Trên thế giới có rất nhiều công thức kết hợp cà phê với các nguyên liệu đa dạng như mật ong hay phô mai, nhưng đã bao giờ bạn thưởng thức hoặc biết đến cà phê cam? Mới nghe có thể hơi ngờ ngợ, nhưng đây thực sự là một combo nổi tiếng tầm cỡ quốc tế nha!
Cà phê cam là thức uống cực quen thuộc với người Pháp và Thụy Điển từ nhiều năm nay, tới giờ vẫn không ngừng được sáng tạo và đổi mới với những điểm nhấn phá cách. Cùng TopListCafe tìm hiểu cặn kẽ từng nét đặc biệt của công thức này nhé.
Nguồn gốc lịch sử cà phê cam
Hiện không rõ ghi chép chính xác về ai là người đầu tiên nghĩ ra cách sử dụng cam cùng với cà phê. Dù vậy, trong suốt 1 thế kỷ vừa qua, cà phê và cam vẫn là bộ đôi được người Ý ưa chuộng làm món tráng miệng – thường là một cốc Espresso phục vụ cùng vài lát cam (hoặc chanh).
Khi đó, họ dùng những lát cam này thả thẳng vào trong cốc, hoặc vắt vài giọt nhẹ nhàng lên bề mặt cafe, hoặc nếm chút nước cốt chua tạo vị trước khi uống cafe.
Tại Mỹ, cách kết hợp 2 hương vị cam và cafe cũng trở nên phổ biến kể từ thập niên 1950. Ban đầu, họ vẫn có thói quen uống cafe và cam cùng lúc từ 2 cốc riêng, mỗi thứ nhâm nhi một chút. Nhưng tới nay, việc pha thẳng cafe và nước cam với nhau trong cùng một cốc đã trở nên bình thường hơn rất nhiều.
Xu hướng cà phê cam thời hiện đại
Việc kết hợp cafe và cam (hoặc các loại quả cùng họ cam chanh quýt) là một trào lưu đang ngày một nở rộ. Nếu vẫn còn nghi ngờ, thì xin đảm bảo với bạn rằng kết quả hương vị thực sự lạ lẫm, thú vị mà cũng rất đỉnh nếu biết cách nêm nếm vừa miệng.
Thành phố Phoenix (bang Arizona, Mỹ) là một ví dụ điển hình cho địa danh có món cafe cam in đậm dấu ấn trong đời sống hàng ngày, được áp dụng từ lâu bởi nhiều quán cafe trong khu vực. Dù mỗi quán lại có những điểm nhấn nho nhỏ khác biệt trong cả tên gọi và công thức chi tiết, tất cả đều có một điểm chung: Thu hút rất nhiều fan hâm mộ tới tìm hiểu và thưởng thức.
Ngoài ra, chúng có có cùng một hình thức tương tự: Một cốc cafe lớn với phần nước cam ép lạnh dưới đáy, bao phủ bên trên là lớp Espresso mềm mại. Phần cà phê này được đổ và thao tác cẩn thận để tạo thành 2 lớp tách màu rõ rệt và độc đáo, tránh hòa trộn tổng thể với nhau.
Được biết, một số quán cafe đã phục vụ cafe cam từ năm 2011, không ngừng đổi mới theo từng xu thế và sở thích khách hàng. Trước đó, chủ quán cũng khá ái ngại và không tưởng tượng nổi đến việc dùng cam và cà phê trong cùng công thức. Phải đến khi thử trực tiếp, họ mới thật sự ngỡ ngàng về hương vị thực tế của cà phê cam.
Với sự trợ giúp của mạng xã hội, tiếng tăm của combo Espresso và nước cam ép tại thành phố Phoenix lại được đà nở rộ hơn bao giờ hết. Người dân Phoenix cũng cho rằng nhờ yếu tố “thiên thời địa lợi” mà cà phê cam mới nổi tiếng như vậy: Khí hậu khá nóng nên nhu cầu đồ uống và giải khát cao, cộng thêm số lượng nhiều đồn điền trồng cam đang hoạt động tại đây nữa.
