Cafe là món đồ uống được săn đón rầm rộ nhất thế giới, đi kèm rất nhiều lợi ích bất ngờ. Tuy nhiên, những hiệu ứng tiêu cực và tác hại của cà phê đối với sức khỏe đôi khi lại bị xem nhẹ và bỏ qua.
Trớ trêu thay, chính caffeine lại là con dao hai lưỡi, vừa mang đến nhiều ưu điểm, vừa là nguyên nhân dẫn tới hậu quả khôn lường. Tất cả tùy thuộc vào cách thức và thói quen dùng cafe của bạn.
Nhằm giúp bạn hiểu cách uống cafe chuẩn chỉnh không gây hại, sau đây là 10 tác hại của việc uống cà phê quá độ cần lưu ý ngay lập tức, được tổng hợp lại từ nhiều nghiên cứu khoa học uy tín trên toàn thế giới:
1. Căng thẳng quá mức
Caffeine hoạt động như một chốt chặn tín hiệu mệt mỏi và nghỉ ngơi của cơ thể. Vì thế, nó có tác dụng kích thích não bộ hiệu quả, tăng mức độ tỉnh táo lên nhanh chóng.
Ngoài ra, caffeine cũng góp phần đẩy cao adrenaline trong máu, giúp bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng gần như ngay lập tức.
Tuy nhiên, khi nạp quá nhiều caffeine, khía cạnh cảm xúc cũng bị ảnh hưởng một phần, dẫn tới hiện tượng lo lắng, bồn chồn và căng thẳng khác thường.
Đây cũng là phản ứng phổ biến liên quan tới hiện tượng say cafe. Tùy mức độ caffeine vượt nhiều hay ít so với ngưỡng quen của cơ thể, bạn sẽ còn bộc lộ những triệu chứng khác như chóng mặt, cồn cào, khó thở…
Mỗi thương hiệu và cửa hàng cafe lại có công thức và hàm lượng caffeine theo ý riêng. Chẳng hạn, một cốc cafe size L tại Starbucks thường chứa tới 330mg caffeine – con số đáng lưu ý với nhiều người.
Nếu cảm thấy tâm trạng trở nên căng thẳng, lo lắng nhiều hơn mà không rõ lý do? Khả năng cao bạn đang bị cafe “hành” đó!
Uống cà phê đúng cách để tỉnh táo vừa đủ thì tốt, nhưng lỡ làng tới mức căng thẳng quá đà thì thực sự đáng báo động.
2. Mất ngủ
Sử dụng cà phê gần lúc ngủ sẽ khiến lượng caffeine tồn đọng không được xử lý kịp thời. Từ đó, cơ thể sẽ liên tục bị ức chế cảm giác buồn ngủ. Thời gian trằn trọc sẽ kéo dài phức tạp tùy người, không thể đoán trước.
Với những người có cơ địa đối phó tốt với caffeine, họ hoàn toàn có thể ngủ ngon như thường – trừ khi uống quá nhiều tới mức nguy hiểm.
Kể cả khi bạn có “gen tốt” như trên cũng đừng vội chủ quan, bởi chẳng có thước đo nào tính được chính xác uống bao nhiêu cafe là vừa đủ. Hơn nữa, kết quả còn tùy vào loại cafe và chủng hạt được pha chế.
Những thức uống khác như trà, soda, nước tăng lực,… cũng chứa caffeine tương tự. Vì thế, hãy luôn đọc kỹ thành phần của đồ giải khát trước khi sử dụng.
Đặc biệt lưu ý thời điểm uống vào buổi tối trước khi ngủ, bởi caffeine có thể mất trung bình 6 tiếng (tối đa lên tới 9 tiếng) để phân rã hoàn toàn.
Chỉ nên dùng cafe để duy trì tỉnh táo trong ngày, tuyệt đối tránh khoảng thời gian từ chiều muộn trở đi. Dự định đi ngủ vào 21h? Hãy đảm bảo bạn không nạp thêm chút caffeine nào sau 15h chiều.
