Top 10 loại cafe đắt nhất thế giới: 1 triệu/cốc là chuyện nhỏ!

Ngày nay, một tách cafe xấp xỉ 100.000 đồng, dù được pha ngon và chuẩn vị tại một quán view đẹp và decor siêu xịn, vẫn có thể bị coi là đắt đỏ với nhiều người.

Thế nhưng, tất cả điều đó chỉ là hạt cát đối với những loại cafe vốn chỉ dành cho giới thượng lưu thực sự. Từ vài triệu cho tới vài chục triệu đồng cũng có, thậm chí cách thức làm ra chúng sẽ khiến bạn kinh ngạc gấp bội lần.

(Ảnh: freshroastedcoffee)

Mỗi món cafe đắt đỏ lại có một nét đặc trưng của riêng mình. Dù vậy, tất cả đều có một điểm chung: Chất lượng hương vị không thể chê vào đâu được! Đấy là nhiều trang uy tín bảo thế, còn TopListCafe thì chưa được thử bao giờ…

Dưới đây là danh sách đếm ngược Top 10 loại cafe đắt nhất thế giới (tổng hợp và đánh giá bởi RoastyCoffee).

10. Los Planes ($20/gói) – El Savador

Loại cafe này xuất xứ từ vùng Los Planes thuộc El Salvador – một quốc gia Trung Mỹ. Điều kiện chăm sóc và khí hậu nơi đây đã làm nên hương vị đậm đà sánh mượt, được nhiều chuyên gia dành tặng lời khen.

Hạt cafe Los Planes còn được nhấn nhá bởi vị thơm của táo, đào, socola hay kẹo bơ đường khi sơ chế. Điều này càng khiến giới sành cafe điên đảo hơn vì mức giá rất phải chăng so với nhiều cái tên khác trong danh sách này.

Những chủ đồn điền tại vùng cao nguyên Los Planes cũng nổi tiếng về sự kỹ tính và chỉn chu của mình. Nồng độ acid của cafe Los Planes thấp hơn bình thường, khiến mùi hương càng dễ uống, đáng nhớ và chuẩn vị.

Los Planes cafe
(Ảnh: robbsutton)

9. Saint Helena ($25) – Saint Helena

Được trồng trên đảo quốc bé nhỏ St. Helena nằm ở phía Nam Đại Tây Dương, nhưng danh tiếng của loại cafe cùng tên này lại không hề nhỏ bé chút nào.

Đây là một nơi cực kỳ biệt lập so với mọi lãnh thổ khác trên thế giới. Chính vì sự tách biệt đó mà Saint Helena đã được chọn làm nơi lưu đày Hoàng đế Napoleon những năm cuối đời của ông.

Theo nhiều ghi chép, Napoleon đã cực kỳ thán phục hương vị và chất lượng của cafe Saint Helena. Chính điều này đã thúc đẩy người dân trên đảo tìm cách xuất khẩu ra thế giới, làm nên tiếng tăm ngày hôm nay.

Saint Helena cafe
(Ảnh: Saint Helena island info)

Giống hạt này xuất phát từ chủng Arabica có tên gọi Green Tipped Bourbon, lần đầu xuất hiện trên đảo do công ty East India Trading xuất khẩu tới.

Phải nói rằng Green Tipped Bourbon là một giống cafe ngon, hiếm và không hề tầm thường. Rất nhiều người đã cố tìm một nơi khác trên Trái Đất cũng trồng cafe Green Tipped Bourbon Arabica, nhưng đó là một nhiệm vụ cực kỳ khó nhằn.

Nói vậy để thấy mức giá $25 cho 1 gói Saint Helena cũng là một lựa chọn khá vừa túi nếu xét về chất lượng và độ quý hiếm của nó.

8. Kona Peaberry ($30-$45) – Hawaii

Bắt nguồn từ thị trấn Kona (Hawaii, Mỹ), cafe Kona cũng có một vị trí vững chắc bên cạnh nhiều gương mặt sừng sỏ khác.

Khu vực chính xác mà cafe Kona được trồng là mạn sườn của 2 núi lửa Mauna Loa và Hualalai. Điều kiện đất đai màu mỡ cùng khí hậu ấm áp và lượng mưa lý tưởng đã giúp hương vị của Kona trở nên ngon khó cưỡng.