Thời gian đầu, khách hàng tới các quán cafe tại Phoenix cũng thường xuyên nghi ngại khi được gợi ý thử món đồ uống đặc biệt này, vì chẳng ai nghĩ tới 2 sắc thái hương vị của cam và cà phê lại có thể hòa quyện ăn ý cùng nhau. Phải đến khi chủ quán trực tiếp ra “trấn an”, đảm bảo không ngon hoàn tiền hoặc bù đồ uống miễn phí khác thì khách mới dần xuôi theo để thưởng thức.
Dĩ nhiên, đôi khi vẫn có những vị khách khó tính, không thực sự cảm thấy có nhiều sự hấp dẫn đằng sau công thức này. Khi đó, vài quán cafe đã nghĩ ra một phương án khác: Chỉ dùng cam như một chất làm nền và xúc tác mùi hương chua dịu nhẹ, thay vì trở thành nguyên liệu chính pha lẫn song song với cà phê.
ĐỌC THÊM:
- Cà phê sữa Việt Nam: Lịch sử thú vị & chặng đường nổi danh toàn cầu
- Kết hợp cà phê và phô mai: Đặc sản độc lạ nhưng đảm bảo ngon “hết sảy”
Công thức pha cà phê cam truyền thống
Trong tất cả mọi cách làm cà phê cam trên thế giới, công thức truyền thống vẫn phổ biến và được nhiều người ưa chuộng nhất bởi sự đơn giản, nhanh gọn nhẹ. Tại Việt Nam, công thức này có thể được lược giản đi chút tùy vào sở thích của mỗi người pha chế.
Nguyên liệu & dụng cụ
- 25-30g cà phê xay (hoặc 100-120ml cafe Cold Brew nếu bạn có sẵn)
- 100-120ml nước cam (chỉ dùng cam tươi tự nhiên, tránh nước ép đóng chai có đường)
- Vài múi cam nhỏ hoặc được cắt lát mỏng
- Nước lọc để nguội
- Nước tonic (không bắt buộc)
- Máy pha cà phê, cốc, thìa, đá lạnh
Quy trình cách pha cà phê cam
- Ủ cà phê thành Espresso và để nguội – hoặc nếu dùng Cold Brew sẵn thì quá tiện.
- Bỏ đá trong cốc khoảng 1 phút cho cốc lạnh đều, rồi rót nước cam vào.
- Đổ phần cà phê lên trên cùng một cách từ từ. Thả múi/lát cam lên mặt trên cùng.
- Thêm một chút nước tonic nếu bạn muốn, có tác dụng kích thích hương vị chung trở nên tươi mát, sảng khoái hơn.
- Thêm nước lọc tùy ý nếu bạn thích hương vị dịu nhẹ hơn.
- Khuấy nhẹ đều tay, trang trí thêm chút vỏ cam gài trên thành cốc và thưởng thức thôi!
Các biến thể khác của cà phê cam
Cà phê cam socola kem sữa – Orange Mocha Frappuccino
Nếu bạn muốn có một trải nghiệm ngọt ngào và đa dạng hơn, phù hợp với nhiều độ tuổi (và cũng “thách thức bụng dạ” nhiều hơn) thì Orange Mocha Frappuccino cũng là một ý tưởng đáng cân nhắc.
Bên cạnh những nguyên liệu và dụng cụ cơ bản như công thức gốc, bạn cần chuẩn bị thêm: Socola (dạng lỏng), kem sữa béo whipped cream, máy xay sinh tố.
Quy trình làm Orange Mocha Frappuccino cũng khá đơn giản: Cho tất cả các nguyên liệu vào cùng lúc và xay đều, cuối cùng trang trí mặt cốc bằng một lớp ngọn whipped cream.
Lưu ý rằng món này nên được uống nhanh để tránh tạo kết tủa dưới đáy cốc (hiện tượng xảy ra khi có thành phần chất trong sữa và cam tiếp xúc với nhau) gây mất thẩm mỹ cũng như trải nghiệm thưởng thức.
Cocktail cà phê cam
Thêm một chút cồn vào tách cafe ưa thích của bạn vẫn là sở thích quen thuộc của nhiều người trên thế giới – và cà phê cam cocktail cũng không phải ngoại lệ.
