt nhất giữa 2 loại cà phê này là hàm lượng caffeine bên có bên không. Vì vậy, để đánh giá cà phê thường hay cà phê decaf tốt hơn còn tùy vào nhu cầu và sở thích của mỗi người.
Phải nói rằng caffeine khi biết cách kiểm soát liều lượng sẽ trở thành công cụ rất tốt cho trí não. Do đó, cà phê thường vẫn có đôi chút lợi thế về tác dụng nói chung trong cuộc sống.
Danh sách ưu điểm mà cà phê thường làm tốt hơn cà phê decaf:
- Tăng khả năng phản xạ
- Hỗ trợ chức năng não bộ (trí nhớ, sáng tạo…)
- Cải thiện cảm xúc tích cực – giảm nguy cơ trầm cảm và lo âu
- Tăng tốc độ trao đổi chất, đốt mỡ hiệu quả hơn
- Tăng hiệu suất tập luyện và chơi thể thao
Lưu ý: Tới nay vẫn chưa có quá nhiều nghiên cứu được thực hiện để tìm hiểu tường tận về cà phê decaf. Vì Kvậy, danh sách trên chưa hẳn là thước đo chuẩn mực so sánh giữa cà phê thường và cà phê decaf.
Khi nào nên uống cà phê decaf thay cho cà phê thường?
Nếu cảm thấy mình khá nhạy cảm với caffeine, hãy lựa chọn cà phê decaf (hoặc trà) để thay thế. Cả 2 phương án này đều chứa lượng caffeine thấp hơn rất nhiều, chỉ có tác dụng kích thích vừa đủ mà không lo tác dụng phụ.
Độ “chai lì” với caffeine của từng người dao động rất phức tạp. Đôi khi 1 cốc là quá đủ với bạn, nhưng một số người khác có thể nốc 2-3 cốc cafe/ngày cũng không hề hấn gì.
Dĩ nhiên, 400mg caffeine/ngày vẫn là mức khuyến cáo được nhiều chuyên gia y tế và sức khỏe khuyên nên tuân theo.
Bạn có thể bị say cà phê khi chạm đến giới hạn dung nạp caffeine của cơ thể, hoặc thậm chí trải qua triệu chứng nguy hiểm đến tính mạng do quá liều một cách mất kiểm soát. Khi đó, tác hại gây ra bởi cà phê sẽ trở nên khá phức tạp. Từ tăng huyết áp, tim đập nhanh, mất ngủ cho tới các chứng bệnh khác cũng hoàn toàn khả thi.
Không thể phủ nhận sự thật rằng cà phê là một trong những thức uống mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhất. Chỉ tiếc rằng không phải ai cũng được trời ban cho khả năng thưởng thức cà phê giống nhau.
Cà phê decaf thì khác, không hề có tác dụng phụ mà vẫn giữ nguyên gần như toàn bộ ưu điểm gốc của cà phê. Vì vậy, với những ai thường xuyên phải dè chừng ảnh hưởng của caffeine, cà phê decaf là lời giải rất thích hợp để tháo gỡ vấn đề hiện tại.