Flash Sale! to get a free eCookbook with our top 25 recipes.

18 chiến lược Marketing cho quán cafe hút khách hiệu quả

Đã làm chủ một quán cafe, việc đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ ổn định là điều tất yếu, nhưng không thể bỏ qua vai trò song song của marketing, nhất là khi thị trường cạnh tranh ngày một đa dạng và không ngừng thay đổi.

Càng thờ ơ mà không biết cách marketing kịp thời, chắc chắn bạn sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội giúp nâng giá trị thương hiệu và doanh thu lên một tầm cao mới.

Với dân chuyên thì đỡ hơn, nhưng với những ai mới chập chững kinh doanh quán cafe, tự bắt tay vào học và làm mọi thứ, marketing thật sự là một bài toán phức tạp. Từ chuẩn bị nguồn lực cho tới thực hiện, tất cả đều cần nhiều công sức và tâm trí, thêm một chút may mắn nữa.

(Ảnh: Scott Graham)

Danh sách dưới đây sẽ tổng hợp 18 chiến lược marketing quán cafe phổ biến và hiệu quả, mô phỏng theo các giai đoạn liên quan đến hành trình khách hàng (customer journey) cả trước và sau khi biết đến thương hiệu.


Lưu ý: 

  • Bạn nên tự tìm hiểu cách lập kế hoạch marketing cho quán cafe trước, rồi mới chuyển sang bước chọn lọc và thực thi cụ thể.
  • Cách sắp xếp chiến lược marketing theo từng giai đoạn như bên dưới là gợi ý chủ quan. Mỗi người nên có cách điều chỉnh riêng dựa trên tình hình kinh doanh của chính mình.

7 Cách Marketing Thu Hút Khách Hàng Đến Quán Cafe Mới Mở

Khi mới mở quán cafe, có rất nhiều phương pháp marketing để gây sự chú ý và khách hàng dần biết đến bạn. 

Nên nhớ rằng bạn không nên nóng vội ở giai đoạn khởi điểm này, hãy đi từng bước chắc chắn để mang ấn tượng tích cực đến càng nhiều người càng tốt. Kể cả khi tất cả không trở thành khách hàng, sẽ vẫn có trường hợp họ nhắn nhủ truyền tai nhau về một cửa hàng mới mở. 

Marketing ở mức độ vừa đủ, không nên tâng bốc quá lố để tạo kỳ vọng quá lớn cho khách, vì một thương hiệu mới tinh sẽ dễ xảy ra lỗi phát sinh trong quá trình phục vụ, khiến bạn tự phá hỏng hình ảnh của mình.

Phát tờ rơi, treo băng rôn, đặt standee, thuê biển hiệu

Một trong những chiêu marketing cực kỳ truyền thống nhưng vẫn chưa bao giờ hết hiệu quả. Đừng vội nhìn vào những người phát tờ rơi hoặc biển hiệu bạn thường phớt lờ để rồi coi nhẹ cách làm này. Bạn thấy nó chán và không hiệu quả, đơn giản vì bạn không thuộc tệp khách hàng thích hợp của họ.

Sử dụng tờ rơi, băng rôn và biển hiệu, standee có ưu điểm rất lớn về chi phí tiết kiệm, lại dễ tiếp cận được nhiều người nếu chọn đúng địa điểm có lưu lượng người qua lại cao (ngã tư, quảng trường…).

biển quảng cáo trên vỉa hè
Thuê biển quảng cáo gần địa điểm kinh doanh là cách nhanh và hiệu quả để giới thiệu thương hiệu. (Ảnh: Bram Naus)

Tuy nhiên, bạn sẽ cần chú ý tới việc xin phép chính quyền nếu treo băng rôn hoặc đặt standee ở tụ điểm công cộng. Mặt khác, nếu quán có mặt tiền ở phố đẹp và hot để tận dụng luôn thì càng tốt. 

Ngoài ra, đây là phương pháp khó đo lường kết quả, hầu hết chỉ mang ý nghĩa tác động mở đầu, giới thiệu quán cho khách hàng tiềm năng ở khu vực lân cận. Dù sao thì vậy cũng là tạm ổn so với vốn đầu tư tiết kiệm rồi.

Tổ chức khai trương ngoài trời

Tiếp tục là một cách giúp gây sự chú ý ban đầu cho tệp khách mục tiêu của bạn, nhưng chỉ nên thực hiện nếu quán có mặt tiền rộng, đẹp, trên phố nhiều người qua.

