Chọn mặt bằng quán cafe: 12 “kinh nghiệm vàng” ít người biết

Trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống nói chung và quán cafe nói riêng, mặt bằng luôn là nhân tố đặc biệt quan trọng. Không phủ nhận việc một số quán nổi đình đám dù không cần vị trí đẹp, nhưng mặt bằng vẫn giữ vai trò then chốt cho mức độ thành công của thương hiệu.

Dưới đây là tổng hợp 11 kinh nghiệm và lời khuyên thực tế về cách chọn mặt bằng lý tưởng cho quán cafe, kèm theo những bài học xử lý tình huống bất lợi mà người làm dịch vụ ăn uống cần phòng tránh.

7 Điều Ưu Tiên Khi Chọn Mặt Bằng Quán Cafe Đẹp

Thuê nhà hay thuê đất?

Nhiều người nghĩ rằng vị trí là quan trọng nhất, nhưng thực ra hình thức thuê mặt bằng mở quán cafe mới là yếu tố cần tính toán trước tiên – vừa có tác động lớn tới chi phí khởi điểm, vừa liên quan mật thiết tới cả định hướng đầu tư và mô hình kinh doanh về lâu dài.

Thuê đất hay thuê nhà sẽ có lợi hơn?

a. Thuê nhà

Nhà thuê làm mặt bằng kinh doanh được hiểu là một kiến trúc hoàn thiện, có đầy đủ nền, tường, tầng, mái.

Ưu điểm: Tốn ít chi phí đầu tư thêm, chủ yếu là hoàn thiện hình thức, trau chuốt nội thất và decor.

Nhược điểm:

  • Bị giới hạn thiết kế do phải giữ nguyên khung nhà cũng như bố cục kiến trúc gốc.
  • Chi phí cao hơn so với việc chỉ thuê đất nền trống.

b. Thuê đất

Với mặt bằng là đất trống, phải luôn nhớ hoàn thành thủ tục giấy phép xây dựng theo đúng luật lệ. Tiếp đến, thực hiện đúng quy định trên giấy tờ – công trình được xây bao nhiêu tầng, thiết kế dạng nhà thế nào… Bạn có thể chủ động nhờ chủ đất hỗ trợ trong quá trình xin giấy phép này.

Ưu điểm:

  • Chi phí thuê đất thấp hơn, đỡ áp lực trong việc tính toán thời gian hòa vốn.
  • Có thể tự do sáng tạo nhiều hơn khi decor và sắp xếp nội thất quán cafe, thậm chí dự trù phương án tiết kiệm khi làm kiến trúc nhà đơn giản.

Nhược điểm: Phải chuẩn bị một khoản riêng không nhỏ làm vốn đầu tư thi công, cũng là một bài toán đau đầu với nhiều người.


