Cà Phê Lâm (Hàng Bún)

Địa điểmSố 9 ngõ Hàng Bún, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Không gianRộng, nhiều cây, retro đậm nét Việt Nam
Giá tiền35.000đ – 50.000đ
Wi-Fi Password09090909

Lâm Cafe là chuỗi cửa hàng vốn đã quen mặt nhiều người, được ưa thích bởi khách hàng ở nhiều độ tuổi từ già tới trẻ. Trái với phong cách đơn giản thường thấy, cơ sở mới nhất tại Hàng Bún đã đem đến một diện mạo khá mới mẻ, khiến TopListCafe không thể ngồi yên mà quyết tâm tới review cho bằng được.

lối vào cà phê lâm hàng bún
Lối đi bên hông nhà dẫn từ cổng Cà Phê Lâm vào khu pha chế, cũng có ghế ngồi cho khách.

Địa điểm

Từ đầu năm 2021, Lâm Cafe dường như đã có quyết định thay đổi cách gọi tên chính xác thương hiệu của mình. Fanpage cũ mang tên “Lâm Cafe” dừng update từ tháng 1/2021, chuyển sang “Cà Phê Lâm” – bắt đầu hoạt động cùng thời điểm cơ sở Hàng Bún ra mắt.

Chi nhánh này nằm tại số 9 ngõ Hàng Bún, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

LƯU Ý: Cà Phê Lâm nằm trong ngõ Hàng Bún, là đường nhỏ cắt giữa phố Hàng Bún. Vì vậy, đừng tìm nhầm tới số 9 Hàng Bún bên ngoài nhé.

Hàng Bún là một tuyến phố cổ khá rộng rãi và dễ đi. Tuy xa hồ Gươm nhưng bù lại, khu vực xung quanh không bí thở bởi mật độ dân cư cao và phức tạp, vẫn được ké chút không khí mát mẻ từ hồ Tây và hồ Trúc Bạch lân cận.

Vì vậy, cảm nhận về Cà Phê Lâm nói chung khá thoáng, dễ chịu và yên tĩnh ngay từ phút đầu đặt chân tới.

Đừng ai nghĩ rằng ngõ là bé mà vội nhụt chí trước khi đến Cà Phê Lâm. Bạn có thể thoải mái để xe ở lề đường mà không lo chiếm chỗ làm phiền người khác. Bên cạnh cũng có Là Việt Coffee ngay sát sườn, nhưng sẽ được để dành cho một dịp review khác nhé.

Không gian

Ấn tượng chung

Vì đã từng đi qua nhiều cơ sở Lâm Cafe trước đó nên khi nghe đến và được tận mắt tới Cà Phê Lâm, mình mới thấy rõ sự thay đổi lớn về style tổng thể của quán. Diện tích đầu tư là điểm khác biệt đầu tiên, bởi không gian nơi đây khá rộng, đủ chỗ ngồi thoải mái cho nhiều nhóm bạn bè đông mà không co cụm “nhồi nhét”.

gian ngoài Cà Phê Lâm

Chỗ ngồi được xếp vào 3 khu vực chính để phục vụ khách tới thưởng thức đồ uống: Gian ngoài, gian trong và phần lối đi bên hông nhà.

  • Gian ngoài cùng vẫn là bàn ghế nhỏ và thấp, hợp cho những ai thích nhâm nhi cafe tán gẫu nhanh theo thói quen.
  • Gian trong rộng và phong phú hơn, có ghế sofa dài và cả bàn cao khi làm việc – một nét mới mẻ so với những Lâm Cafe nhiều người từng biết.
  • Phần lối đi được thiết kế khá ưng mắt với hệ thống đèn, cây cảnh và gạch lát sạch sẽ, tạo cảm giác vintage hài hòa mà không bụi bặm cổ kính.
Góc ghế sofa bên trong, không gian rộng và thoải mái hơn bên ngoài.

Decor & Nội thất

Vẫn là cách bài trí thiên hướng đơn giản, nhưng Cà Phê Lâm lại được “tỉa tót” nhiều hơn đáng kể. Từ cây cảnh, ánh sáng, tranh treo tường tới bàn ghế – tất cả đều vượt xa hình ảnh thường thấy tại các quán Lâm Cafe quen mặt phố Nguyễn Hữu Huân.