Bạn không cần hoa mỹ tới mức tổ chức thành sự kiện với MC, khách mời, âm thanh và ánh sáng hoành tráng. Chỉ cần trang hoàng mặt tiền sáng sủa và nổi bật, thêm chút cây hoa tạo không khí vui tươi, cùng logo và biển hiệu lớn thông báo khai trương là đủ.

Khung giờ lý tưởng để mọi thứ sẵn sàng “lên sóng” là 8-9h sáng (giữ nguyên phụ kiện trang trí khoảng 1 tuần càng tốt), tận dụng lưu lượng người đi làm đông đúc. Chắc chắn nhiều người sẽ không có thời gian tạt vào quán ngay, nhưng họ sẽ dễ ghi nhớ để lần sau ghé thăm.

La Mensa Tông Đản tổ chức khai trương nổi bật trên phố.

ĐỌC THÊM:


Ưu đãi cho quán mới mở

Đây cũng là phương pháp quen thuộc, có tác dụng tốt trong việc tạo cảm tình với khách hàng mới. Bạn cũng có thể kết hợp với 2 cách trên: Chạy chương trình ưu đãi vào thời điểm khai trương, lồng ghép thông tin tương ứng vào tờ rơi, băng rôn, biển hiệu.

Một số cách tổ chức ưu đãi thường thấy khi khai trương: Giảm giá trực tiếp; giảm giá khi check-in đăng Facebook; tặng quà khi mời nhóm bạn đi cùng…

Viral marketing bằng câu chuyện “gây sốc”

Thực chất, cách thức marketing tạo hiệu ứng viral này có thể áp dụng ở các giai đoạn kinh doanh khác nhau. Nhưng nếu biết cách làm ở thời điểm mới mở quán, hiệu quả mang lại sẽ khiến bạn choáng ngợp.

Về cơ bản, viral marketing là thuật ngữ chỉ mọi cách thức tạo dựng nội dung hoặc câu chuyện về dịch vụ/sản phẩm, trong đó truyền tải được yếu tố tò mò, hấp dẫn cực cao, kích thích chia sẻ thông tin từ người này qua người khác. Một đồn mười, mười đồn trăm, truyền miệng hay share trên mạng xã hội, tất cả sẽ tạo nên hiệu ứng cấp số nhân, lan tỏa và tiếp cận tới một số lượng khán giả khổng lồ.

Gần như không có một công thức cố định nào để làm viral marketing trăm trận trăm thắng. Tất cả đều phải dựa vào sự kiên trì, kỹ lưỡng trong nghiên cứu, chưa kể sáng tạo nên yếu tố độc nhất.

Ở vạch xuất phát, hãy tự đặt mình vào vị trí khách hàng xem điều gì có thể khiến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người sẵn sàng biết đến và đổ xô tới quán của bạn ngay lập tức. Dĩ nhiên, phải liên hệ mọi thứ tới thị trường ngách, tận dụng điểm mạnh riêng của quán, thêm chút chất xám để tạo thành một thông điệp đáng chia sẻ. 

Cuối cùng, đừng bao giờ làm viral marketing bằng câu chuyện giật gân có yếu tố quá sốc và tiêu cực, chẳng hạn như tạo kịch bản scandal tại quán để share trên mạng xã hội. Hướng đi này chưa chắc đã chuyển đổi thành công tệp khách hàng mục tiêu, mà còn có thể mang tiếng xấu cho thương hiệu của bạn nữa.

Mời bạn bè & người quen tới quán

Việc “đánh phủ đầu” tận dụng các mối quan hệ thân thiết có sẵn để kéo bạn bè hoặc người quen tới quán khi mới mở đã nhận được khá nhiều quan điểm trái chiều. 

(Ảnh: Brooke Cagle)

Một bên cho rằng cách làm này sẽ hại nhiều hơn lợi. Lý do là bởi chưa chắc người quen của bạn đã là tệp khách hàng thích hợp, dẫn đến việc những ngày đầu họ tới thì đông, sinh ra tâm lý chủ quan hoặc kỳ vọng quá cao cho bạn, rồi sau không bao giờ quay lại thì mới thấy sai lầm.

Lý thuyết là vậy, nhưng trên thực tế, kể cả khi nhóm người quen ít có ý định trở lại, vẫn còn đó những lợi ích và cơ hội để bạn nắm bắt. Chẳng hạn, nếu chất lượng đồ uống và dịch vụ đem lại ấn tượng tích cực, nhiều khả năng họ sẽ sẵn sàng giới thiệu quán cafe của bạn cho nhiều người khác, và tiếp tục nhân rộng hơn nữa.

