Nhắc tới Dalgona Coffee, nhiều bạn sẽ ngay lập tức nhớ đến diễn biến viral mạnh mẽ của món cà phê bọt biển Hàn Quốc, gắn liền một thời cách ly tại nhà do dịch Covid-19. Tuy nhiên, số người biết về nguồn gốc sinh ra Dalgona lại cực kỳ ít, bỏ lỡ câu chuyện thăng trầm của người cha đẻ sáng tạo nên công thức này.
Cú sốc của người thợ tàu
Ông Leong Kam Hon sở hữu một quán cafe nhỏ tại đảo Coloane (Macau). Cửa hàng trông khá đơn giản, nằm gần một bờ cảng lâu đời nay đã không còn hoạt động.
Bất chấp địa điểm không có gì đặc biệt, quán cafe của ông vẫn luôn thu hút được nhiều sự chú ý từ dân cư và khách du lịch. Đơn giản thôi, họ biết rằng Hon chính là chủ nhân của công thức cà phê Dalgona gốc, và mong muốn được thưởng thức một cốc làm bởi chính tay người đàn ông này.
Theo truyền thống, một cốc cà phê bọt biển được ông làm theo cách thủ công hoàn toàn: Dùng tay đánh đều cà phê, đường và nước, lặp lại hàng trăm lần cho tới khi tạo thành lớp bọt sánh quyện, bông mịn.
Dù vậy, hiếm ai biết rằng để công thức đơn giản đó trở nên nổi tiếng, cuộc đời Hon đã trải qua những nốt trầm không thể nào quên.
Trước khi chuyển đến Macau, Hon từng sống tại thành phố Trung Sơn (Trung Quốc), khi đó vẫn là một cậu thanh niên mới lớn. Đảo Lộ Hoàn (tên tuốc tế: Coloane) lúc bấy giờ phát triển mạnh về ngành công nghiệp xây dựng tàu thủy. Sau 3 năm học việc, Hon dần trở thành một người thợ tàu lành nghề.
Thế nhưng, số phận đã đem đến một cú sốc lớn cho Hon: Tháng 9 năm 1986, ông gặp tai nạn lao động, bị thương nặng ở tay trái vì lưỡi cưa cứa phải. Sau 2 tháng nằm viện điều trị, vết thương của ông bị phát hiện nhiễm trùng, phương án được bác sỹ đưa ra là loại bỏ tay trái để bảo toàn tính mạng.
Nghe tin sét đánh, Hon trải qua cú sốc cực lớn, từ chối thực hiện tháo khớp. Thậm chí, ông đã nảy sinh suy nghĩ thà chết còn hơn mất tay, không thể làm việc, rồi trở thành gánh nặng kinh tế của gia đình.
Bất ngờ thay, sau 1 đêm cầu nguyện, phép màu thực sự đã xảy ra. Sau khi kiểm tra lần cuối, bác sỹ kết luận mức độ nhiễm trùng không quá nguy hiểm, có thể xử lý và không cần phải tháo tay. Trong quãng thời gian điều trị tiếp theo, Hon được chuyển qua viện tuyến trên, thực hiện phẫu thuật nối tay và điều trị dứt điểm.
“Sau khi phẫu thuật thành công, tôi phải mất thêm 4 năm mới có thể điều khiển cánh tay trái một cách bình thường như cũ. Quá trình đó đòi hỏi rất nhiều thời gian luyện tập,” chia sẻ bởi Hon.
Tuy nhiên, dù giữ lại được tay, Hon vẫn không thể có đủ sức khỏe như trước để tiếp tục làm thợ tàu.
Vượt lên số phận
Đã có vợ con, lại là trụ cột lao động chính của gia đình, Hon luôn canh cánh nỗi lo kinh tế khi mất việc. Dần dần, ông quyết định tự mở một tiệm cà phê nhỏ ngay cạnh bến tàu để kinh doanh, chủ yếu phục vụ ăn uống cho công nhân khi họ giải lao.
“Tên gốc của quán cafe là “Wai Ting Coffee”, đặt theo tên 2 đứa con gái của tôi. Nhưng nhóm thợ lại chỉ quen gọi là quán “Hon Kee” phỏng theo tên tôi cho dễ nhớ.” Đó là lý do sau này quán chính thức gắn liền với tên gọi Hon Kee.
Hon cho biết mình tự tay làm ra mọi thứ đồ đạc trong quán, từ bàn ghế gỗ, tới cả khu bếp để chế biến đồ ăn uống. Ngoài cà phê, ông còn bán cả đồ ăn như mỳ, bánh kẹp, và một số đồ giải khát.