Kona Peaberry cafe
(Ảnh: honolulucoffee)

Điểm trừ của cafe Kona là thị trường hơi nhiễu loạn, nhiều phiên bản khác nhau được rao bán rộng rãi. Những thế hệ sau không được chăm sóc hương vị kỹ như bản gốc, dẫn tới chất lượng kém hơn kỳ vọng.

Qua điều tra, nhiều người phát hiện những gói cafe Kona kiểu mới này thực chất chỉ chứa 10% hạt cafe Kona nguyên gốc. Còn lại, 90% là loại hạt tiêu chuẩn thấp hơn trà trộn vào.

Dĩ nhiên, giá thành của những gói cafe Kona hạng thấp luôn rẻ đáng kể so với sản phẩm 100% Kona gốc. Tiền nào của nấy, các cụ nói chẳng sai.


ĐỌC THÊM:


7. Fazenda Santa Ines ($50) – Brazil

Brazil – xứ sở hoàng kim của cafe – là quê hương sinh ra Fazenda Santa Ines. Vốn luôn đứng đầu về sản lượng cafe, không khó hiểu khi Brazil đã làm rất tốt khi đưa Fazenda Santa Ines lên đỉnh cao hiện tại.

Loại cafe này được nuôi dưỡng bằng nguồn nước khoáng tự nhiên hoàn toàn, khai thác từ hệ thống suối ngầm lân cận. Địa điểm trồng Fazenda cũng là khu vực núi đồi, khác với đồng bằng để tạo nên chất lượng khác biệt.

Fazenda Santa Ines nổi tiếng với sự đồng đều trên mọi phương diện, từ mùi hương cho tới hậu vị. Ngay cả những tín đồ cafe khó tính nhất cũng khó lòng từ chối được nó.

Fazenda Santa Ines cafe
(Ảnh: dongengkopi)

Vì vậy, dùng Fazenda để pha chế bất cứ phiên bản cafe nào cũng gần như hoàn hảo, không bao giờ lo lệch khẩu vị dù chỉ một chút.

Mức giá $50/pound là con số vượt qua ngưỡng phổ thông khiến ít ai dám bỏ tiền. Dù vậy, nó vẫn tạm chấp nhận được nếu bạn muốn trải nghiệm cho biết, không lo đắt đến “ác mộng” như những cái tên cuối danh sách.

6. Blue Mountain ($50-$65) – Jamaica

Jamaica – một quốc gia châu Mỹ giàu truyền thống sản xuất cafe – quả thực không khiến giới hâm mộ phải thất vọng. Được trồng ở vùng Blue Mountains (dãy núi dài nhất Jamaica) nên tên địa danh này cũng được lấy để đặt luôn cho chủng hạt cafe.

Các nông trại canh tác cafe đều nằm ở độ cao lớn so với mực nước biển, giúp họ tiếp cận lượng mưa dồi dào. Điều kiện này mang ý nghĩa tối quan trọng cho sự phát triển toàn diện của hạt cafe. Hiện nay, có thể nói 10 loại cafe cao cấp thì 9 loại chắc chắn được trồng ở nơi có nguồn nước nhiều và ổn định, và luôn luôn được săn đón nhiệt tình.

Blue Mountain cafe
(Ảnh: jambluecoffee)

Trên thị trường, Blue Mountain Coffee được phân thành 3 loại: Hạng 1, Hạng 2 và Hạng 3, đánh số tương ứng trên bao bì.

  • Hạng 1 đắt nhất và cũng hoàn hảo nhất về cả hương vị lẫn hình thức. Tỷ lệ hạt xấu và biến dạng trong gói Hạng 1 là cực thấp.
  • Hạng 2 và Hạng 3 sẽ bớt cầu toàn hơn chút, nhưng nói chung vẫn mang vị ngon hảo hạng, vừa thơm lại vừa ít đắng.

5. Finca El Injerto ($20-$80) – Guatemala

Tiếng tăm của Finca El Injerto đã giúp Guatemala có vinh dự góp mặt trong danh sách này. Tùy vào chủng loại và quy trình sơ chế, một gói Finca El Injerto có thể dao động từ $20 cho tới $80.