Vậy nên, đừng bao giờ đánh giá thấp hiệu ứng của marketing truyền miệng, bởi đôi khi đây lại là khía cạnh chủ lực giúp nhiều thương hiệu thành công rực rỡ. 

Đăng ký tài khoản thương hiệu online

Hãy dành thời gian thiết lập mọi tài khoản liên kết với quán cafe trên các nền tảng ứng dụng dịch vụ, review hoặc mạng xã hội: Google Business, Facebook, Foody, Lozi… Điều này sẽ giúp ích nhiều trong thời đại số hiện nay, khi người dùng có thói quen tìm kiếm thông tin trên Internet trước tiên khi muốn biết về một sản phẩm hoặc thương hiệu mới.

Mọi thứ sẽ trở nên hợp lý hơn nếu một nhóm khách hàng tiềm năng, sau khi biết đến quán của bạn nhờ các bước marketing mở đầu bên trên, sẽ thử search về tên quán trên Google hoặc các ứng dụng. Vì vậy, luôn đảm bảo bạn hoàn thiện trang giới thiệu thương hiệu trên những nền tảng phổ biến.

Kể cả khi chưa sẵn sàng sử dụng dịch vụ, người xem cũng sẽ có thiện cảm và dễ tin tưởng hơn nhiều khi thấy mọi thông tin đầy đủ về danh tính thương hiệu hiện ra ngay khi tìm kiếm.

Hợp tác với KOL & Influencer

Tốc độ phát triển nhanh chóng của các nền tảng mạng xã hội và sự đa dạng trong hình thức đăng tải content đã mở ra cơ hội cho nhiều người trở thành KOL và Influencer, nhất là lĩnh vực F&B, đỉnh điểm là xu hướng mukbang hay food review nổi lên.

Xây dựng network với các food reviewer sẽ là điểm cộng để quảng bá dịch vụ cafe của bạn. (Ảnh: Pablo Merchán Montes)

Việc bắt tay cùng KOL hay Influencer để lan tỏa thông điệp, chia sẻ đánh giá chất lượng dịch vụ tại quán cafe của bạn chắc chắn sẽ mang lại độ phủ rất nhanh chóng. Tuy nhiên, hãy cẩn thận tìm hiểu tính chất khán giả/độc giả của họ trước khi hợp tác, đảm bảo khớp với chân dung khách hàng mục tiêu của quán đã nhé.

8 Chiến Lược Marketing Cho Quán Cà Phê Đông Khách Hơn (Khi Hoạt Động Ổn Định) 

Decor/menu giới hạn theo mùa/ngày lễ lớn

Thứ gì mới rồi cũng thành cũ, thú vị rồi cũng thành nhạt nhẽo nếu không có sự đổi mới thường xuyên. Tương tự như đồ uống và không gian quán, việc update chúng vào những dịp event lớn sẽ cộng hưởng tích cực với tâm lý khách hàng, khiến họ chú ý nhiều hơn và tăng cường chất lượng trải nghiệm.

Ngoài ra, thay đổi cách decor quán cafe và thêm đồ uống giới hạn chỉ theo mùa hoặc ngày lễ cũng là cách ngon-bổ-rẻ giúp quán của bạn được marketing truyền miệng tự nhiên. Một lượt share từ bài đăng fanpage, một lời tán gẫu từ khách quen với đồng nghiệp, chỉ những hành động nhỏ vậy thôi cũng có thể tạo nên cả ngày bội thu cho cửa hàng.

quầy pha chế De Ville Cafe
Quầy pha chế được trang trí Noel khá xinh tại De Ville Cafe.

ĐỌC THÊM:


Kết hợp bán hàng online

Không phải nơi nào cũng hợp bán đồ ăn/uống online hoặc takeaway, vì điều đó đồng nghĩa với rất nhiều khâu tìm hiểu về cách chuẩn bị, đóng gói, quy trình vận chuyển… Thậm chí, có những món đặc thù chỉ nên dùng trực tiếp ngay khi pha chế xong, rất khó để mang đi đường – cũng là một tâm sự khó nói của nhiều chủ quán.

Tuy nhiên, trong thời buổi dịch bệnh vẫn đang gây nhiều trở ngại lớn cho xã hội, việc chuyển đổi bán hàng online hoặc takeaway là rất đáng áp dụng, đôi khi là chỉ thị bắt buộc nếu bạn muốn tiếp tục duy trì doanh thu.

