Cafe là thức uống nổi tiếng với tác dụng giúp trí óc trở nên tỉnh táo, hưng phấn hơn bình thường. Tuy nhiên, tình trạng uống cafe bị mệt vẫn đôi lúc xảy ra khiến bạn khó chịu và bối rối, nhất là khi lần đầu gặp phải.
Đừng lo, rất nhiều người khác trên thế giới cũng đã (và đang) thi thoảng rơi vào tình huống tương tự. Những lý giải cụ thể nhất sẽ được TopListCafe cung cấp ngay sau đây, kèm theo các biện pháp để bạn luôn thưởng thức được một tách cafe trọn vẹn nhất.
3 lý do khiến bạn thấy mệt sau khi uống cafe
Rối loạn nội tiết
Hệ thần kinh và nội tiết của chúng ta chứa Adenosine – hợp chất có vai trò hỗ trợ kiểm soát chu kỳ ngủ/thức hàng ngày. Ban ngày, Adenosine được sản xuất và tích trữ dần, tới lúc cần thiết sẽ giải phóng, khiến cơ thể tự cảm thấy mệt và muốn nghỉ ngơi.
Cafe có thể can thiệp và làm gián đoạn quá trình hấp thụ Adenosine. Đây cũng chính là lý do vì sao bạn thấy tỉnh táo rất nhanh sau khi uống cafe.
Tuy nhiên, trong lúc Adenosine bị chặn đứng, cơ thể bạn vẫn tiếp tục sản sinh chúng như thường. Do vậy, khi cafe hết tác dụng, lượng Adenosine cộng dồn từ trước sẽ được giải phóng ồ ạt, làm bạn đột nhiên thấy uể oải rõ rệt.
Mất nước
Một sự thật thú vị có thể bạn chưa biết về cafe: Chúng có tác dụng kích thích lợi tiểu. Thậm chí, đôi lúc tác dụng còn cao tới nỗi khiến bạn muốn đi “vũ trụ” luôn…
Vậy thì uống bù lại nước là xong, có gì khó nhỉ? Mọi thứ không đơn giản như vậy, vì uống cafe cũng làm bạn mất cảm giác thèm uống nước, dẫn tới chỉ có “ra” mà không có “vào”.
Cộng thêm tác dụng làm tăng nhịp tim của caffeine, nhiệt độ cơ thể cũng sẽ tăng lên so với thông thường. Từ đó, quá trình đổ mồ hôi được đẩy nhanh hơn, càng khiến hao hụt lượng nước có sẵn trong cơ thể.
Vì những lý do trên, cơ thể bạn sẽ nhanh chóng trở nên thiếu nước, gây cảm giác mệt mỏi, chán chường. Tình trạng này chỉ đỡ hơn nếu như bạn đã kịp nạp khá nhiều nước trước khi bắt đầu uống cafe.
Cơ thể thiếu nước sẽ gây giảm huyết áp, giảm thể tích máu và quá trình tuần hoàn máu trong cơ thể. Tuyệt đối không nên uống thêm cafe để cố tỉnh táo – chẳng giúp giải quyết gì mà chỉ khiến hậu quả tệ hơn.
Hiệu ứng “sugar rush”
Cafe nguyên chất không có đường, nhưng cafe đã qua chế biến thì hoàn toàn có thể, thậm chí nhiều đường là đằng khác. Các chế phẩm từ đường kích thích cơ thể tiết ra chất opioid, có tác dụng tăng hưng phấn và dễ chịu, kích thích giảm đau. Đây cũng là lý do khiến nhiều người thích ăn nhiều đồ ngọt.
Tuy nhiên, đời chỉ tươi đẹp khi Opioid vẫn còn trong máu. Tới lúc hết hiệu ứng, bạn sẽ cảm thấy sự u ám, mệt mỏi bao trùm cả cơ thể lẫn tâm trạng. Điều này xảy ra bởi bạn đã quá quen với cảm giác phấn khích trước đó, chưa muốn “tụt mood” về như cũ.