Nhịp sống thường ngày cứ diễn ra như vậy, cho tới năm 1997, ông được gợi ý cách làm cà phê kiểu đánh bọt từ một cặp khách du lịch. Họ tuy là người ngoại quốc nhưng lại là khách quen đặc biệt, luôn ghé thăm quán cùng một dịp mỗi năm, trong thời gian diễn ra giải đua motor Macau Grand Prix.
“Năm 1997 là lần cuối tôi còn thấy cặp khách này, cũng không rõ họ đến từ nước nào. Chỉ nhớ rằng họ trò chuyện một lúc, rồi gợi ý tôi làm theo cách họ muốn, cụ thể là đánh bông cà phê hòa tan với đường và nước. Khi đó, tôi đơn giản là chiều khách nên cũng không quá quan tâm đến cách pha này, và quên ngay sau khi họ rời đảo.”
Bước ngoặt cuộc đời: Trở thành cha đẻ của cà phê đánh bọt
Đầu thập niên 2000, ngành công nghiệp đóng tàu trên đảo xuống dốc, không còn phát triển như xưa. Quán cafe của Hon bỗng lao đao, vì nguồn thu phụ thuộc chủ yếu vào nhu cầu chi tiêu của công nhân.
Tới năm 2004, bất ngờ thay, đoàn quay của Châu Nhuận Phát ghé thăm quán của Hon khi đi du lịch. Tại thời điểm đó, Châu Nhuận Phát là tên tuổi cực lớn của ngành điện ảnh, xuất sắc với bộ phim “Ngoại hổ tàng long” đạt hàng loạt giải thưởng.
“Ban đầu, tôi dù thấy quen quen nhưng không nhận ra đó là Châu Nhuận Phát, phải có người nhắc cho mới biết. Trong lúc chưa nghĩ ra gì để phục vụ, tôi chợt nhớ ra ý tưởng công thức cà phê đánh bọt đã bị lãng quên, rồi đề nghị làm món đó cho đoàn phim.”
Hon thừa nhận đó là lần đầu tiên ông thực sự để tâm đến từng chi tiết của cách làm cà phê đánh bọt. Cứ cho 1 thìa cà phê hòa tan, 1 thìa đường tương tự, đánh đều cùng nước tới khi tất cả bông mịn.
“Khi đó, tôi vẫn ngờ ngợ không biết có làm chuẩn như lời gợi ý của cặp khách năm nào hay không, nhưng vẫn quyết định phục vụ 3 cốc cho đoàn phim.”
Phản ứng của Châu Nhuận Phát đã khiến Hon không thể nào vui hơn. Nam diễn viên khẳng định đây là món cà phê ngon hơn cả tay nghề của khách sạn 5 sao! Chính sự việc này đã đem đến tiếng vang lớn cho quán cafe của Hon, kéo theo hàng loạt lượt khách du lịch đến trải nghiệm.
Đưa danh tiếng cà phê Dalgona ra toàn cầu
Khi biết tin món cà phê vốn là công thức bí mật bỗng trở thành trào lưu trên toàn thế giới, Hon hoàn toàn vui vẻ với điều này. Ông luôn thẳng thắn rằng mình không phải chủ nhân gốc nghĩ ra nó. Trên hết, ông chỉ muốn học hỏi kiến thức và áp dụng để làm việc nuôi gia đình. Còn lại, miễn có khách tìm tới quán để thưởng thức là quá đủ niềm vui cho Hon rồi.
Nghĩ lại quá khứ, Hon nghĩ có lẽ tai nạn năm xưa là một sự hy sinh đánh đổi cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Nếu dấu mốc đó không xảy ra, có lẽ ông sẽ không bao giờ được biết đến cùng món cà phê trứ danh này.
Nói về kinh nghiệm làm cà phê đánh bọt, ngoài việc đảm bảo tỷ lệ đều giữa các nguyên liệu, Hon còn gợi ý mọi người nên đun nóng nước, không dùng nước nguội. Khi đánh cà phê cùng đường trong nước nóng, kết quả dễ trở nên sánh quyện và mịn màng hơn, kể cả khi đánh thủ công bằng một chiếc thìa đơn giản.
“Một lớp kem bọt mịn đủ tiêu chuẩn với tôi phải cần khoảng 400 lần đánh tay mới đủ.”
Khi hoàn thành công đoạn đánh bọt, ông sẽ thêm chút nước và sữa tươi tùy theo yêu cầu của khách.