ĐỌC THÊM:
- “Giờ vàng” uống cafe trong ngày: Không phải buổi sáng thức dậy đâu nhé!
- Làm sao để khắc phục cảm giác mệt mỏi sau khi uống cafe?
3. Ảnh hưởng hệ tiêu hóa & bài tiết
Chắc chắn sẽ có lúc bạn thấy bụng mình trở nên “yếu đuối” sau khi uống cafe, rất dễ buồn đi tiểu hoặc “đi vũ trụ” hơn thường ngày.
Lý do là bởi cafe có tác dụng kích thích hoạt động co bóp của dạ dày, khiến quá trình tiêu hóa và bài tiết diễn ra nhanh hơn. Một số người nhạy cảm với cafe thậm chí còn gặp tình trạng tiêu chảy nhẹ…
Ngoài ra, uống cafe cũng khiến bạn sản sinh nhiều gastrin hơn bình thường, tạo ra hiệu ứng rửa ruột như trên. Gastrin là một hormone sinh ra trong dạ dày, có tác dụng đẩy nhanh phản ứng ở đại tràng.
Kể cả cà phê decaf với lượng caffeine cực kỳ nhỏ cũng có tác dụng gần như tương tự. Vì vậy, đừng nghĩ rằng bạn có thể tránh né bằng việc sử dụng cà phê decaf.
Tác dụng kích thích dạ dày của cafe sẽ có lợi khi bạn biết điểm dừng và liều lượng đúng mức. Mặt khác, chúng sẽ gây nên những tình huống khó xử vì “dạ dày biểu tình” mất kiểm soát.
4. Tổn thương cơ bắp
Đây là một tác hại của cà phê tuy cực kỳ hiếm gặp và ít nghe nói tới nhưng đôi lúc vẫn có thể xảy ra.
Theo Wikipedia, tiêu cơ vân (Rhabdomyolysis) là “một hội chứng lâm sàng và sinh học chỉ tình trạng các mô cơ xương bị hư hại và phá vỡ nhanh chóng.”
Sản phẩm phân hủy của cơ bắp có thể bị lẫn vào máu, lan đến các cơ quan khác và gây rối loạn chuyển hóa, dẫn tới rủi ro suy thận và nhiều vấn đề phức tạp khác.
Các nhà khoa học đã xác định được một số nguyên nhân chính gây ra tiêu cơ vân: Nhiễm trùng, lạm dụng ma túy, hoặc bị rắn/côn trùng độc cắn…
Bất ngờ thay, nếu bạn thường xuyên tiêu thụ một lượng cafe cực kỳ lớn, nó cũng có thể trở thành tác nhân gây ra tiêu cơ vân, dù chỉ với xác suất rất nhỏ.
Kể cả khi bạn đã quen uống cafe, hãy giảm liều lượng ổn định xuống dưới 250mg caffeine/ngày để tránh xa rủi ro bị tiêu cơ vân ghé thăm và hành hạ.
5. Nghiện cafe
Đồng ý rằng cafe không phải chất gây nghiện về bản chất hóa học như các loại ma túy. Tuy nhiên, một người vẫn có thể nghiện cafe về mặt thói quen tâm lý, dẫn tới việc không dứt ra được. Đây có thể coi là một chứng phụ thuộc tinh thần do bạn quá quen với hiệu ứng tràn đầy năng lượng mà cafe đem lại, nhất là khi đã “nhờn” uống liều cao.
Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học chia số người tham gia thành 3 nhóm: (1) không uống cafe, (2) uống ít cafe, (3) uống nhiều cafe. Tất cả bị bắt không được dùng cafe trong 24h và làm khảo sát vào sáng hôm sau.
=> Kết quả: Nhóm 3 cho thấy ham muốn mãnh liệt được uống cafe ngay lập tức, thường nhắc tới cafe hoặc những từ ngữ liên quan tới cafe trong khi nói chuyện.