Dần dần, bạn lại tìm đến đồ ngọt có đường như một giải pháp cứu cánh tạm thời. Cứ như vậy, cảm xúc liên tục lên xuống như đang đi tàu lượn cao tốc, tạo nên khái niệm “sugar rush” là vì thế.
Nếu chỉ thêm một lượng đường rất nhỏ vào cafe, bạn sẽ không cần quá lo lắng về hiệu ứng trên. Còn đối với các món cafe nhiều sữa, syrup và chất tạo vị ngọt, hãy chuẩn bị tâm lý vững vàng để đối phó nhé.
Thêm nữa, cơ thể chúng ta phân giải và hấp thụ đường nhanh hơn caffeine rất nhiều. Chỉ sau khoảng 90 phút, bạn sẽ thấy rõ tình trạng mệt mỏi sau khi nạp đường – khác nhiều so với vài tiếng đồng hồ khi bạn uống cafe đó!
ĐỌC THÊM:
- 21 công dụng đỉnh cao về cafe ít người biết
- Giải đáp 13 tranh cãi về cà phê đối với sức khỏe (tư vấn bởi chuyên gia)
5 biện pháp chữa mệt khi uống cafe
Dĩ nhiên, bỏ uống cafe cho đến hết đời sẽ không phải phương án được lòng nhiều người. May mắn là vẫn còn nhiều cách khác để tránh tình trạng uống cà phê bị mệt, chỉ vài lưu ý nhỏ là đủ hiệu quả.
Điều chỉnh thói quen uống cafe
Hàm lượng caffeine tiêu thụ tối đa được khuyến nghị cho một người lớn trưởng thành là 400mg/ngày. Con số này trung bình tương đương từ 2-4 cốc, mỗi cốc khoảng 250ml.
Thói quen uống cafe sẽ khác nhau tùy vào nhu cầu và lối sống của mỗi người. Có người uống 1 cốc cho vui là đủ, có người phải 1 cốc buổi sáng, 1 cốc buổi chiều mới đã.
Dù vậy, tác động mệt mỏi khi cafe hết tác dụng thì không chừa một ai. Cách đơn giản và hiệu quả nhất để khắc phục là một thói quen uống cafe điều độ, không lạm dụng và mất kiểm soát.
Caffeine có mặt cả trong nước ngọt, soda, nước tăng lực, thậm chí cả vài loại thuốc giảm đau. Hãy luôn giữ chừng mực vừa đủ nếu bạn thường xuyên tiêu thụ các loại đồ uống này.
Mẹo hay nên áp dụng: Kéo dài thời gian nạp caffeine của bạn. Thay vì làm một hớp “trăm phần trăm” như các ông chú trên bàn nhậu, hãy giảm tốc độ uống và nhâm nhi từng chút một.
Nếu bạn muốn tập uống cafe với tần suất dãn rộng hơn trong ngày, bình giữ nhiệt là cứu cánh hữu hiệu, tránh để cafe nguội ngắt dẫn tới mất ngon. Có như vậy, bạn vẫn sẽ tỉnh táo cả buổi sáng mà không lo “sốc” caffeine, để rồi rơi vào trạng thái lờ đờ uể oải sau đó.
Giảm tiêu thụ đường
Thật tốt nếu bạn luôn có kế hoạch ăn uống hợp lý và kiểm soát lượng đường nạp vào cơ thể. Dẫu vậy, không phải ai cũng đủ khả năng và kiên trì làm vậy.
Mức độ nhạy cảm với đường của từng người lại khác nhau. Vì thế, việc hiểu rõ cơ thể mình để tìm chế độ ăn uống phù hợp lại càng quan trọng hơn bao giờ hết.
- An toàn nhất là uống cafe đen hoặc Espresso nguyên chất, chúng có rất nhiều lợi ích về sức khỏe mà ít người để ý.
- Không quen vị đắng cũng không sao. Bạn có thể chuyển sang một số loại cafe chỉ pha cùng sữa tươi nguyên chất mà giảm tối đa lượng đường như Latte, Capuchino hoặc Macchiato.