Một số tên gọi công thức để bạn tham khảo:
Việc kết hợp các nguyên liệu phức tạp sẽ được những bartender dày dạn kinh nghiệm lo liệu, hoặc bạn có thể thoải mái trò chuyện và nhờ họ tư vấn điều chỉnh cho hợp khẩu vị nha.
7 lợi ich khi kết hợp cà phê và cam
Tác dụng của cà phê thì miễn bàn, nhưng khi có thêm tác động của cam thì một số khía cạnh còn trở nên nổi bật hơn đáng kể.
Khắc chế vị đắng của cà phê
Một vài giọt nước cốt cam hoặc chanh có thể khiến vị đắng của cà phê – nhất là chủng hạt Robusta – trở nên dịu nhẹ hơn.
Nếu không muốn vị chua của cam trở nên lấn át quá nhiều, hoặc không thích cách pha lẫn với quá nhiều nước cam như ở Phoenix (Mỹ), bạn có thể thả vài lát vỏ cam/chanh vào bình chứa, ủ cà phê nóng vào, chờ ít phút cho tinh chất từ vỏ cam hòa tan rồi thưởng thức.
Cơ thể xử lý caffeine nhanh hơn
Nước ép cam tự nhiên có độ pH trung bình từ 3.3-4.2 nên sẽ dễ xúc tác những chức năng và cơ quan thụ cảm trong cơ thể, kích thích chúng làm việc nhanh, từ đó tăng tốc độ hấp thụ, chuyển hóa và xử lý caffeine.
Điều này đồng nghĩa với việc tác động của caffeine sẽ trở nên nhanh, mạnh và rõ rệt hơn bình thường, nhưng cũng sớm “tàn” hơn.
Tăng cường sự tỉnh táo
Cà phê vốn đã có tác dụng kích thích hệ thần kinh và đem đến sự tỉnh táo nhanh chóng, khi kết hợp với cam lại càng tăng cường hiệu quả. Đã có những nghiên cứu cho thấy khả năng thúc đẩy mức độ tập trung và kéo dài thời gian minh mẫn nhờ cam, hỗ trợ tăng lượng máu lưu thông tới não bộ, đồng thời tối ưu tốc độ truyền tải thông tin giữa các tế bào não với nhau.
Tốt cho sức khỏe tim mạch
Những chất dinh dưỡng tìm thấy trong cam (và các loại quả chung họ cam, quýt, chanh) – điển hình là vitamin C, flavonoid, carotenoid – có công dụng trong việc bổ trợ sức khỏe tim mạch và giảm thiểu rủi ro mắc các bệnh về tim.
Đây cũng là một lợi ích tốt của cam trong việc điều hòa tác động kích thích tim đập nhanh của caffeine lên cơ thể.
Tăng cường miễn dịch và kháng viêm
Cả cam và cà phê đều có các chất chống lão hóa và kháng viêm, thậm chí còn hiệu quả hơn cả thuốc đặc trị, giúp cơ thể trở nên bền bỉ để triệt tiêu xác suất mắc các bệnh như ung thư, tiểu đường, viêm khớp,…
Bổ sung năng lượng lành mạnh
Cà phê dù giúp bạn tỉnh táo nhưng chỉ dựa vào cách ức chế thần kinh là chính, còn lại cung cấp rất ít năng lượng và calo truyền thống. Tuy nhiên, cam thì khác, chứa nhiều calo lành tính, đi kèm với các dưỡng chất có lợi và dễ chuyển hóa.
Đặc biệt, cam còn cung cấp một lượng Kali lý tưởng – yếu tố quan trọng trong dinh dưỡng hàng ngày, vừa giúp điều hòa tinh thần, vừa hỗ trợ sức khỏe cơ bắp hoặc tim mạch.
Cân bằng nước trong cơ thể
Cà phê có thể khiến bạn bị mất nước nhiều hơn bình thường mà không hay biết (thông qua việc kích thích bài tiết nhiều). Mặt khác, thành phần trong cam lại chứa chất điện giải, giúp cơ thể được bù nước nhanh chóng, an toàn và tự nhiên.