Ngoài ra, kết hợp nhiều phương thức bán hàng đa dạng ngoài khuôn khổ phục vụ tại quán là một cách mở rộng công việc kinh doanh, thu hút thêm nhiều thị phần khách tiềm năng khác. Sức mạnh của các ứng dụng công nghệ sẽ giúp mọi người tìm hiểu về quán dễ dàng và tự nhiên chỉ qua vài cú chạm màn hình.

Ví dụ, những người đang ở giai đoạn hứng thú tìm hiểu về quán mà chưa có cơ hội tới trực tiếp (do nhà xa, bận bịu…), nay nghe tin có thể đặt đồ online và chứng kiến cách bạn giới thiệu sản phẩm qua hình ảnh hấp dẫn trên app, khả năng cao sẽ trở thành một nhóm khách hàng ruột tiếp theo đó!

Marketing chéo với thương hiệu khác

Làm sao để quán cafe đông khách hơn khi bạn gặp nhiều khó khăn và hạn chế trong việc tìm kiếm khách hàng mới? Hãy tận dụng luôn tệp khách sẵn có của những thương hiệu khác, trở thành đối tác cộng sinh lẫn nhau.

Cách làm khá đơn giản, chỉ cần đôi bên cùng thảo luận để cho ra một chương trình bán hàng chéo – giới thiệu sản phẩm của bên kia tại chính địa điểm kinh doanh của mình, kèm theo một số ưu đãi khi mua kèm, như giảm giá, tặng quà nhỏ…

Có 3 điểm mấu chốt cần lưu ý để chiến thuật này thành công:

a. Tệp khách hàng của 2 bên phải giống nhau 

Tính chất chân dung khách hàng mục tiêu của 2 phía càng có nhiều điểm chung càng tốt, sẽ tối ưu hiệu quả khi giới thiệu chéo, bởi nhiều khả năng tệp khách bên này sẽ ngay lập tức có cảm tình với sản phẩm bên kia do hợp gu và sở thích cá nhân.

b. Đối tác có thể hoạt động cùng ngành nhưng phải khác ngách sản phẩm

Việc hợp tác với một thương hiệu cùng trong ngành kinh doanh ăn uống (Food & Beverage) là điều nên làm vì dễ tìm được tệp khách tương tự. 

Tuy nhiên, nếu họ cũng là một quán cafe thì phải chột dạ ngay, bởi sẽ phát sinh 2 viễn cảnh chính như sau:

  • Họ chọn concept và thị trường ngách giống bạn => Rõ ràng đây là một đối thủ cạnh tranh trực tiếp, gần như không thể tính chuyện “hợp tác” hiệu quả.
  • Họ chọn concept và thị trường ngách khác bạn => Điều này lại làm dấy lên lo ngại về mâu thuẫn tính chất khách hàng – chẳng hạn, một quán cafe vỉa hè truyền thống quen thuộc của các chú bác trung niên thích đàm đạo và xem đá bóng sẽ rất khó liên hệ tới một tiệm specialty coffee có đối tượng khách trẻ, năng động với nhịp sống gấp gáp hơn.

Mặt khác, nếu bạn chọn hợp tác một cửa hàng bánh với chủ đề và nhóm khách tương tự, đây có thể là một quyết định đúng đắn và đem lại lợi ích song hành. Khách tới quán bạn dùng cafe sẽ được giới thiệu sản phẩm bánh (hoặc voucher) của bên kia với giá ưu đãi – và ngược lại. 

Thậm chí, bạn không cần phải bó buộc bản thân tìm kiếm đối tác cùng ngành F&B. Rất nhiều quán cafe có đã và đang kết hợp cùng các bên tổ chức sự kiện để cho thuê không gian làm event, workshop (như Gà Phê). 

không gian indoor tầng 3 Gà Phê
Không gian tầng 3 rộng và yên tĩnh, kết hợp cả indoor và outdoor nên Gà Phê là điểm hẹn khá quen thuộc của nhiều workshop.

Như vậy, các thành viên tham gia sự kiện sẽ đồng thời được trải nghiệm dịch vụ, không gian và đồ uống tại quán, cũng là yếu tố thúc đẩy marketing truyền miệng rất ổn.

c. Sản phẩm của đối tác phải có tiềm năng tốt

Dĩ nhiên rồi, khi đã gửi gắm niềm tin để cùng lan tỏa thương hiệu của nhau thì hãy đảm bảo đối tác cũng phải có sản phẩm tốt. Nếu không, bạn sẽ đánh mất rất nhiều điểm trong mắt khách hàng quen của mình – những người đã tin tưởng thử dùng dịch vụ của phía được giới thiệu nhưng lại nhận về chất lượng không mong muốn.

