2 kênh Podcast “sạch & xịn” về chủ đề phát triển bản thân cho Gen Z

Lâu lâu mới chia sẻ thêm quan điểm trên đây, cũng để một phần cho mọi người nhớ rằng đây là một blog cá nhân, của một người cũng mới chập chững tập lớn thôi chứ không to tát gì 😛

Bản thân thuộc thế hệ Gen Z đầu, không sở hữu một gia cảnh đặc biệt và ưu ái ở vạch đích, nên mình khá hiểu những lo toan khi bước vào độ tuổi trưởng thành. Ra trường, kiếm việc làm và thăng tiến – ai cũng biết đó là lúc nên gác lại dần những thú vui sang một bên, nhường chỗ cho định hướng nghiêm túc để xây dựng một tương lai tốt hơn.

Tuy nhiên, sự nghiệp và công danh chưa hẳn có vai trò lớn nhất trên chặng đường dài này. Đối với mình, tư duy và lối sống mới thực sự là cán cân cốt lõi, giúp kiểm soát và thúc đẩy phát triển bản thân một cách tích cực và hoàn thiện nhất.

Thất bại trong định hướng công việc vẫn có thể đứng lên làm lại – điều này đã được chứng minh bởi hàng nghìn triệu phú trên toàn thế giới. Thế nhưng, thất bại trong tư duy sống sẽ để lại vết trượt dài cực kỳ lớn, nhiều khi không thể khắc phục. Vậy nên, sau đây là 3 podcast mình đang theo dõi và cảm thấy cực kỳ tâm đắc cho những bạn trẻ muốn phát triển bản thân theo cách khoa học nhất.

Tại sao lại là podcast? 3 lý do bạn nên tập thói quen nghe podcast thường xuyên

Podcast là loại hình nội dung âm thanh, được ghi rồi phát lại trên các nền tảng số, thường được đầu tư hình thức trau chuốt (dạng series, quan điểm chuyên nghiệp, phỏng vấn khách mời…), đầu đuôi rõ ràng, đem lại giá trị nhất định chứ không đơn thuần là chia sẻ ngẫu hứng.

Dù không được ưu ái và phổ biến nhiều bằng nội dung chữ hay hình ảnh, nhưng podcast lại sở hữu 3 ưu điểm cực lớn cho người tiêu thụ nội dung mà các dạng video, ảnh hay bài viết khó cạnh tranh được.

podcast
(Ảnh: Open Universities Australia)

1. Tiết kiệm thời gian đa nhiệm

Nghe podcast, xem video hay đọc một bài viết – tất cả đều khiến bạn tốn thời gian để lĩnh hội nội dung được truyền tải. Thế nhưng, podcast là lại hình thức duy nhất cho phép bạn vừa tiêu thụ nội dung, vừa làm một việc khác mà vẫn tập trung, gần như không bị vướng víu và ngắt quãng.

Thử nghĩ mà xem, bạn không thể theo dõi video hay đọc báo và làm một việc khác cùng lúc, vì chúng yêu cầu mắt hoạt động liên tục, chú ý vào tâm điểm nội dung được truyền tải.

Mặt khác, khi nghe podcast, bạn có thể mở rộng lựa chọn đa tác vụ, thực hiện được nhiều hoạt động thường ngày cùng lúc (như lái xe, làm bếp,…) mà không lo gián đoạn. Như vậy, với cùng một quãng thời gian, chúng ta vừa có thể làm nhiều hơn một đầu việc, vừa thu nạp được kiến thức từ podcast.

2. Miễn phí

Không phải toàn bộ, nhưng hầu hết các nền tảng và nhà sản xuất podcast hiện nay đều cung cấp nội dung miễn phí cho thính giả.

Tỷ lệ nội dung miễn phí ở hạng mục podcast được thống kê cao hơn rất nhiều so với nội dung hình ảnh hoặc chữ. Vì podcast là loại hình nội dung mới nổi (và cũng kén người dùng hơn) trong thời đại số, nên cộng đồng tác giả rất tâm lý, sẵn sàng hoạt động phi lợi nhuận để đổi lấy sự ủng hộ ban đầu của số đông.

Việc tốn xấp xỉ 1 phút để xem một đoạn quảng cáo hay đóng tiền hàng tháng để đọc báo sẽ là chuyện mò kim đáy bể ở podcast. Nếu có, đó thường là những đoạn giới thiệu nhà tài trợ rất nhanh, bạn hoàn toàn có thể tua bỏ qua bất cứ lúc nào (chứ không bắt xem hết hoặc chèn giữa chừng như YouTube và Facebook).