6 lưu ý đặc biệt khi thuê nhà/đất mở quán cafe

  1. Hiệu lực hợp đồng tối thiểu 3 năm thuê nhà hoặc 5 năm thuê đất: Hãy chắc chắn về vị thế kinh doanh thuận lợi lâu dài, vì bạn sẽ không muốn phải di dời địa điểm với hàng tá việc và chi phí phát sinh đâu.
  2. Thỏa thuận hỗ trợ phí thuê: Nên trao đổi với chủ đất/nhà cho miễn tiền thuê trong 1 tháng đầu để sửa sang hoặc thi công trước khi hoạt động chính thức, và không tăng giá thuê trong 2-3 năm đầu thì càng tốt (giúp hoàn vốn thuận lợi hơn).
  3. Chỉ làm việc trực tiếp với chủ tài sản cho thuê: Chủ ở đây phải là người đứng tên sở hữu tài sản trên giấy tờ sổ đỏ. Mọi hành động như thống nhất điều khoản, đặt cọc, ký kết đều chỉ thực hiện với chủ tài sản, không thông qua người khác dù là vợ chồng, con cái. Nếu không, bạn có thể bị “hớ” và mất tiền cọc khi xảy ra mâu thuẫn.
  4. Thống nhất mọi hạng mục thi công trong hợp đồng: Khi chủ tài sản đồng ý về các chi tiết có thể phá, tháo bỏ, cải tạo hoặc thay mới, hãy thêm vào một phần điều khoản trong hợp đồng. Làm vậy sẽ tránh việc chủ đất/nhà đột ngột đổi ý, gây khó dễ về sau.
  5. Xác nhận tình trạng mặt bằng cần bảo đảm ở thời điểm kết thúc hợp đồng: Điều này giúp phòng ngừa tình huống chủ nhà vì lý do nào đó cố tình không cho gia hạn hợp đồng sau kỳ đầu (có thể vì xích mích, hoặc ghen tị muốn “chiếm” mặt bằng đẹp đẽ đã được sửa sang).
  6. Xác nhận hướng giải quyết khi chủ muốn lấy lại mặt bằng sớm trước thời hạn: Hãy thống nhất việc chủ mặt bằng phải đền cọc và chi phí xây dựng khấu hao theo thời gian. Tốt nhất, bạn nên đảm bảo đơn vị thiết kế thi công có hợp đồng (công chứng), nghiệm thu và quyết toán chi tiết – sẽ là cơ sở pháp lý rõ ràng khi xảy ra tranh chấp.

Nhìn khách mà chọn vị trí

Sau khi quyết định chọn giữa thuê nhà hay thuê đất, điều tiếp theo là xác định vị trí mặt bằng theo đúng tính chất và nhu cầu của nhóm khách hàng mục tiêu. Nếu tự tin làm chuẩn bước này (phải thật chắc chắn theo dữ liệu nghiên cứu thị trường), bạn thậm chí có thể bỏ qua hết các mục tiếp theo trong phần này.

Thử lấy một ví dụ đơn giản:

  • Mục tiêu bán cafe pha thủ công truyền thống, tập trung vào khách hàng từ U40 trở lên, sống và làm việc ở gần. Bạn nghĩ rằng đổ tiền nhiều chọn mặt bằng trên phố lớn trung tâm, lư lượng người qua lại lớn sẽ tự khắc thu hút khách tự nhiên.
  • Thế nhưng, nếu chỉ dựa theo cảm tính bề nổi và quá ảo tưởng về giá trị mặt tiền hot, bạn sẽ không thể biết trên phố đó đã có bao nhiêu hàng cafe truyền thống khác đang giành giật nhau; hay tính chất khách quanh đó chủ yếu là giới trẻ, thích sự tiện lợi, hình thức đẹp và hương vị đa dạng của cafe ngoại pha máy.
  • Ở một diễn biến khác, đâu đó thuộc khu vực ngoại thành cách xa 20km kém sầm uất hơn, thị trường ngách về cafe truyền thống vẫn đang rất “dễ thở”, nhiều cụm dân cư và gia đình sống lân cận. Mọi thứ cần làm là quản lý quy trình thật tốt, trở thành thương hiệu tiên phong về độ hoàn thiện chất lượng dịch vụ, đồ uống. Khi đó, việc thu hút khách trung thành với quán chỉ còn là vấn đề thời gian.

Chọn đi theo sức hấp dẫn của mặt tiền hot trên phố lớn, hay khôn khéo đặt quán ở địa điểm nhiều lợi ích về thị phần cạnh tranh và tệp khách hàng dồi dào – chắc hẳn bạn đã tự biết câu trả lời cuối cùng là gì rồi.

Vì vậy, đừng dễ sa đà vào những lời mời chào mặt bằng “gần trung tâm”, “sát trường học và văn phòng”… Chọn mặt bằng ở nơi đông người có thể tốt, nhưng trên hết, phải đúng với tệp khách hàng mục tiêu để có thể chuyển đổi thành doanh thu nhé.


Tham khảo TẠI ĐÂY để hiểu thêm về cách lập kế hoạch nghiên cứu và xác định nhóm khách hàng mục tiêu cho quán cafe.