Đôi khi, vấn đề còn đến từ chính bản thân mình chứ không phải đối tác, bởi sẽ không ai chịu hợp tác nếu thấy quán cafe của bạn còn tồn đọng nhiều nhược điểm. Vì vậy, hãy luôn tự xem xét sự tương xứng chất lượng của cả đôi bên trước khi quyết định bắt tay marketing chéo.

Digital/content marketing 

Các hoạt động marketing nói chung luôn đi kèm với content – nội dung. Content có thể xuất hiện ở rất nhiều hình thức, từ câu chữ, hình ảnh, cho tới một sự kiện, màn trình diễn, thiết kế…

Dưới đây là 4 chiến thuật digital marketing phổ biến, thường xuyên được áp dụng khi kinh doanh cafe: 

a. Website – SEO

Thành lập và sở hữu một website thương hiệu là điều nên làm. Tuy nhiên, nếu muốn nắm trọn vẹn lợi thế từ website và biến nó thành công cụ marketing với tỷ lệ chuyển đổi khách hàng hiệu quả, bạn cần biết tới SEO (Search Engine Optimization).

Về cơ bản, SEO là những quy trình và cách thức tối ưu website cho nhu cầu tra cứu của người dùng trên các công cụ tìm kiếm, đặc biệt là Google Search/Google Maps với lượng truy cập nhiều bậc nhất thế giới. 

Khi website đạt xếp hạng cao cho một từ khóa được tìm kiếm và nằm ở vị trí tốt trên trang đầu, nó sẽ giúp thu hút nhiều lượt truy cập tự nhiên đến tìm hiểu về dịch vụ và thương hiệu của bạn. 

Quá trình này cần được lên kế hoạch kỹ càng, thậm chí thực hiện dài hơi để mang lại hiệu quả, không phải một sớm một chiều. Tuy nhiên, khi đã SEO thành công, lợi ích mà nó mang lại là rất lớn, xếp hàng đầu trong mọi hạng mục digital marketing.

Để giải thích và hướng dẫn luôn về SEO hiệu quả cho quán cafe thì cực dài, mình sẽ dành ra một bài viết riêng khác để hướng dẫn sau. Trong lúc đó, nếu hứng thú các bạn có thể đọc thêm để tìm hiểu về SEO từ Ahrefs (tiếng Anh) – một trong những doanh nghiệp hàng đầu thế giới về kiến thức và dịch vụ dữ liệu SEO. 

b. Báo chí – PR

Nỗ lực PR trên kênh truyền thông đại chúng lâu đời như báo chí (online) vẫn luôn đáng đầu tư nếu biết cách làm đúng và đủ, đem lại độ phủ thương hiệu rất nhanh và hiệu quả nhờ lưu lượng traffic khổng lồ.

2 cô gái đọc báo online
(Ảnh: Kobu Agency)

Nhìn chung, bạn cần có chút khiếu chọn lọc và đào sâu nghiên cứu thị phần độc giả của một thương hiệu báo điện tử, đảm bảo phải “khớp” với chính tệp khách hàng mục tiêu của mình. Đây là bước rất quan trọng, nếu làm sai coi như công sức bỏ tiền PR đổ sông đổ bể.

Ngoài ra, bạn cũng nên tự xem xét quy mô chiến dịch PR trên báo chí. Hãy cân đối ngân sách một cách hợp lý – đừng vội vã thuê bài viết lên các vị trí hot nhất của giao diện báo, hoặc nhắm đến các thương hiệu truyền thông quá lớn, vì chắc chắn chi phí bỏ ra sẽ không hề dễ chịu đâu.

c. Mạng xã hội

Thiết lập tài khoản mạng xã hội cho thương hiệu chưa bao giờ là muộn màng. Trên hết, đây là một kênh digital kiêm content marketing cực kỳ hữu hiệu khi bạn dành đủ thời gian, tâm huyết, và sáng tạo nữa.

Chỉ tính riêng phạm trù xây dựng cộng đồng fan trên mạng xã hội cũng bao hàm nhiều yếu tố và hướng đi phức tạp. Thậm chí, bước khởi đầu khi chọn lựa nền tảng social media – Facebook, Instagram, YouTube, TikTok, hay kiêm nhiều kênh cùng lúc – cũng là một quyết định có ý nghĩa lớn.