Dòng họ Aguirre tại đây nổi tiếng với 4 thế hệ cha truyền con nối đều kiên trì trồng và chăm sóc Finca El Injerto. Họ sở hữu nông trại riêng trên dãy núi thuộc vùng Huehuetenango – cao nguyên phía tây Guatemala.

Khu vực trồng Finca tọa lạc ở độ cao từ 1460-1980m, được đội ngũ nông dân theo dõi cẩn mật ngày đêm. Nhà Aguirre thậm chí có riêng một công thức tỉ mỉ để xử lý hạt cafe sau khi thu hoạch. Trong đó, khâu chọn lọc và phân loại cafe bắt buộc làm thủ công, sau đó là tách vỏ, ủ lên men và ngâm nước.

Finca El Injerto coffee
(Ảnh: luxedigital)

Nghe có vẻ sách vở, nhưng chính công thức này đã giúp họ thu được hương vị cafe thực sự tuyệt vời, đậm đà, sánh ngọt trọn vẹn, hiếm có nhược điểm nào để chê.

Finca El Injerto cũng thắng nhiều giải thưởng danh giá về thẩm định chất lượng cafe, trong đó có giải nhì Guatemala Cup of Excellence vào năm 2017.


ĐỌC THÊM:


4. Ospina ($120) – Colombia

Tiếp tục là một quốc gia Nam Mỹ có công lao đóng góp vào danh sách cafe siêu ngon và đắt của thế giới: Colombia với niềm tự hào mang tên Ospina Coffee.

Dòng họ Ospina đã giữ truyền thống phát triển loại cafe chính chủ này trên khắp các đồn điền của mình. Họ cũng đang là thương hiệu có tiếng và lâu đời hàng đầu trong giới nuôi trồng cafe trên thế giới.

Nói tới cafe Ospina, ít ai chống lại nổi sự hấp dẫn bởi quy trình sơ chế và ủ hạt được thực hiện vô cùng nghiêm ngặt.

Ospina cafe
(Ảnh: ospinacoffee)

Theo chuẩn mực hiện tại, cây cafe chỉ được trồng ở độ cao 2300m (hoặc cao hơn) trên đất núi lửa màu mỡ, cộng thêm điều kiện khí hậu lý tưởng để cho ra chất lượng tốt nhất.

Nồng độ acid của cafe Ospina rất đồng đều và vừa phải, tạo nên chút vị chua nhẹ nhàng của mơ xen lẫn hạnh đào và caramel. Sắc thái hài hòa này khiến mọi tín đồ cafe khó tính cũng phải mềm lòng, kể cả với mức giá $120/gói.

3. Hacienda La Esmeralda ($50-$150) – Panama

Cũng bắt nguồn từ một công ty gia đình có bề dày lịch sử, Hacienda La Esmeralda được trồng ở vùng cao nguyên phía nam của thị trấn Boquete (Panama), ở độ cao khoảng 1500m so với mực nước biển.

Tính chất địa lý và khí hậu nơi đây đã giúp Hacienda La Esmeralda thắng rất nhiều giải thưởng nổi tiếng, cả về hương vị, chất lượng hạt cho tới những nét riêng hiếm có khác.

Nồng độ acid của loại cafe này cao hơn bình thường một chút, đượm vị chua nhẹ đầu lưỡi. Đặc trưng này đã chiếm cảm tình của không biết bao nhiêu chuyên gia về cafe trên thế giới.

Hacienda La Esmeralda cafe
(Ảnh: evermorecoffeeroaster)

Hacienda La Esmeralda có mức giá cao không chỉ nhờ mùi vị tinh tế mà còn cả quy trình trồng và thu hoạch nhanh chóng. Việc đẩy nhanh mùa vụ cũng ngốn không ít tiền bạc và kỹ năng, càng là lý do khiến mức giá được đẩy cao tới $150 như vậy.

2. Kopi Luwak ($200-$600) – Indonesia

Giá tiền cách biệt quá lớn so với những cái tên trước hẳn đã khiến bạn phải giật mình. Dù vậy, Kopi Luwak cũng chỉ đang… xếp thứ 2 trong bảng xếp hạng các món cafe đắt nhất thế giới mà thôi.