Tận dụng gam màu trắng sáng hiện đại điểm thêm tông nâu trầm của gỗ là đủ để tạo nét tương phản hiệu quả mà không lo lỗi thời. Ngoài ra, quán cũng sắp xếp nhiều phụ kiện để tăng độ nhấn nhá riêng, giúp cảnh vật không trở nên nhàm chán.

Ý tưởng trang trí theo chủ đề Tết truyền thống khá hài hòa bắt mắt, tuy qua Tết lâu rồi nhưng vẫn không bị lố. Các cụm tranh treo tường cũng được chọn lọc kỹ theo cùng tông màu bổ trợ và phong cách tương đồng.

Một ưu điểm nữa cũng gây được ấn tượng không nhỏ là những kệ tủ bày bán gói hạt cà phê, được đặt xen kẽ ở gần lối ra vào hoặc cửa sổ – vừa có tác dụng trang trí, vừa giúp khách hiểu hơn về chất lượng nguồn hạt được sử dụng pha chế.

Chất lượng dịch vụ

Đồ uống

Cà Phê Lâm vẫn tập trung vào các món truyền thống (cafe Việt, sinh tố, nước ép…), không đi theo xu hướng cafe ngoại. Vì đi buổi tối nên mình gọi sữa chua cafe và nước bột sắn, tránh đêm về trằn trọc khó ngủ.

đồ uống tại Cà Phê Lâm
  • Sữa chua cafe: Dù dễ làm dễ uống nhưng có vẻ như barista chưa thực sự hiểu rõ ý khách, hoặc hơi lơ là trong khâu pha chế. Cốc pha khá loãng, không biết là do sữa chua bị chảy hay đá xay quá nhuyễn, làm lệch vị và không ngon như kỳ vọng.
  • Nước bột sắn: Món này mà còn fail thì không biết món nào pha ngon nữa. Vị sắn thanh mát, tỷ lệ vừa chứ không quá đặc, hợp với bạn nào lo bụng dạ khó chịu hoặc nóng trong người.

Giá thành trung bình từ 35.000đ – 50.000đ, vẫn giữ được mức phải chăng như các chi nhánh khác dù được đầu tư địa điểm và không gian khá “ổn áp” ngay trong phố cổ.

*Lẽ ra mình chấm 7.5/10 cho 2 đồ uống trên. Nhưng vì cafe tại chuỗi Cà Phê Lâm cũng nhận được khá nhiều lời khen nên mình để 8/10, với hy vọng lần sau ra thử cafe sẽ thấy ngon như kỳ vọng.

Âm nhạc & Wi-Fi

Quán bật US-UK là chủ yếu, nhiều rap và hip-hop, khá vui tươi bắt tai nhưng có vẻ như không hợp với vibe của Cà Phê Lâm cho lắm.

Âm lượng hơi to, thi thoảng mình phải tự ra dàn loa vặn nhỏ lại chút, nhưng lúc sau lại có bạn phục vụ ra mở to lại như cũ. Mình đoán là do ở ngoài không có loa nối ra nên các bạn muốn mở to để tiếng vọng ra, vừa làm vừa nghe cho thoải mái tinh thần (!?)

Wi-Fi nhanh và ổn định, không gặp vấn đề kết nối khó chịu nào.

Phục vụ

Buổi tối có 2 bạn nam làm công việc pha chế, tự phân công trông xe giúp khách luôn. Thái độ cũng thân thiện, nhưng hơi thiếu niềm nở khi khách đến dù mình tới rất sớm từ 18h30 chứ không câu giờ tối muộn.

Cũng có thể vì tối đó ít khách mà các bạn chủ quan và lơ là hơn. Chỉ có tổng cộng 3-4 nhóm khách nhỏ trong suốt buổi tối, nhưng khi khách về rồi vẫn phải khá lâu sau thì cốc mới được dọn. Cùng lúc đó, các bạn tranh thủ lướt web và chơi game thay vì để ý tình trạng quán.


Nếu có dịp quay trở lại Cà Phê Lâm, mình sẽ tới vào ban ngày để có thêm không khí đông vui hơn, đồng thời thử xem hương vị cafe tại đây có ngon như lời đồn.

Mong rằng những thiếu sót nhỏ bên trên sẽ được quán ghi nhận và khắc phục sớm nhất, để những khách hàng tương lai sẽ luôn cảm thấy vui vẻ khi giới thiệu tới bạn bè về một quán cafe lý tưởng trong lòng phố cổ Hà Nội.