Tương tự như website và SEO, rất khó để có thể kể hết mọi thứ về cách vun vén thương hiệu của bạn trên mạng xã hội ngay tại đây. Nếu muốn có một cái nhìn tổng quan nhất, các bạn có thể tham khảo trước một số nguồn kiến thức uy tín như Buffer hoặc Hubspot

d. Chạy quảng cáo trả phí

Những nền tảng dịch vụ hoặc mạng xã hội nổi tiếng có cộng đồng lớn thường sẽ cho phép chạy quảng cáo theo mục tiêu nhân khẩu học, sở thích và nhu cầu người dùng.

(Ảnh: Timothy Hales Bennett)

Thực ra, chạy ads quảng cáo quán cafe có thể coi là hình thức bổ trợ phù hợp với gần như mọi chiến thuật marketing khác, nhất là khi bạn có nhu cầu kéo một lượng traffic truy cập thật nhanh và lớn cho nội dung, sản phẩm hoặc thương hiệu.

Hiện tại, Google và Facebook vẫn là cặp đôi chiếm lĩnh nhiều thị phần nhất trong lĩnh vực digital ads trên toàn cầu. Nếu bạn muốn tự mình đào sâu thêm, hãy tham khảo chính những khóa học miễn phí (có chứng chỉ quốc tế) của 2 ông lớn trên: Google SkillshopFacebook Certification.

Hiệu ứng chim mồi

Hiệu ứng chim mồi “decoy effect” trong marketing là khi bạn tạo ra một bối cảnh bao gồm các lựa chọn không cân xứng – trong đó, tất cả đều được tính toán để tôn vinh một sản phẩm “ưu việt” hơn, thu hút doanh số bán hàng nhiều nhất.

Trong hầu hết mọi trường hợp, sẽ có 3 lựa chọn sản phẩm được đưa ra:

  • Sản phẩm 1: Phiên bản làm nền để khách hàng so sánh mức độ tương quan giá trị sử dụng.
  • Sản phẩm 2: Nhỉnh một chút so với sản phẩm 1 – có nhiều tính năng hơn nhưng chưa thực sự ấn tượng, hoặc vẫn chịu một số nhược điểm nhỏ lẻ.
  • Sản phẩm 3: Vượt trội về mọi mặt so với cả sản phẩm 1 và 2, và tất nhiên giá thường sẽ cao nhất, cho lợi nhuận nhiều nhất.

=> Ở đây, sản phẩm 2 chính là “chim mồi”, thực hiện vai trò mồi nhử để hướng sự chú ý sang sản phẩm 3 là chủ lực. 

Cụ thể, sản phẩm 2 tuy có nổi bật hơn sản phẩm 1 nhưng độ chênh lệch không quá thuyết phục, khiến nhiều người chưa sẵn sàng bỏ tiền ra nâng cấp. Đối với sản phẩm 3 có ưu điểm hàng đầu ở mọi khía cạnh, khách hàng sẽ ngay lập tức chú ý tới.

Theo nhiều thống kê, khách hàng thường sẽ đắn đo nhiều hơn khi đối mặt với 2 sự lựa chọn, thậm chí còn dễ chọn sản phẩm rẻ hơn để tối ưu chi phí. Đó là lúc mồi nhử được giới thiệu, đem đến thêm một sự lựa chọn nữa, khiến mọi người phải cân nhắc nhiều hơn về độ tương quan giá trị và giá bán.

Chỉ cần kết hợp với một số chiến lược thông minh khác về giá thành, chủ thương hiệu hoàn toàn có thể điều hướng sự quan tâm vào sản phẩm có giá trị sử dụng cao hơn, thỏa mãn mong muốn của khách về chất lượng.


Một ví dụ về hiệu ứng chim mồi rất dễ thấy là cách kinh doanh và ra mắt iPhone của Apple. Kể từ đời iPhone XR/XS/XS Max trở đi, họ luôn ra mắt từ 3-4 phiên bản cùng lúc theo năm – gần nhất là iPhone 13 mini, iPhone 13, iPhone 13 Pro và iPhone 13 Pro Max.

Ở đây, iPhone 13 Pro là mồi nhử, có chất lượng tốt hơn iPhone 13 bản thường nhưng chưa đủ nổi bật, lại còn đắt hơn tận $200. Mặt khác, iPhone 13 Pro Max sang xịn mịn nhất lại chỉ tốn thêm $100 so với iPhone 13 Pro. Từ đó, nhiều người sẽ có suy nghĩ “chỉ cố thêm $100 là được”, và rất dễ nghiêng theo quyết định này. 