ĐỌC THÊM:
- Điểm mặt 12 phong cách decor quán cafe nổi bật & phổ biến nhất thế giới
- Top 30 mẹo chụp ảnh sống ảo tại quán cafe (hướng dẫn căn góc & tạo dáng)
Câu hỏi thường gặp về cà phê cam
Có khá nhiều thắc mắc về việc dùng chung cà phê và cam liệu có thể mang lại một số tác hại không mong muốn hay vẫn trong ngưỡng an toàn. Dưới đây là những câu hỏi phổ biến nhất, đã được tổng hợp giải đáp bởi TopListCafe:
Cà phê cam có gây hại hơn cho răng hay không?
Vì cả cam và cà phê đều có thành phần acid cao, nên cũng dễ hiểu khi sự kết hợp của 2 nguyên liệu này đem đến những lo ngại về vấn đề răng lợi.
Về cơ bản, đã tiếp xúc với acid thì răng sẽ luôn bị ảnh hưởng ít nhiều (tùy vào thói quen lâu dài hoặc độ nhạy cảm cá nhân). Do đó, nếu đã có sự góp mặt của những nguyên liệu trên thì răng của bạn chưa bao giờ “an toàn” 100% theo nghĩa đen cả.
Tuy nhiên, hãy hiểu rằng một cốc cà phê cam cũng có tác động tương tự như một cốc cà phê thường, hoặc một cốc nước cam ép nguyên chất mà thôi.
Nói cách khác, nếu bạn cho rằng mình nên uống nước cam tươi 100% thay vì cà phê cam (tính trên cùng một đơn vị dung tích cốc đựng) để tránh hại men răng thì đó là suy nghĩ khá sai lầm. Vậy nên hãy cứ thả lỏng tinh thần và thưởng thức trọn vẹn hương vị mới này, miễn sao trong ngưỡng điều độ là được nha.
Uống cà phê và cam cùng lúc có dễ đau bụng hơn?
Tính chất acid không chỉ ảnh hưởng tới men răng mà còn cả hệ tiêu hóa nữa, điều này hoàn toàn đúng.
Dù vậy, lý thuyết ở đây cũng giống như thắc mắc về răng lợi đề cập bên trên: Uống chung cà phê và cam, hay uống cafe nguyên chất riêng, hay uống nước cam riêng – tất cả đều có tác động acid tương tự nhau.
Nếu bạn thường gặp vấn đề không mong muốn về kích thích dạ dày khi dùng cafe, hãy cân nhắc giảm liều lượng xuống hoặc ăn lót dạ trước khi uống. Tuyệt nhiên đừng đổ lỗi cho việc dùng cà phê và cam cùng lúc nha.
Cà phê pha cùng nước cam gây vón cục và kết tủa?
Tính chất acid khi kết hợp với protein trong các chế phẩm từ sữa sẽ gây hiện tượng vón cục, kết tủa. Tuy nhiên, điều này sẽ không xảy ra nếu bạn pha cà phê và nước cam nguyên chất, vì làm gì có chút sữa nào đâu.
Kể cả khi bạn lỡ tay thêm ít sữa tươi hoặc kem lên mặt cốc và nhận thấy dấu hiệu kết tủa, việc uống chúng không phải lúc nào cũng là xấu.
Thực chất, hiện tượng vón cục và kết tủa sữa không gây hại cho sức khỏe. Thậm chí, người ta còn chủ ý tận dụng hiện tượng này để làm ra phô mai hay sữa chua. Nếu bạn uống sữa hay cà phê sữa vón cục mà đau bụng, đó nhiều khả năng là do nguyên liệu gốc kém chất lượng hoặc đã bị hỏng từ trước khi pha chế.
ĐỌC THÊM:
- Cà phê decaf: Vị cứu tinh “thần thánh” cho người sợ say cà phê
- 12 công dụng của bã cà phê – “kho báu” tuyệt vời ít người biết
Hiện nay đã có khá nhiều nơi đưa công thức cà phê cam vào menu, hoặc kết hợp cà phê với các loại quả tương tự (ví dụ cafe kim quất tại Drop In Cafe uống siêu ngon và mượt nha). Mọi ích lợi và lưu ý đã được giải đáp bên trên, vì thế đừng ngại dành thời gian khám phá công thức cafe đầy thú vị này nhé!