Mặt tiền đường phố

“Nhà mặt phố” vẫn luôn là một ước mơ xa xỉ dành cho bất kỳ ai kinh doanh dịch vụ ăn uống, bởi lưu lượng người đi qua rất lớn. Từ đó, một bộ phận khách hàng tiềm năng sẽ nghiễm nhiên nhìn thấy quán của bạn.

mặt tiền Drop In Cafe

Mặt khác, nếu bạn chỉ có thể đầu tư mặt bằng bố trí quán cafe ở vị trí khuất trong ngõ ngách, khâu quảng bá thương hiệu đến khách hàng trong thời gian mới mở sẽ là một thách thức khó nhằn. Số lượng người qua lại ở những nơi này sẽ ít hơn nhiều so với các tuyến đường phố chính.

Dĩ nhiên, mặt tiền quán cafe đẹp không có nghĩa bạn sẽ thành công – vì còn phụ thuộc vào thiết kế, marketing, chất lượng dịch vụ… – nhưng chắc chắn sẽ là bước tạo đà cực kỳ lợi thế cho cửa hàng.

Mặt tiền rộng tối thiểu 5-6m

Khi tìm kiếm hoặc thỏa thuận đầu tư mặt bằng mở quán cafe, hãy đảm bảo mặt tiền có thể đạt từ 5-6m chiều rộng (nếu hơn thì càng tốt, tùy vào tiềm lực và chiến lược kinh doanh). Khi đó, diện tích hoạt động dành cho quán của bạn sẽ hưởng những ưu điểm sau:

  • Không gian thoáng đãng, không lo dạng nhà ống, hẹp hoặc kín, có thể gây ấn tượng chật chội, thiếu thoải mái.
  • Thuận lợi sắp xếp bàn ghế và chỗ ngồi theo hàng ngang, chưa kể nội thất, phụ kiện trang trí…
  • Quảng cáo và marketing offline ngoài trời sẽ đạt hiệu quả cao hơn, dễ được khách hàng chú ý (thông qua biển hiệu hấp dẫn, decor quán cafe bắt mắt)

Trong trường hợp không có vị trí rộng như ý, chỉ làm được mặt bằng quán cafe nhỏ, cố gắng chọn nơi có chiều rộng đạt ít nhất xấp xỉ 4m, không nên nhỏ hơn quá nhiều. 4m cũng là lựa chọn mặt tiền phổ biến cho rất nhiều cửa hàng ở trung tâm thành phố, nơi có đặc thù về lượng khách đông và di chuyển nhiều nên dù có hụt 2-3m chiều rộng thì vẫn được an ủi phần nào.   

Ưu tiên vị trí góc giáp ngã ba, ngã tư

Ở góc giao nhiều đường phố tạo thành ngã ba/tư, quán của bạn sẽ nghiễm nhiên được hưởng những lợi ích siêu đắt giá mà bất kỳ chủ thương hiệu F&B nào cũng khao khát:

  • Đặc thù quán cafe 2 mặt tiền: Siêu có lợi cho các hoạt động marketing và quảng bá ngoài trời (out-of-home advertising) với diện tích phủ lớn gấp đôi một quán thông thường.
  • Lưu lượng người qua lại rất lớn.
  • Dễ tối ưu không gian rộng rãi, thoáng đãng, trang trí mặt tiền quán cafe độc đáo, hoặc khai thác view đường phố đẹp.
La Mensa Tông Đản
Nằm ở nút giao Tông Đản x Trần Nguyên Hãn, La Mensa có lợi thế rất lớn về mặt tiền kép. (Ảnh: Fanpage La Mensa)

Tuy nhiên, song hành với những ưu thế trên cũng là nhiều lưu ý và rủi ro có thể khiến bạn choáng ngợp. Dễ thấy nhất là giá cho thuê mặt bằng mở quán cafe rất cao, gấp đôi hoặc gấp rưỡi so với vị trí có 1 mặt tiền trong cùng khu vực, cùng diện tích.