Còn lại, iPhone 13 mini là sản phẩm thứ 4 nhưng tách biệt hoàn toàn, nhắm vào khách hàng thích iPhone giá rẻ, bất chấp một số hạn chế về hình thức và cấu hình. Đây cũng là nước đi được Apple tính toán kỹ để không gây ảnh hưởng đến mồi nhử ưu tiên cho bản Pro Max.


Trở lại mô hình kinh doanh cafe, chủ quán có thể tận dụng hiệu ứng này cho việc thiết lập các mức giá bán theo size cốc, hoặc sắp xếp các nhóm khuyến mãi đa dạng, tạo ra mồi nhử thông minh để “bẫy” khách hàng của mình.

Tạo gói sản phẩm combo

Đây là một trong những cách làm quán cafe đông khách phổ biến hàng đầu, tác động tinh tế đến khía cạnh giá cả và tâm lý người mua hàng. 

Định giá theo gói hoặc combo gộp chung sẽ cần rẻ hơn tổng giá của từng sản phẩm độc lập cộng lại với nhau. Như vậy, khách hàng lúc so sánh sẽ thấy hứng thú vì giá combo hời hơn, sẵn sàng mua nhiều sản phẩm thay vì 1 sản phẩm như dự định, tăng tỷ lệ doanh thu trung bình.

Một số ví dụ phổ biến có thể kể đến như chương trình giảm giá khi gọi 5 cốc trở lên, hoặc tự do up size/vận chuyển hàng miễn phí khi mua 3 cốc,…

Ưu đãi theo khung giờ

Mặc dù không thực sự phù hợp với mọi thị trường ngách, nhưng quyết định ưu đãi theo giờ vẫn đáng cân nhắc nếu bạn thật sự hiểu rõ nhu cầu của khách hàng. Không ít quán cafe đã tận dụng thành công điều này để tối ưu chi phí vận hành, thúc đẩy doanh số ổn định, tăng tỷ lệ khách gắn bó lâu dài. 

Chẳng hạn, bạn đã nắm rõ tính chất của tệp khách quen thuộc – như nhân viên văn phòng hoặc sinh viên – việc tạo một chương trình giảm giá chỉ dành cho khung giờ như 7h-9h sáng hoặc 12h-13h trưa có thể sẽ đem lại hiệu quả nhanh chóng.

ăn sáng với cafe và bánh ngọt
Các khách hàng có thói quen ăn sáng cùng cafe chắc chắn sẽ thích chương trình ưu đãi theo khung giờ sáng. (Ảnh: Sarah Swinton)

Ưu đãi này vừa tạo một phần tâm lý FOMO khiến họ cảm thấy hấp dẫn hơn, vừa phù hợp với thói quen dùng cà phê và lịch làm việc của khách. Từ đó, họ sẽ dễ bỏ qua lựa chọn tới quán cafe đối thủ mà sẵn sàng trung thành lâu dài với bạn.


ĐỌC THÊM:


Wi-Fi marketing

Wi-Fi marketing là cách thức quảng cáo dựa vào quá trình đăng nhập sử dụng Wi-Fi. Khi khách chọn Wi-Fi trên điện thoại, thay vì kết nối thẳng, hệ thống ứng dụng Wi-Fi marketing sẽ bắt buộc người dùng phải tương tác một chút.

Khi đó, bạn có thể cài đặt cho giao diện hiển thị thêm thông tin về quán, giới thiệu các sản phẩm hoặc dịch vụ độc đáo, thêm một số bước gợi ý hoặc yêu cầu khác (nhập họ tên, độ tuổi, nghề nghiệp, mời tải app…).

Thậm chí, bạn có thể khai thác các điểm truy cập Wi-Fi của người khác nếu họ cho phép quảng bá theo hình thức Wi-Fi marketing. Chẳng hạn, Wi-Fi ở các trường học hoặc siêu thị thường có lưu lượng người dùng công cộng rất lớn, hãy cân nhắc hợp tác và đặt quảng cáo lên giao diện đăng nhập Wi-Fi của họ. 

3 Chiến Lược Marketing Giữ Chân Khách Hàng & Tạo Lòng Tin Gắn Bó Lâu Dài

Thẻ thành viên, thẻ tích điểm

Dù đã xây dựng được một quán cafe đông khách, nhiều thương hiệu vẫn rất cẩn thận trong việc giữ chân họ và xây dựng tầm nhìn lớn mạnh hơn – bằng cách thiết kế hệ thống thẻ thành viên hoặc thẻ tích điểm.

Thông thường, những khách hàng sở hữu loại thẻ này sẽ được hưởng ưu đãi đặc biệt, thậm chí độc quyền so với khách vãng lai.