Ở một nghiên cứu khác, 213 người được chia làm 2 nhóm: Uống cafe hàng ngày và uống cafe thỉnh thoảng. Họ đều bị “bỏ đói” trong ít nhất 16 tiếng đồng hồ trước khi được kiểm tra lại.
=> Kết quả: Nhóm uống cafe hàng ngày thường có dấu hiệu đau đầu, mệt mỏi dù chỉ mới qua 1 ngày – giống hiện tượng cơ thể bị “vật” khi không được thỏa mãn cơn nghiện.
Dù những bằng chứng chỉ mang tính chất lưu ý tham khảo, nhưng cafe vẫn có thể khiến tinh thần bạn trở nên lệ thuộc khi quá quen sử dụng với tần suất đều đặn hàng ngày.
6. Nhịp tim và huyết áp cao
Cafe có thể khiến tim đập nhanh và tăng huyết áp ở một số tình huống. Tình trạng này bắt nguồn từ hiệu ứng kích thích tinh thần gây lo lắng (xem lại mục 1 ở trên về tác hại của cà phê).
Đối với người già hoặc người có thể trạng yếu hơn bình thường, tăng huyết áp vẫn đủ để gây ra những hậu quả khó đoán và không nên xem nhẹ.
May mắn thay, hiệu ứng ảnh hưởng huyết áp do cafe gây ra chỉ có tính chất tạm thời, sẽ kết thúc ngay lập tức khi bạn ngừng nạp caffeine.
Với những người khỏe mạnh, đôi khi họ còn nhấm nháp chút cafe trước khi tập gym để giúp máu bơm về cơ bắp tốt hơn, tăng cao hiệu quả nâng tạ và gồng sức.
Hãy luôn nhận định đúng tình trạng cơ thể mình để đánh giá liều lượng cafe nên uống, tránh tình trạng bị kích thích lo lắng, tăng nhịp tim và huyết áp quá mức.
ĐỌC THÊM:
- Cách phân biệt Espresso, Latte, Cappuccino, Macchiato, Mocha, Americano
- Vì sao nhiều quán cafe thích mở sát nhau thay vì giãn đều xung quanh?
7. Mệt mỏi
Cafe, trà, nước tăng lực hay bất kỳ một loại đồ uống chứa caffeine nào đều mang lại cảm giác tràn đầy sức sống sau khi uống.
Tuy nhiên, khi tác dụng kích thích đó đã qua, cơ thể bạn sẽ cảm thấy hụt hẫng trái ngược, mất hứng làm việc, dẫn tới mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần.
Nếu có thói quen uống cafe hàng ngày, bạn sẽ nhận thấy hiệu ứng này xảy ra rõ rệt và thường xuyên hơn. Cách duy nhất để xóa bỏ cảm giác đó là… tiếp tục uống cafe – nhưng tất nhiên sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực khác như mất ngủ, tâm lý lệ thuộc và gây nghiện.
Nhiều năng lượng quá đôi khi cũng không tốt, nhất là khi nguồn năng lượng đó được kích thích bởi cafe. Hãy luôn giữ mức tiêu thụ cafe vừa phải để không chịu nhiều hậu quả và tác dụng phụ.
8. Ngộ độc cà phê
Viễn cảnh này thực chất xảy ra khi dùng cafe pha trộn, không sạch 100% hạt nguyên chất. Đáng buồn thay, loại cafe này xuất hiện rất phổ biến tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Nhiều cửa hàng cafe không có tâm đã dùng cafe pha trộn với bắp rang cháy khét và nhiều phụ phẩm khác thay vì rang mộc. Được biết, nguyên liệu này giúp cafe trở nên đẹp mắt và dậy mùi hơn dù cực kỳ có hại cho sức khỏe.
Những hóa chất lẫn vào trong quá trình pha trộn sẽ khiến bạn chóng mặt mệt mỏi. Triệu chứng này lại dễ dàng bị hiểu nhầm thành say cafe, làm bạn càng thêm mất cảnh giác. Nếu thường xuyên tiêu thụ loại cafe độc hại này, rủi ro ngộ độc và ung thư tăng cao là điều khó tránh khỏi.
