Vì sao uống cafe mãi vẫn buồn ngủ? Liệu bạn đã “miễn nhiễm” với cafe?

Nếu bạn là một tấm chiếu mới sắp hoặc mới ra trường, viễn cảnh ăn ngủ với deadline hẳn sẽ không còn quá xa lạ. Chính vào lúc đó, 10 người thì phải đến 8 sẽ nhờ cậy đến sự trợ giúp của cafe để chống lại sự mệt mỏi, tới mức cày xuyên đêm không ngủ cũng là chuyện thường.

Thế nhưng, một ngày bạn bất chợt nhận ra cafe không còn mang lại cảm giác tràn trề năng lượng như trước, hoặc tác dụng và thời gian hiệu quả đã giảm xuống rõ rệt. Thậm chí, có những người thừa nhận họ… uống cafe như uống nước lọc nhưng vẫn chẳng thấy có sự khác biệt gì cả.

Lý do nào khiến bạn rơi vào tình trạng khó hiểu này? Vì sao uống cafe không tỉnh táo mà còn thấy mệt và buồn ngủ hơn lúc trước? Hãy cùng TopListCafe đi tìm câu trả lời nhé!

Ngọn Nguồn Của Vấn Đề: Caffeine

Caffeine (C8H10N4O2) là một loại chất kích thích có trong hạt cà phê, thậm chí cả các sản phẩm đồ uống nhân tạo khác sau khi được con người chiết xuất và tổng hợp nên.

Thông thường, lượng caffeine trong đồ uống của bạn sẽ được hấp thụ hoàn toàn sau trung bình 45 phút, và tồn tại trong cơ thể trong khoảng 2-9 tiếng sau đó mới phân rã hết. Tác dụng chính của caffeine là kích thích hệ thần kinh và một số chức năng khác của cơ thể liên quan đến huyết áp và tim mạch. 

Trong đó, khả năng kích thích tỉnh táo của caffeine được thực hiện trung gian nhờ tác động tới adenosine – một chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ của chúng ta. 

Khi cơ thể con người làm việc/hoạt động lâu dài với áp lực và căng thẳng, adenosine trong não sẽ tự ra lệnh cho các cơ quan nghỉ ngơi, sinh ra phản ứng uể oải, mệt và buồn ngủ. Tuy nhiên, caffeine lại có khả năng ức chế thụ cảm tiếp nhận adenosine trong cơ thể, khiến “mệnh lệnh nghỉ ngơi” không được truyền đi, ngăn chặn phản ứng mệt mỏi thường thấy.  


ĐỌC THÊM:


7 Lý Do Vì Sao Uống Cafe Không Có Tác Dụng Tỉnh Táo

Qua lời giải thích trên, chắc chắn việc bạn không cảm thấy được tác dụng của cà phê sẽ bắt nguồn từ chức năng hấp thụ caffeine của cơ thể. Dù mức độ có thể khác biệt tùy người, dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó hiểu này.

1. Bạn đang quá mệt và thiếu ngủ

Một tài liệu tới từ 2 viện nghiên cứu American Academy of Sleep Medicine và Sleep Research Society đã kết luận: Nếu bạn đã trở nên quá mệt – đặc biệt là do thiếu ngủ kéo dài tới vài ngày – thì cafe sẽ không thể giúp bạn tiếp tục tỉnh táo hiệu quả nữa. 

cô gái thiếu ngủ trên giường

Nói cách khác, mọi thứ đều có giới hạn. Hậu quả của việc thiếu ngủ là mức độ adenosine sản sinh bởi não bộ tăng mạnh đột biến, vượt quá khả năng ức chế của caffeine. Khi đó, uống cafe sẽ không giúp bạn cảm thấy tỉnh hơn chút nào, ngược lại còn gây ra tác dụng phụ bên lề, vừa mệt mỏi, vừa bồn chồn, lo lắng thất thường.

Cách khắc phục duy nhất lúc này là nghỉ ngơi, bù đắp lại số giờ thiếu ngủ trước đó, để cơ thể bạn tự điều chỉnh lượng adenosine về như cũ.

2. Cafe là đồ uống lợi tiểu

Đúng, uống cafe có thể khiến bạn đi WC nhiều hơn bình thường. Vậy điều này có liên quan gì đến việc tác dụng của cafe bị vô hiệu hóa, khiến bạn vẫn cảm thấy mệt và buồn ngủ sau khi uống cafe?

Thực ra, việc bạn đi tiểu nhiều mà quên nạp bù nước có thể gây ra tình trạng mất nước. Cơ thể khi rơi vào điều kiện thiếu nước so với thông thường sẽ có xu hướng hạ dần huyết áp, sinh ra cảm giác mệt mỏi và uể oải.

Cách đối phó cũng đơn giản thôi: Chỉ cần uống bù 1-2 cốc nước là đủ. Thế nên, nếu quán cafe quen thuộc của bạn thường mang kèm cho khách một cốc nước lọc mỗi khi gọi đồ, hãy thầm cảm ơn họ vì hành động nhỏ mà tâm lý này nhé.