Chọn đường 2 chiều và ít dải phân cách

Nếu không nắm được cơ hội đặt quán ở góc ngã ba ngã tư, đừng vội chọn bừa mặt tiền trên một con phố gần đó mà bỏ qua những yếu tố này: Đường 2 chiều, không có (hoặc ít) dải phân cách, nhiều người qua lại thì càng tốt.

Với hình thức di chuyển 2 chiều, lượng khách tiếp xúc tự nhiên với mặt tiền của quán chắc chắn nhiều hơn so với đường 1 chiều. Ngoài ra, đường phố không có dải phân cách ở giữa sẽ giảm đáng kể sự bất tiện. Đôi khi, có những trường hợp khách đi quá lố rồi từ bỏ ý định vào quán vì… ngại quay đầu đi một vòng nữa do vướng dải phân cách.

Nếu không còn lựa chọn nào ngoài làm bạn với một con phố như trên, nhớ chọn vị trí ở sát điểm quay đầu của dải phân cách, sẽ tiện hơn nhiều cho những ai chưa thuộc đường tới quán, không lo trở ngại di chuyển. 

Tính toán chỗ để xe

Khu vực để xe cho khách cũng là điều kiện chủ chốt tác động đến năng suất bán hàng và doanh thu của quán.

Không quan trọng mặt bằng của bạn đủ rộng để chừa diện tích để xe, hay bạn xây hết đất và phải thuê bãi trống bên cạnh – điều duy nhất bạn cần biết là tính toán sức chứa khách hợp lý, và đảm bảo khu để xe luôn luôn hoạt động ổn định.

mặt tiền quán Dome Kafe
Khu vực để xe cần có sức chứa phù hợp với công suất của quán.

Ví dụ, quán cafe của bạn có thể phục vụ 100 khách cùng lúc, nhưng bãi để xe chỉ vừa đủ xếp 10-20 xe máy, chưa nói tới khách đi ô-tô. Để điều đó xảy ra chẳng khác gì tự đuổi khách khỏi cửa.


ĐỌC THÊM:


3 Điều Cần Tránh Khi Thuê Mặt Bằng Kinh Doanh Cafe

Vị trí giáp mặt quốc lộ

Những tuyến giao thông quốc lộ then chốt không phải nơi có nhiều cụm dân cư sinh sống. Vì vậy, kinh doanh dịch vụ ăn uống ở vị trí này hầu hết chỉ gặp kiểu khách vãng lai tiện đường ghé vào, không phải khách trung thành định cư gần đó để có thói quen qua lại thường xuyên.

Dĩ nhiên, số lượng khách vãng lai cũng không hề nhỏ, thậm chí nhiều hàng quán mở giáp quốc lộ vẫn đang hoạt động rất khấm khá. Thế nhưng, cách thức duy trì ổn định khách hàng sẽ có tính chất rất khác, không phải một sân chơi dễ cho các chủ quán cafe. 

Bạn thử kể tên xem bao nhiêu thương hiệu lớn đặt chi nhánh cửa hàng trên quốc lộ? Có thể bạn sẽ là người đầu tiên đi ngược số đông để làm điều phi thường này, nhưng hãy suy nghĩ thật kỹ vì tới nay chưa thấy ai khuyên nên làm vậy cả.

Quán của chủ cũ sang tên

Chuyện các chủ cửa hàng ăn uống sang nhượng lại toàn bộ dự án và thương hiệu không phải là hiếm, có thể xuất phát từ rất nhiều lý do. Thế nhưng, phần lớn nguyên nhân thường đến từ tình trạng kinh doanh thất bát, thua lỗ, không có tiềm lực tiếp tục mở quán.

Dù có tu sửa hình thức mới toanh, thay tên đổi họ thành một thương hiệu mới, sẽ vẫn còn những vấn đề phải khiến bạn phải xem xét kỹ:

  • Vì sao chủ cũ thua lỗ, có phải do địa điểm này không đẹp như kỳ vọng mà bạn chưa nhận ra để khắc phục?
  • Chất lượng dịch vụ của quán trước đó ra sao: Nếu những khách cũ có trải nghiệm không tốt, họ sẽ khó quay lại – có thể do tâm lý ngại vì “dớp”, có thể không biết đây là quán mới chủ mới.
  • Xử lý dụng cụ và đồ đạc của chủ cũ: Vứt đi thì tiếc, còn dùng tiếp đồ có sẵn lại khiến bạn gò bó tư tưởng sáng tạo cho khâu set up và decor quán mới.