Luôn sử dụng cafe ở các thương hiệu uy tín bất kể phục vụ tại chỗ hay mua về. Tiết kiệm vài chục nghìn cho một cốc cafe không thể đánh đổi lại sức khỏe của bạn.
9. Không tốt cho sản phụ
Liệu có xuất hiện cụ thể tác hại của cà phê đối với phụ nữ, chẳng hạn như các mẹ bầu uống cà phê khi còn đang mang thai?
Đây vẫn là chủ đề vẫn đang được tranh cãi khá nhiều. Thật ra, cơ thể mẹ sẽ không gặp vấn đề gì, nhưng thai nhi trong bụng mẹ thì có. Theo chuyên gia dinh dưỡng Clare Collins, sản phụ có thói quen uống nhiều cafe sẽ gặp rủi ro cao hơn về sinh non, suy dinh dưỡng bào thai, nặng nhất là thai chết lưu hoặc sảy thai.
Nhìn chung, về lý thuyết, phụ nữ có thai hoàn toàn có thể uống cafe – nhưng lượng caffeine nạp vào không nên quá 200mg/ngày để tránh gây hại cho thai nhi.
Con số trên tương đương 1-2 cốc thông thường. Chỉ có điều, rất khó để mỗi người tính được chính xác khi nào chạm đủ 200mg caffeine. Tùy vào size cốc, loại hạt cafe, cách pha chế, thành phần mà hàm lượng caffeine sẽ dao động khá nhiều.
Để giữ an toàn tối đa cho mẹ bầu, tốt nhất nên hạn chế hết thói quen uống cafe và cả các đồ uống chứa caffeine khác như trà, nước tăng lực…
10. Giảm sức khỏe da và xương
Nếu nhan sắc và làn da luôn là vấn đề ưu tiên hàng đầu của bạn, có lẽ thói quen uống cafe cũng cần được để tâm nghiêm túc hơn.
Theo một tài liệu tìm hiểu về tác dụng của caffeine vào năm 2015, hiệu quả tổng hợp collagen – cấu trúc protein quan trọng của tế bào da – sẽ giảm xuống khi uống cafe liều cao thường xuyên.
Một điều tra khác về ảnh hưởng của caffeine lên xương thực hiện vào năm 2012 cũng cho thấy: Tốc độ hình thành mô xương mới có thể bị can thiệp, khiến chất lượng xương giảm và rủi ro loãng xương/gãy xương cao hơn.
Mặc dù 2 khả năng này chỉ xảy ra khi uống cực kỳ nhiều cafe với tần suất thường xuyên, cẩn thận vẫn là trên hết. Đừng lạm dụng cafe nếu bạn muốn có một cơ thể khỏe mạnh, xinh đẹp.
ĐỌC THÊM:
- Uống cafe gây nặng mùi cơ thể và hôi miệng: Lý do & cách khắc phục?
- Specialty Coffee là gì? (Khái niệm, lịch sử & ý nghĩa)
Vậy tổng kết lại, uống cafe có hại không? Có, nhưng chỉ khi chúng ta không chịu tìm hiểu kỹ càng về rủi ro liên quan, dẫn đến mất kiểm soát thói quen và liều lượng sử dụng.
Không có sự khác biệt và chênh lệch giữa tác hại của cà phê đối với đàn ông hay phụ nữ. Bất kỳ ai cũng có thể gặp phải những rủi ro trên nếu không có ý thức tự đề phòng bất trắc cho bản thân. Vì vậy, đừng quên ghi nhớ những mẹo quan trọng trên để tránh hậu quả không đáng có.
Cuối cùng, hãy lạc quan lên bởi danh sách lợi ích và tác dụng của cà phê còn dài và ấn tượng gấp nhiều lần nữa cơ. Hãy luôn là một fan hâm mộ cafe thông thái để thưởng thức trọn vẹn thức uống thơm ngon đầy mê hoặc này nhé.