3. Cải thiện não bộ

Vì không sử dụng thị giác, chỉ sử dụng thích giác nên nghe podcast sẽ khiến não bộ làm việc nhiều hơn, kích thích trí tưởng tượng và khả năng nghe hiểu kiến thức.

Cụ thể, khi nghe lời thoại, bộ não chúng ta sẽ tự động tái tạo các chuỗi hình ảnh liên quan trong suy nghĩ, giúp tiếp nhận thông tin tốt hơn. Nhờ đó, khả năng liên tưởng và tập trung của não cũng được cải thiện. Nếu đó là podcast nước ngoài, lợi ích và phản xạ ngôn ngữ lại càng được củng cố nhiều hơn, bởi bạn sẽ để tâm nhiều đến cả từ vựng và phong cách phát âm chuẩn.


ĐỌC THÊM:


2 kênh podcast về phát triển bản thân không thể bỏ qua

1. The Present Writer – tài chính, giáo dục, hướng nghiệp

Podcast của chị Chi Nguyễn – The Present Writer – gây ấn tượng mạnh về nét nhẹ nhàng, gần gũi hơn với thính giả trẻ, nhờ kết hợp thêm nhiều chủ đề về tài chính cá nhân, chuyện tình cảm, lối sống và các tư vấn hướng nghiệp.

the present writer
(Ảnh: The Present Writer blog)

Từ nghiên cứu sinh trở thành Tiến sỹ giáo dục và tác giả sách, nhưng chị Chi Nguyễn không hề bị gán với phong cách học thuật cứng nhắc mà vẫn toát lên phong cách trẻ trung, năng động trong từng bài viết hay tập podcast. Xuất phát điểm từ gia cảnh bình thường, vượt qua nhiều khó khăn để chính thức định cư tại Mỹ và đạt thành tích đáng ngưỡng mộ, không khó hiểu khi chị trở thành hình mẫu để rất nhiều bạn trẻ hướng tới.

Khi nghe podcast The Present Writer, mình thường chú ý nhiều hơn đến các tập về tài chính và phong cách sống tối giản. Tuy chủ đề tài chính cá nhân chưa được thể hiện cụ thể như chú Ngọc Hiếu, nhưng các góc nhìn của chị Chi về lối sống tối giản lại cực kỳ cuốn và dễ tiếp thu – bởi cuốn sách của chị cũng viết về chính chủ đề này.

Tuyến nội dung về sự tự phản ánh bản thân (self-reflection) cùng những bài học chị Chi rút ra từ thất bại của chính mình cũng là những tập đáng nghe để xây dựng vốn sống và kinh nghiệm đối phó với những vấn đề thường gặp.

2. Optimal Health Daily – sức khỏe, lối sống

Dù có kiếm ra cả núi tiền nhưng nếu thiếu sức khỏe, cuộc đời bạn sẽ chẳng còn nghĩa lý gì. Đó là lý do kênh podcast thứ 3 mình muốn giới thiệu sẽ tập trung 100% vào chủ đề này.

Optimal Health Daily là một trong những kênh podcast nổi tiếng hàng đầu trên thế giới về hạng mục sức khỏe, tập luyện và dinh dưỡng, được sáng lập và quản lý bởi Tiến sỹ Neal Malik – người có chuyên môn và danh tiếng lớn trong tất cả các khía cạnh trên. Các tập podcast sẽ gồm cả nghiên cứu và kết luận của những giáo sư, tiến sỹ khác cùng ngành, được chia sẻ và đúc kết lại theo lối kể chuyện cô đọng, dễ hiểu.

optimal health daily podcast
(Ảnh: apple podcasts)

Không chỉ là thể chất, Optimal Health Daily cũng có những quan điểm thức thời và hiện đại về sức khỏe tinh thần, đồng thời đề cập đến nhiều sản phẩm và tâm điểm còn đang gây tranh cãi, giúp chúng ta nhìn nhận một cách khách quan nhất.

Điểm lưu ý duy nhất về podcast này là ngôn ngữ hoàn toàn bằng tiếng Anh. Nếu bạn muốn tìm kiếm một kênh podcast tương tự trên thị trường Việt thì rất tiếc, tính đến thời điểm hiện tại mình chưa thấy cái tên nào thật sự đủ chuyên sâu và nổi bật. Mặt khác, với những ai có khả năng ngoại ngữ tốt hoặc ít nhất đủ nghe hiểu, đây sẽ là lựa chọn rất hợp lý để vừa tiếp thu kiến thức, vừa rèn luyện phản xạ tiếng Anh hàng ngày.