3. Cafe chứa nhiều đường hơn mức cần thiết

Các phụ phẩm có gốc đường thường xuất hiện khá phổ biến khi pha chế và trang trí cafe, chẳng hạn như kem, bọt sữa hoặc syrup tạo vị. 

Về cơ bản, đường là chất có tác dụng tăng năng lượng kèm cảm giác hưng phấn, được cơ thể hấp thụ rất nhanh khi tiếp nhận. Tuy nhiên, khi tất cả lượng đường trong máu dần được phân rã hết và sự hưng phấn kia biến mất, bạn sẽ bất ngờ “tụt mood” một cách vô thức, dẫn tới cảm giác trì trệ.

cafe ăn kèm bánh ngọt và đường

4. Thủ phạm từ sữa trong cafe

Các chế phẩm từ sữa có chứa tryptophan – một loại amino acid có tác dụng tích cực tới khả năng kích thích giấc ngủ. Đây là lý do nhiều chuyên gia khuyên nên uống một cốc sữa ấm vào khoảng 9-10h tối để có một giấc ngủ ngon và sâu hơn.

Dù vậy, hàm lượng tryptophan trong sữa cũng khá ít, nên kể cả khi trộn sữa với cafe, xác suất để bạn cảm thấy buồn ngủ sau khi uống là rất hiếm. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng bạn thuộc tuýp người nhạy cảm, hoặc thể trạng lúc đó cũng đang yếu và mệt từ trước, nên không cảm thấy tác dụng tỉnh táo từ cafe.

5. Cafe bị mốc

Với đặc trưng thời tiết nóng ẩm như Việt Nam thì chỉ cần lơ là bảo quản không kỹ, hộp chứa hạt cà phê hoặc bột cà phê xay của bạn sẽ có hiện tượng nấm mốc ngay. Khi uống phải cà phê bị mốc, bạn có thể bị nhiễm mycotoxin – một loại chất độc có tên tuổi gắn liền với chứng bệnh mệt mỏi mãn tính. 

Thế là còn nhẹ, bởi mycotoxin thậm chí có thể gây tổn thương gan, thận hoặc ung thư khi nhiễm với hàm lượng lớn. Vì vậy, hãy luôn đề cao cảnh giác tới chất lượng và tình trạng nguyên liệu cà phê trước khi sử dụng và pha chế.

6. Tình trạng “nhờn” caffeine

Cơ thể bạn có thể trở nên “nhờn” caffeine sau một thời gian thường xuyên dùng nhiều cà phê. Theo một nghiên cứu tại Mỹ, thông thường, khi dùng cà phê hàng ngày (chẳng hạn vào mỗi sáng), hiệu ứng kích thích của caffeine sẽ vẫn ổn định trong 15 ngày đầu. Tới ngày thứ 16, tác dụng này sẽ dần thuyên giảm.

Thế nhưng, điều này chỉ khiến hiệu ứng tỉnh táo sau khi uống cà phê không còn kéo dài như trước, chứ “nhờn” tới mức không còn thấy chút cảm giác nào thì quả thực rất hiếm xảy ra! Nếu có, hầu hết bối cảnh sẽ trùng với lý do thứ nhất: Do bạn đang đồng thời thiếu ngủ và cần nghỉ ngơi ngay lập tức.

uống cafe buồn ngủ

7. Gen di truyền “miễn nhiễm” với caffeine

Mỗi cá nhân chúng ta sở hữu một bộ gen khác nhau, dẫn tới các mức độ phản ứng riêng biệt khi uống cafe. Có người nhạy cảm tới nỗi chỉ một hớp nhỏ đã đủ say, lại có người gần như không bị ảnh hưởng bởi tác dụng của caffeine.

Nếu bạn chưa bao giờ cảm thấy cafe có tác động rõ rệt lên tinh thần và não bộ (dù là lần đầu thử uống), rất có khả năng bạn đã rơi vào tuýp người “miễn nhiễm” với caffeine. 

Đặc điểm này có tính chất di truyền. Vì vậy, nếu bố mẹ bạn (hoặc 1 trong 2 người) cũng không cảm thấy gì khi uống cafe, bạn càng có thêm bằng chứng cho thấy mình thuộc nhóm trên.

Dĩ nhiên, chẳng ai cấm bạn thưởng thức hương vị thơm ngon của các loại cafe trên thế giới. Chỉ có điều, đừng quá hy vọng nó sẽ giúp bạn tỉnh táo như cách người khác đang trải qua.


Đọc Thêm:


Vậy đó, khi bạn gặp phải tình trạng uống cafe mà chẳng cảm thấy khác biệt gì, hãy tham khảo những lý do trên để tìm ra cách chữa cháy phù hợp nhé. 

Nếu đang quen uống nhiều cafe và dần trở nên “nhờn” hơn, hãy tạm giảm tần suất tiêu thụ hoặc chuyển sang uống cà phê decaf để tâm lý quen về như cũ. Nếu đã thiếu ngủ mấy ngày, hãy nghỉ ngơi ngay lập tức, đừng cố quá để thành… quá cố. Còn nếu thuộc vào tuýp người miễn nhiễm caffeine bẩm sinh, có lẽ không biết nói gì hơn ngoài câu ngậm ngùi chia buồn với bạn.