Nitro Coffee: “Họ hàng gần” của Cold Brew – chuẩn cà phê mà uống như bia

Hầu hết các loại cà phê trên thế giới đều được chiết xuất nhờ nhiệt độ cao – ngoại trừ dòng họ nhà Cold Brew, hay còn được gọi với cái tên “cà phê ủ lạnh”. Nhờ tính chất này, cold brew được coi là chân ái cho hàng triệu tín đồ cafe vào mùa hè nóng bức.

Thế nhưng, ít ai biết cold brew còn có một người anh em, tuy cùng họ nhưng được trời phú thêm những phẩm chất đặc biệt khác: Nitro coffee. Thậm chí, ở một số thị trường, đây còn là sản phẩm làm mưa làm gió, trở thành trào lưu mạnh mẽ với doanh thu khổng lồ.

Vậy cà phê Nitro là gì, và tại sao lại có thể dễ dàng nổi bật lên so với mặt bằng chung như vậy?

Tổng quan về Nitro Coffee

Nitro coffee là gì?

Cà phê Nitro thực chất vẫn là cold brew, nhưng chứa thêm khí gas (gốc nitrogen) để tạo hiệu ứng bông mịn, sủi tăm, tăng cường thêm chút độ sánh và ngậy trong hương vị. Ở nhiều nơi, người ta cũng dùng cả tên “nitro cold brew” song song với “nitro coffee”.

cà phê nitro
(Ảnh: Roasty Coffee)

Năm 2012 là thời điểm nitro coffee dần xuất hiện phổ biến hơn, tạo nên một làn sóng hâm mộ siêu lớn chỉ sau một thời gian ngắn. Hiện nay, các sản phẩm nitro coffee đóng lon cũng đã được bày bán tràn ngập nhiều siêu thị lớn nhỏ.

Nguồn gốc & lịch sử

Dù có vài nguồn đưa tin khác nhau, nhưng số đông quan điểm đều cho rằng cà phê nitro được tạo ra bởi thương hiệu Cuvée Coffee (Texas, Mỹ) và Stumptown Coffee Roasters (Oregon, Mỹ) – cả 2 cùng ra mắt gần thời điểm với nhau. Tuy nhiên, Cuvee Coffee vẫn là cái tên chính thức nổi trội hơn, bởi họ đã giành được nhiều giải thưởng pha chế từ chính công thức nitro coffee tiên phong khi đó.

Quy trình làm Nitro Coffee

Các bước làm cà phê nitro khởi đầu bằng việc pha cà phê cold brew, vẫn là những khâu chuẩn bị hạt, ngâm nước lạnh và chờ chiết xuất quen thuộc. Sau khi hoàn thiện cold brew, nước cốt cà phê sẽ được trữ trong chai hoặc thùng kín khí.

Tiếp đến, khí nitro sẽ được bơm vào bình chứa cold brew, chờ phục vụ hoặc sử dụng uống là xong.

(Ảnh: Keg Outlet)

Việc bơm nitro vào cà phê sẽ tạo một lớp bọt khí trên mặt cốc, kèm theo hiệu ứng sủi tăm như bia hoặc nước có gas. Tuy nhiên, vì loại khí được dùng là nitro, không phải CO2, nên cảm giác thưởng thức trên đầu lưỡi cũng khá khác so với nước ngọt thông thường.

Nếu làm trước một mẻ nitro coffee lớn để dùng dần, 2 tuần tiếp theo sẽ là thời gian lý tưởng để sử dụng, còn 3 tháng là hạn ngưỡng tối đa được khuyến nghị nhằm duy trì chất lượng ổn định.

Khi phục vụ, các barista thường không thả kèm đá viên, bởi chúng sẽ phá hỏng lớp bọt khí trên mặt cốc và kết cấu sánh quyện của cà phê – vốn là yếu tố đặc trưng nhất của nitro coffee. Thay vào đó, họ sẽ luôn làm lạnh cốc và cà phê từ trước.


ĐỌC THÊM:


Tại sao lại chọn khí nitro?

Khí nitro bơm vào đồ uống không tạo hiệu ứng sủi mạnh như gas CO2. Vai trò chính của nitro là tạo kết cấu bông mịn cho cà phê, cùng hiệu ứng bọt khí “signature” trên miệng cốc. Do đó, trải nghiệm uống cafe nitro sẽ mượt và nhẹ hơn nhiều, không bị gắt ở cổ như uống bia hoặc nước ngọt.

Ngoài ra, dù nitro là khí không mùi không vị, nhưng bằng một cách nào đó, hiệu ứng của nitro khi bơm vào cà phê dường như khiến cảm nhận hương vị tổng thể trở nên ngọt dịu, hài hòa, dễ uống hơn.

Lưu ý thêm: Khí nitro được dùng phải ở dạng tinh khiết, không pha trộn với bất kỳ loại khí nào khác. Trong một số thử nghiệm, người ta đã thử bơm hỗn hợp khí nitro và CO2 (tỷ lệ 75-25) vào cà phê. Kết quả nhận thấy mùi vị trở nên đắng hoặc chua hơn so với ban đầu.

Tự làm nitro coffee tại nhà có khả thi?

Bất cứ ai cũng có thể tự làm cà phê nitro, nhưng sẽ “vất vả” hơn chút so với việc pha các loại cà phê khác.

Bước đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là đảm bảo làm ra một mẻ cold brew thật ngon, hợp khẩu vị. Tuy nhiên, để tạo ra một cốc nitro coffee hoàn chỉnh, bạn sẽ bắt buộc cần một thiết bị hoặc phụ kiện trữ và điều chế khí nitro vào đồ uống.

Cần có phụ kiện chứa và bơm nitro chuyên dụng mới có thể tự làm cà phê nitro chuẩn tại nhà.