Đừng lo ngại việc phải đầu tư nhiều tiền làm hẳn app như The Coffee House, hay thẻ nhựa dập chìm tương thích máy quét mã từ. Thực tế, rất nhiều nơi vẫn chọn cách làm truyền thống đơn giản: In thẻ bằng giấy bìa cứng, dùng con dấu điểm vào số lần khách sử dụng dịch vụ để tính mốc ưu đãi khi đạt chỉ tiêu.

Các chương trình thành viên có thể được thiết kế với nhiều điểm sáng tạo, kích thích nhu cầu tiêu dùng của khách: Từ giảm giá tới đổi quà, tặng đồ trang trí, lưu niệm nhân dịp lễ, sinh nhật… Kể cả là những món quà nhỏ không đáng nhiều tiền, nhưng họ sẽ thấy mình được trân trọng hơn, sẵn sàng gắn bó lâu dài hoặc giới thiệu quán của bạn tới người khác.

(Ảnh: Chuttersnap)

Tặng voucher giảm giá

Cũng hao hao việc khuyến mãi trực tiếp tại quán, vậy tại sao lại phải tách voucher thành một mục riêng? Thực chất, phương pháp này có tác dụng giúp giữ chân khách tốt hơn đáng kể so với kiểu giảm giá thông thường.

Mỗi voucher thường sẽ có hiệu lực cho LẦN TIẾP THEO tới dùng đồ uống tại quán. Vì vậy, khi tặng voucher, bạn sẽ đồng thời khuyến khích khách hàng tiếp tục trung thành với thương hiệu của mình để được hưởng ưu đãi này.

Hơn nữa, khi được tặng voucher – dù là bản cứng hay mã voucher online – nhiều khách thường có tâm lý muốn sử dụng kịp thời cho đỡ phí, hoặc tặng lại cho bạn bè, người thân. Như vậy, quán của bạn sẽ có thêm một nhóm khách hàng mới do khách hàng cũ giới thiệu truyền miệng một cách tự nhiên.

Facebook Remarketing 

Hiện tại, Facebook vẫn là mạng xã hội chiếm tỷ trọng top đầu về cộng đồng người dùng trên toàn thế giới, và hệ sinh thái các công cụ digital marketing tích hợp cũng được thiết kế hoàn thiện nhất. Vì vậy, chiến thuật remarketing cho quán cafe sẽ được giới thiệu dựa trên nền tảng này.

Về cơ bản, Facebook remarketing là quy trình chạy quảng cáo hướng tới những người đã từng truy cập và tương tác với bạn trên Facebook, hoặc trên trang web liên kết với page của bạn.

facebook remarketing infographic

Dĩ nhiên, bạn sẽ không tốn tiền chạy ads vô tội vạ để hiển thị cho tất cả nhóm người trên, mà chỉ chọn lọc những ai có khả năng chuyển đổi thành khách hàng tiềm năng nhất.

Vậy làm điều này bằng cách nào? Hệ thống Facebook Business sẽ cho bạn biết toàn bộ dữ liệu chi tiết về hành vi truy cập của người dùng – ai từng tương tác hoặc lưu bài đăng của page, ai vào website nhưng không đặt hàng,… Từ đó, bạn sẽ chọn những đối tượng cần thiết để làm mục tiêu hiển thị quảng cáo quán cafe.

Kể cả khi bạn không sử dụng website hay fanpage để bán hàng online, việc tiếp cận với dữ liệu tương tác của người dùng mạng xã hội cũng sẽ mở ra nhiều góc nhìn mới, giúp thay đổi hướng phát triển và remarketing tùy từng thời điểm. 

Khi chọn được đối tượng phù hợp kèm theo chiến thuật content quảng cáo đúng đắn, bạn có thể thuyết phục thành công những tệp khách mới đang hứng thú nhưng còn phân vân, hoặc níu chân những khách quen hiện tại tiếp tục tin tưởng sử dụng dịch vụ của quán.

Nếu còn lạc lối chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy tham khảo bài viết về 14 chiến lược Facebook Remarketing do SearchEngineJournal đề xuất.


ĐỌC THÊM:


Trên đây là tổng hợp 18 chiến lược marketing cho quán cafe theo từng giai đoạn phát triển. Mong rằng mỗi chủ quán cafe sẽ tận dụng được ít nhiều để tạo nên dịch vụ chất lượng cao và có chất riêng, sau cùng sẽ thu được thành công rực rỡ trên chặng đường kinh doanh của mình.