Ở chung với chủ cho thuê mặt bằng

Tương tự khi bạn thuê nhà để ở, việc kinh doanh trên đất/nhà ở chung với chủ cho thuê (dù khác tầng lầu) sẽ ít nhiều gây ra phiền toái không đáng có. Chẳng hạn:

  • Vấn đề phát sinh từ cách tính đơn giá điện nước và các dịch vụ liên quan, kể cả khi đã lắp đồng hồ hoặc phương tiện đo riêng.
  • Cảm giác không thoải mái, bị nhòm ngó trong quá trình thi công hoặc bán hàng, đôi khi còn là tọc mạch, gây khó dễ.
Chỉ nên chọn mặt bằng dành riêng cho hoạt động kinh doanh, không chung chủ. (Ảnh: Loifotos)

ĐỌC THÊM:


2 Bộ Phận/Cơ Quan Cần Chú Ý Khi Thuê Mặt Bằng Quán Cafe

Hàng xóm

Những hộ dân sống kế bên hoặc rộng ra là khu vực dân cư lân cận cũng có thể gây ảnh hưởng (cả tích cực lẫn tiêu cực) lên hoạt động kinh doanh của bạn.

Tất nhiên chẳng ai lại muốn tạo hiềm khích lẫn nhau, nên hãy luôn giữ thái độ hòa nhã, vui vẻ với hàng xóm. Trên hết, họ có thể là “đồng minh” hữu ích, giúp cung cấp thông tin kỹ hơn về tính chất khu vực, hoặc những câu chuyện không phải ai cũng biết.

Để mọi thứ trở nên suôn sẻ và tạo được ấn tượng tốt, đừng tiếc một lời chào hỏi tới các hộ dân xung quanh khi mới mở quán, thậm chí mời họ qua giới thiệu, thử món miễn phí khi khai trương.

Chính quyền sở tại

Điều quan trọng phải nhắc lại một lần nữa: Luôn chuẩn bị và đăng ký đầy đủ các giấy tờ pháp lý liên quan đến hoạt động quán cafe của bạn – giấy phép đăng ký kinh doanh, chứng thực nguồn gốc nguyên liệu, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy…

Cụ thể, sẽ có 3 cơ quan mà bạn cần làm việc hoặc tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp:

  • Ban quản lý an toàn thực phẩm: Phòng ban này có thể thường xuyên qua kiểm tra chất lượng vệ sinh, chế biến thực phẩm, cùng các giấy tờ hợp lệ khác.
  • Ban quản lý trật tự đô thị: Bạn cần lưu ý hoạt động sử dụng vỉa hè, lòng đường trước cửa quán, không lấn chiếm vượt giới hạn cho phép vì phòng ban này sẽ đi tuần tra và xử lý nghiêm khắc. Nếu có nhu cầu phát sinh ngoài ý muốn, hãy luôn đề xuất và trao đổi với họ trước khi thực hiện.
  • Công an khu vực: Trừ khi có nhu cầu đăng ký tạm trú tạm vắng, bộ phận này sẽ không xuất hiện thường xuyên. Tuy nhiên, họ sẽ là cứu cánh cho những vấn đề nghiêm trọng như tình huống gây gổ, náo loạn, hoặc vấn đề tiêu cực khác trong xã hội gây ảnh hưởng đến quán của bạn.

ĐỌC THÊM:


Hy vọng qua những kinh nghiệm đúc kết trên, mỗi người sẽ có thêm những hiểu biết cặn kẽ hơn về khâu chọn lọc mặt bằng quán cafe và gặt hái được thành công trên đường dài.

Bài viết tham khảo một phần thông tin từ chia sẻ của anh Brian Dang. Cảm ơn anh vì những kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu của mình.