Tên gọi có phần lạ lẫm, nhưng Kopi Luwak thực ra chính là “cafe chồn” mà chúng ta thường nghe nói.

Dành cho những ai chưa biết, những hạt cafe này trải qua một quá trình sơ chế cực kỳ đặc biệt: Chúng được chồn/cầy hương ăn vào và “đi” ra nguyên hạt, rồi con người lấy về để sử dụng tiếp.

Quả cafe khi được chồn nuốt sẽ có enzyme tiêu hóa trong dạ dày tác động, bào mòn lớp vỏ bên ngoài để lên men và thấm nhẹ vào nhân cafe. Ruột chồn không thể phân rã và tiêu hóa toàn bộ hạt, nên chúng sẽ “đi” ra gần như nguyên dạng ban đầu.

Kopi Luwak cafe
(Ảnh: cluwak)

Dĩ nhiên, tất cả số hạt này đều được vệ sinh và làm sạch kỹ càng theo tiêu chuẩn y tế trước khi đem rang và xử lý, chế biến thêm.

Gắn liền với câu chuyện khó nói như vậy mà Kopi Luwak vẫn tự hào với mức giá ngất ngưởng, liên tục được đặt hàng bởi giới thượng lưu. Nói vậy để thấy chất lượng của Kopi Luwak là không phải bàn cãi.

Nhiều tín đồ sành sỏi về cafe nhận định hương vị này rất lạ lẫm và lôi cuốn, có chút hoang dã ngai ngái của đất, nhưng vẫn đậm đà sắc thái của socola.

Kopi Luwak xuất xứ từ đảo Java thuộc Indonesia, nơi có rất nhiều cầy hương cư trú. Loài cầy này cũng sống rải rác ở các nước Đông Nam Á khác, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, tại nước ta cũng có một số cơ sở tự nuôi cầy hương để sản xuất cafe.

Một gói cafe chồn ở tầm giá “phải chăng” nhất cũng loanh quanh $200 – tương đương 5 triệu đồng. Con số tối đa lên tới $600, thậm chí $800 tùy điều kiện khu vực và quy trình vận chuyển, xử lý hạt…

Dù vậy, các cơ sở nuôi cầy hương để làm cafe đang chịu áp lực khá lớn những năm gần đây, khi các tổ chức quyền động vật vào cuộc tìm hiểu và phát hiện nhiều hành vi sai phạm về tra tấn và lạm dụng.

1. Black Ivory ($500-$1500) – Thái Lan

Đúng như tên gọi, Black Ivory có mối liên quan mật thiết tới loài voi. Chính xác thì quy trình làm ra loại cafe này khá giống cafe chồn Kopi Luwak: Cũng là “thành phẩm” của loài voi sau khi nuốt quả cafe.

Thái Lan là đất nước đầu tiên sáng tạo ra cách sản xuất và chế biến Black Ivory Coffee.

Dạ dày của voi lớn hơn chồn, giúp hạt cafe bên trong được thấm nhiều enzyme và chất dinh dưỡng hơn khi lên men. Vì thế, hương vị Black Ivory khá giống với Kopi Luwak, nhưng có một số nét nhấn nhá đặc sắc.

Black Ivory cafe
Black Ivory cũng có chung cách làm như Kopi Luwak nhưng giá đắt hơn nhiều. (Ảnh: jobbiecrew)

Ngoài ra, độ khó và hiếm để làm thành công một mẻ Black Ivory cũng là điều khiến mức giá bị đẩy cao tới vậy. Bạn có thể mua theo gói trong khoảng $500-1500, hoặc $50/cốc – tương đương hơn 1 triệu đồng – khi phục vụ trực tiếp tại quán.


ĐỌC THÊM:


Nếu thật sự đam mê với các loại cafe đỉnh của chóp, hãy luôn nhớ rằng: Bạn không cần phải là một rich kid để trải nghiệm chúng. Chỉ cần tìm nơi phục vụ theo cốc và tránh mua theo gói lớn, dám cá rằng số tiền bỏ ra sẽ không thể khiến bạn cháy ví đâu.