- Nếu có syrup tạo vị đi kèm, hãy đảm bảo đó là syrup từ chất làm ngọt nhân tạo chứ không phải đường nhé.
Uống đủ nước
Ngắn gọn là vậy, nhưng đây thực sự là điều cần ghi nhớ cho bất kỳ tín đồ cafe nào. Hóa ra lời ông bà bố mẹ dặn uống nhiều nước ngày xưa vẫn luôn đúng, kể cả khi còn chưa biết cafe là gì…
2l nước/ngày là tiêu chuẩn được khuyến nghị để nạp vào cơ thể. Nghe thì nhiều nhưng đừng ngại khó, bởi nước đã có sẵn một phần trong thức ăn hàng ngày rồi. Trừ đi phần đó, bạn chỉ cần uống khoảng 1l nước lọc là đủ.
Lười đến nỗi không có đủ động lực để uống nước? Chắc ai đó sẽ cần danh sách các ứng dụng nhắc nhở uống nước này đây.
Bỏ thói quen xấu
Giảm uống cafe, giảm hết cả đường rồi mà vẫn cảm thấy dễ mệt? Nguyên nhân rất có thể đến từ chính sở thích và lối sống hàng ngày của bạn.
Nếu mỗi đêm chỉ ngủ từ 4-6 tiếng, một chế độ ăn uống lành mạnh gấp bội phần cũng không thể giúp bạn được. Cũng đừng cố uống thêm cafe để cứu vớt chút tỉnh táo mỗi sáng, đấy chỉ là phương án chữa cháy tạm thời, còn để lâu dài vẫn có hại.
Một số yếu tố khác cũng “đổ thêm dầu vào lửa” như cảm xúc tiêu cực quá tải, căng thẳng, ít vận động,… Biện pháp hữu hiệu duy nhất ở đây là thư giãn nhiều hơn, ngủ đủ để cân bằng nhịp sinh học cơ thể.
Cafe “lành mạnh”
Trên thị trường hiện nay đã xuất hiện khá nhiều sản phẩm cà phê decaf – viết tắt của “decaffeinated”.
Đây là loại cà phê được giảm thiểu hàm lượng caffeine xuống mức cực kỳ thấp, chỉ còn khoảng 3% so với ban đầu. Mọi giá trị dinh dưỡng khác vẫn được giữ nguyên, không gây ảnh hưởng tới hương vị đặc trưng của cafe gốc.
Rõ ràng, đây là lựa chọn lý tưởng cho những ai ngại viễn cảnh uể oải chán chường khi “dứt cơn”. Với cà phê decaf, bạn vẫn được thưởng thức hương vị thơm ngon của cafe mà lại không lo hiệu ứng mệt mỏi về sau.
Vì sao cách này hay ho thế mà giờ mới xuất hiện, lại còn đứng cuối danh sách?
Đơn giản lắm, vì cà phê decaf ít phổ biến hơn, cũng chẳng có mặt ở hầu hết các quán cafe. Muốn uống hàng ngày, bạn sẽ phải tự thân vận động 100%, tự mua gói cà phê decaf, tự tay chế biến khi cần.
Hơn nữa, nó chỉ như một biện pháp khắc phục tạm thời, không thể có lợi ích lâu dài bằng cách tập điều chỉnh những thói quen có lợi khác. Do đó, đừng quá lạm dụng cà phê decaf!
ĐỌC THÊM:
- “Giờ vàng” uống cafe trong ngày: Không phải buổi sáng thức dậy đâu nhé!
- Uống cafe là chuyện nhỏ, còn ăn cafe sẽ có cảm giác ra sao?
Caffeine không xấu, nhưng thói quen nạp caffeine bất cẩn dẫn đến mệt mỏi kéo dài sẽ thật sự đáng báo động. Chắc chắn bạn không muốn cai cafe cả đời rồi, vậy nên hãy cố gắng kiểm soát hành động của bản thân để cơ thể luôn ở trạng thái khỏe mạnh, minh mẫn nhất nhé.
Leave a Reply