Số phận của những Starbucks “pha ké” hài không ngậm được mồm

Starbucks người ghét người yêu, nhưng chúng ta vẫn không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng lớn mạnh của thương hiệu cà phê này trên toàn thế giới, với hơn 35.000 chi nhánh được mở tính tới năm 2022. Khỏi phải nói, đây chắc chắn là ước mơ ngàn năm có một của tất cả các chủ quán cà phê.

Trớ trêu thay, có lẽ vì quá hâm mộ Starbucks mà có vài người đã “tạo “nhái” lại theo phong cách không thể mặt dày hơn. Thậm chí, có trường hợp còn thắng kiện Starbucks, thản nhiên hoạt động mà chẳng cần lo nghĩ gì.

Sattar Buksh

Tiệm cafe tại Pakistan này đã từng nổi đình đám báo chí khi công khai ra mắt vào năm 2013, với tên gọi như thể một bản phiên âm tiếng địa phương cho “Starbucks” vậy. Nhiều người có chung quan điểm rằng đây là một cách marketing của họ, muốn mượn sự liên quan với Starbucks để tạo tiếng vang, chấp nhận vấp phải ý kiến trái chiều.

Không chỉ là cách đặt tên, ngay cả logo gốc của Sattar Buksh cũng có bố cục và màu sắc rất giống với Starbucks, chỉ khác mỗi hình tượng đặt ở trung tâm – một khuôn mặt ông chú có ria mép thay vì nữ tiên cá. Được biết, 2 chủ nhân sáng lập ra Sattar Buksh cũng từng có kinh nghiệm chuyên môn về ngành quảng cáo, nên có thể nói họ khá rành các chiêu trò để giúp thương hiệu mới nổi bật lên trên thị trường.

Nước đi này đã nhanh chóng thu hút sự chú ý và hành động đáp trả của Starbucks: Đệ đơn kiện vi phạm hình ảnh bản quyền logo thương hiệu. Tuy vậy, kết quả vụ tranh chấp này đã không đứng về phía Starbucks, vì logo của Sattar Buksh – dù có sự giống nhau về cảm quan hình thức – nhưng chưa đủ chi tiết rõ ràng để kết luận vi phạm. Một thời gian sau, Sattar Buksh cũng đã cho thay đổi logo hoàn toàn để tránh rắc rối phát sinh.

Logo sau khi đổi của Sattar Buksh.

Về hoạt động kinh doanh và menu, Sattar Buksh cũng có phong cách riêng của mình, phục vụ các món ăn uống hợp với văn hóa và khẩu vị địa phương, nên không có bằng chứng để Starbucks kiện thêm.

Đầu năm 2018, Sattar Buksh bất ngờ thông báo các cửa hàng sẽ tạm dừng hoạt động để chuẩn bị “sửa sang”. Từ đó tới nay, sự trở lại của thương hiệu này vẫn là một ẩn số, mất hút không rõ lý do vì sao.

SardarBuksh

Năm 2018, không biết vô tình hay cố tình, một cửa hàng cafe mới mở tại Ấn Độ lấy tên gọi SardarBuksh. Điểm gây chú ý là thương hiệu này có khá nhiều điểm chung với người anh em họ hàng xa Sattar Buksh kể trên – “lấy cảm hứng” từ cả tên gọi lẫn logo gốc Starbucks.

Công việc làm ăn của SardarBuksh khá thuận lợi, mở được nhiều chi nhánh khác nhau chỉ tính riêng tại thành phố New Delhi (Ấn Độ). Dĩ nhiên, động thái này không thể thoát khỏi tầm mắt của Starbucks: Một đơn kiện nhanh chóng được đệ trình, và lần này họ đã thắng cuộc.

Sau vụ kiện, SardarBuksh phải chấp nhận thay đổi tên gọi của mình, chuyển thành “Sardarji-Bakhsh”. Tuy nhiên, logo của họ vẫn được giữ nguyên.

Xét trên bức tranh tổng thể, Ấn Độ được nhận xét là nơi xảy ra khá nhiều vụ bắt chước tên thương hiệu lớn. Những chủ doanh nghiệp mới mở này thường có tầm nhìn ngắn hạn, thích “va chạm” và đi đường tắt để lạm dụng danh tiếng của những gã khổng lồ trong ngành.